Chuyện gì đây: Cổ phiếu công ty mẹ Uniqlo lao dốc, làn sóng tẩy chay thương hiệu có thể xảy ra

03/12/2024 11:53 AM | Quốc tế

Uniqlo cho biết đang theo dõi tình hình chặt chẽ và từ chối bình luận thêm.

Chuyện gì đây: Cổ phiếu công ty mẹ Uniqlo lao dốc, làn sóng tẩy chay thương hiệu có thể xảy ra- Ảnh 1.

Cổ phiếu Fast Retailing - công ty mẹ thương hiệu thời trang Uniqlo - vừa chứng kiến đà giảm mạnh gần 5% sau vụ lùm xùm về chất liệu sản xuất quần áo tại Trung Quốc. Các chuyên gia lo ngại rằng một làn sóng tẩy chay các cửa hàng Uniqlo có thể xảy ra.

Uniqlo cho biết đang theo dõi tình hình chặt chẽ và từ chối bình luận thêm.

Uniqlo, thương hiệu đang nỗ lực vượt qua Inditex, chủ sở hữu Zara và H&M để trở thành nhà bán lẻ quần áo lớn nhất thế giới, coi Trung Quốc như một trong những động lực kinh doanh lớn nhất. Lần đầu tiên thương hiệu này du nhập vào Việt Nam vào năm 2002 và cho đến nay vẫn tránh được căng thẳng địa chính trị vì sản phẩm thời trang tiện dụng được người tiêu dùng săn đón.

Trong số 3,1 nghìn tỷ Yên (21 tỷ USD) doanh thu trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 8 năm 2024, Trung Quốc đại lục chiếm 677 tỷ Yên, tương đương 22%. Hãng này hiện điều hành hơn 1.000 cửa hàng trong khu vực — nhiều hơn so với thị trường trong nước.

Trong một cuộc phỏng vấn riêng với tờ Nikkei của Nhật Bản vào tháng 10, Tổng giám đốc điều hành Fast Retailing, Tadashi Yanai cho biết Trung Quốc đóng vai trò quan trọng đối với sản xuất và điều này khó có thể thay đổi.

“Chúng tôi, Fast Retailing, đã cùng phát triển với ngành dệt may Trung Quốc”, Yanai chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với Nikkei Asia. “Tầm quan trọng của Trung Quốc, hoặc việc quản lý các nhà máy của nước này, không thay đổi. Hàng chục nghìn công nhân trẻ làm việc tại một nhà máy ở đây, không giống như những nhà máy ở Nhật Bản chỉ có khoảng 100 công nhân”.

Các công ty toàn cầu, bao gồm cả các tập đoàn công nghệ khổng lồ của Mỹ, đang hướng tới chiến lược “Trung Quốc+1” để đa dạng hóa các khoản đầu tư vào các quốc gia bên ngoài đại lục, chẳng hạn như Ấn Độ. Một số yếu tố đã được xem xét, bao gồm xung đột thương mại Mỹ-Trung, khi Tổng thống đắc cử Donald Trump trước đó tuyên bố sẽ áp dụng mức thuế bổ sung lên tới 60% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, ông Yanai đã nói “Không” với chiến lược “Trung Quốc+1”.

“Không có cách dễ dàng nào để xây dựng các nhà máy quy mô lớn thay thế các nhà máy ở Trung Quốc, nơi chúng ta có nhiều năm kinh nghiệm”, ông nhấn mạnh.

Theo thông tin công bố của công ty tính đến ngày 2 tháng 9, trong số 397 nhà máy may đối tác của Fast Retailing, 211 nhà máy được đặt ở Trung Quốc, 61 nhà máy ở Việt Nam và 26 nhà máy ở Bangladesh. Công ty cũng hợp tác với 155 nhà máy vải trên toàn thế giới, trong đó 75 nhà máy ở Trung Quốc.

Năm nay, Uniqlo kỷ niệm 40 năm ngày mở cửa hàng đầu tiên tại Hiroshima vào năm 1984. Cùng với thương hiệu chị em của Uniqlo là GU, Fast Retailing lần đầu tiên đạt doanh số bán hàng theo nhóm vượt quá 3 nghìn tỷ yên (20 tỷ USD) trong năm tài chính kết thúc vào tháng 8.

Mục tiêu tiếp theo của Yanai là doanh số 10 nghìn tỷ yên.

“Chúng ta không thể đạt được 10 nghìn tỷ yên theo cách tương tự như chúng ta đã đạt được 3 nghìn tỷ yên. Chúng ta phải không ngừng đặt câu hỏi về các cách tiếp cận đã thực hiện trong quá khứ - thứ mà chúng ta đã coi là điều hiển nhiên”, ông nhấn mạnh.

Theo: Financial Times, Nikkei Asia

Vũ Anh

Cùng chuyên mục
XEM