Lò than cháy suốt 300 năm, mỗi năm 'đốt nhẹ' 1 tỷ NDT của Trung Quốc: Lực bất tòng tâm!

07/12/2021 21:39 PM | Xã hội

Lò than này được ví như "Hỏa Diệm Sơn" phiên bản đời thực, và tất nhiên lửa không phải do lò bát quái gây ra.

Than đá là nguồn năng lượng dồi dào nhất trên Trái đất nhưng giá thành tương đối thấp vì trữ lượng lớn, nên được gọi là năng lượng rẻ. Với sự phát triển của nền kinh tế và tốc độ tiêu thụ than, con người bắt đầu ý thức được giá trị của than vì mất rất nhiều thời gian mới có thể tái tạo được chúng.

Trung Quốc là đất nước rất giàu trữ lượng than. Đặc biệt , núi Hạ Lan (nằm giữa Ninh Hạ và Nội Mông, Trung Quốc) có điều kiện địa chất đặc biệt nên chất lượng than ở đây có thể nói là độc nhất vô nhị.

Than ở đây không chỉ thải ra ít tro và lưu huỳnh mà nó còn gần như không có khói và tỏa ra nhiệt lượng cao. Có thể nói, than ở núi Hạ Lan là nguyên liệu hóa học rất lý tưởng. Vì thế nó được mệnh danh là “vua than”.

NGỌN LỬA ÂM Ỉ 300 NĂM TRÊN NÚI HẠ LAN

Than ở núi Hạ Lan rất quý nhưng các vỉa than của nó lại bị cháy một cách lãng phí. Có tài liệu cho rằng, chúng đã tự cháy trong 300 năm, có từ thời nhà Thanh. Người ta ước tính rằng núi Hạ Lan đã đốt hơn 34.000 tấn than mỗi năm trong các vỉa than tự phát, thiệt hại lên đến 1 tỷ nhân dân tệ mỗi năm.

Theo thống kê, diện tích vỉa than núi Hạ Lan cháy tự phát lên tới 16 ha, đám cháy vẫn đang tiếp tục mở rộng. Trước vấn đề này, nhiều người bày tỏ sự tiếc nuối vì không chỉ tiền mất tật mang mà nguồn than quý cũng bị mất đi, không thể tái tạo được.

Than trên núi Hạ Lan có hai đặc tính đó là hàm lượng khí và hoạt tính cao. Đặc điểm này khiến chúng không khác gì chiếc "cầu chì". Khi vỉa than phía trên bị đốt cháy tự nhiên, nhiệt độ sẽ dễ dàng chạm đến các mỏ than sâu hơn. Khi nhiệt độ lên đến 300-700°C, than ở những khu vực lân cận cũng sẽ bốc cháy theo.

Bên cạnh đó, theo các ghi chép có liên quan thì từ các triều đại cổ xưa đã có những lò nhỏ hoặc xưởng nhỏ khai thác than. Đến năm 1990, hoạt động khai thác ở khu vực núi Hạ Lan đã bùng nổ, nhưng lúc này công nghệ lại ngày càng kém đi.

Do việc khai thác không đạt tiêu chuẩn dẫn đến các vỉa than tiếp xúc với không khí tạo ra phản ứng với oxy và tự bốc cháy. Khu vực này cũng có vô số lỗ hổng do khai thác quá mức và bừa bãi. Đây cũng là một phần nguyên nhân gây ra ngọn lửa dai dẳng suốt 300 năm qua.

 Lò than cháy suốt 300 năm, mỗi năm đốt nhẹ 1 tỷ NDT của Trung Quốc: Lực bất tòng tâm! - Ảnh 1.

Quá trình khai thác vẫn diễn ra không ngơi nghỉ. Ảnh: Sohu

TÁC HẠI 'CHẾT NGƯỜI'

Việc than cháy liên tục không chỉ mang lại các khí độc hại như carbon dioxide, carbon monoxide và nitơ oxit mà còn trực tiếp tiêu diệt các sinh vật trong vùng lân cận. Điều này còn khiến chất lượng không khí địa phương trở nên tồi tệ hơn, đồng thời ảnh hưởng đến sức khỏe của con người.

Các số liệu thống kê liên quan chỉ ra rằng khu vực lò than tự phát ở núi Hạ Lan thải ra 12.900 tấn hạt và 5.324 tấn carbon dioxide mỗi năm. Lượng khí thải như vậy gấp 269 lần so với một nhà máy nhiệt điện. Theo báo cáo, người dân địa phương có tỷ lệ mắc các bệnh về đường hô hấp, đường tiêu hóa, ung thư cao hơn so với những nơi còn lại.

Không dừng lại ở đó, các hốc núi do khai thác quá mức dễ gây sạt lở, nứt núi, sụt địa tầng. Cùng với sự cằn cỗi của đất đai, nhiều sinh vật gần khu vực khai thác không thể tồn tại, và nhiều thảm thực vật bị chết, điều này làm trầm trọng thêm tình trạng xói mòn nước và đất trong mùa mưa.

TẠI SAO KHÔNG DẬP TẮT LỬA Ở NÚI HẠ LAN?

Theo thống kê, từ năm 2012 đến 2015, ở Trung Quốc đã xảy ra gần 20 vụ nổ khí quy mô lớn ở núi Hạ Lan, và có tới 9 vụ là do vỉa than tự phát, gây thiệt hại lớn về người. Ngọn lửa âm ỉ ở đây năm nào cũng mang lại thiệt hại nghiêm trọng và đã diễn ra liên tục hơn 300 năm nhưng vẫn chưa thể dập tắt. Lý do không phải vì không muốn mà là bởi "lực bất tòng tâm".

Trước hết, than ở núi Hạ Lan rất dễ bén lửa. Do đó, ngọn lửa có thể phát tán sang các vỉa than bên cạnh. Tình trạng này dẫn đến các vỉa than cháy tự phát ngày càng nhiều nên xác suất có thể dập tắt là rất nhỏ.

 Lò than cháy suốt 300 năm, mỗi năm đốt nhẹ 1 tỷ NDT của Trung Quốc: Lực bất tòng tâm! - Ảnh 2.

Than vẫn tiếp tục cháy mỗi ngày. Ảnh: Sohu

Ngoài ra, khai thác than "thâm canh" đã đẩy nhanh tốc độ tiếp xúc của các vỉa than. Khi bề mặt tiếp xúc giữa các vỉa than dưới lòng đất và ôxy ngày càng tăng, nguy cơ bén lửa cũng tăng lên. Vì con người khai thác bất hợp lý nên bên trong núi đã bị khoét rỗng. Chính những cái hố này đã cung cấp ôxy cho các vỉa than sâu. Hầu như những ngọn lửa này không thể tiếp cận được.

Không những vậy, ngọn núi còn bị khai thác từ nhiều hướng dẫn đến có nhiều lỗ hổng. Việc bịt các lỗ hổng này để ngăn ôxy vào là điều không thể.

Hơn nữa, phương pháp dập than tự cháy cũng khá đặc biệt. Chúng ta không thể dập tắt bằng cách phun nước như đám cháy thông thường, vì than khi gặp nước tự nhiên sẽ sinh ra hydro, dễ gây cháy nổ. Cho đến nay, người ta vẫn vẫn chưa tìm ra phương pháp dập tắt đám cháy an toàn và hợp lý.

Than vốn đã là nguồn tài nguyên quý giá và đang dần cạn kiệt. Để bảo vệ chính mình và thế hệ tương lai, chúng ta cần hành động nhiều hơn nữa để giữ gìn những nguồn tài nguyên này cho mai sau.

Theo Thuy Anh

Cùng chuyên mục
XEM