Lĩnh vực nào đang lọt "tầm ngắm" của nhà đầu tư Nhật Bản?
Tập đoàn tư vấn M&A hàng đầu thế giới RECOF (Nhật Bản) mới đây đã dự báo, xu hướng chính được các nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm là bán lẻ và phi ngân hàng.
Ông Masataka Sam Yoshida, Giám đốc Điều hành cao cấp phụ trách thị trường Việt Nam của RECOF Nhật cho biết, bên cạnh lĩnh vực bán lẻ thì những lĩnh vực phi ngân hàng như công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng khác sẽ là xu hướng đầu tư chính của các nhà đầu tư Nhật Bản.
Nhiều ông lớn bán lẻ ngoại mở rộng đầu tư
Nhắc đến lĩnh vực bán lẻ, không thế không kể đến Tập đoàn AEON của Nhật Bản đang hiện thực hoá tham vọng sẽ mở 20 trung tâm thương mại tại Việt Nam vào năm 2020. Hiện nay, Tập đoàn AEON đã đầu tư 5 trung tâm thương mại tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư lên tới 600 triệu USD.
Không giấu diếm tham vọng sẽ mở rộng hoạt động kinh doanh tại thị trường bán lẻ Việt Nam, ông Iwamura Yasutsugu, Tổng Giám đốc Aeon Mall cho biết: “Chúng tôi đang suy nghĩ đến việc mở trung tâm thương mại lớn ở cả 3 miền chứ không chỉ ở 2 đầu Việt Nam”.
Theo đó, để hiện thực hoá mục tiêu này, Aeon Mall Việt Nam bắt buộc phải triển khai hai chiến lược trọng yếu, đó là tìm đối tác có chung tầm nhìn và dự báo tốt về địa điểm nào sẽ “hút” khách, xu hướng đầu tư và thị hiếu người tiêu dùng để “đánh trúng” thị trường đang được đánh giá là màu mỡ.
Bên cạnh AEON, cũng phải kể đến một số tên tuổi hàng đầu trong ngành bán lẻ của Nhật Bản đã “nhanh chân” gia nhập thị trường Việt Nam trước đó là 7-Eleven, MiniStop, FamilyMart. Việc có nhiều "ông lớn" trong ngành bán lẻ hàng đầu Nhật Bản đã có mặt tại thị trường Việt Nam cho thấy các nhà đầu tư Nhật Bản đang muốn tiến tới chi phối thị trường này.
Một trong những điểm khiến thị trường bán lẻ Việt Nam hấp dẫn các nhà đầu tư Nhật Bản là do Việt Nam được đánh giá là 1 trong 30 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới, và xếp thứ 6 về Chỉ số Phát triển Bán lẻ toàn cầu (GRDI) năm 2017. Điều này cũng đã lý giải vì sao thời gian gần đây hàng loạt các nhà bán lẻ nổi tiếng ngoài Nhật như Pháp, Thái Lan,... cũng đã đồng loạt “nhảy” vào Việt Nam.
Hàng hoá Nhật Bản đang có độ phủ rộng và nhiều phân khúc tại thị trường bán lẻ Việt Nam.
Độ phủ rộng và nhiều phân khúc
Bên cạnh sự hấp dẫn của thị trường, cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, khi các nhà bán lẻ hàng đầu Nhật Bản vào Việt Nam đã giải được “cơn khát” hàng Nhật nói riêng và hàng chất lượng cao nói chung. Bởi, theo báo cáo của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản tại Việt Nam (JETRO), người tiêu dùng Việt Nam coi trọng chất lượng hơn giá cả. Khai thác được yếu tố “chịu chi” này của người Việt Nam, doanh nghiệp Nhật Bản đang “hừng hực” khí thế với kỳ vọng sẽ mở rộng đầu tư hơn nữa và chuyển dịch cơ cấu đầu tư, từ những ngành truyền thống như công nghiệp chế biến, chế tạo, cơ sở hạ tầng,... sang bán lẻ, phi tài chính. Điều này cũng lý giải vì sao hàng hoá Nhật Bản đang được “phủ sóng” ở nhiều phân khúc thị trường Việt Nam.
Ông Đỗ Tuấn, chủ hệ thống cửa hàng Kids Plaza, cho biết: “Hàng hóa Nhật luôn được người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng bởi chất lượng của sản phẩm luôn được kiểm định khắt khe. Chính vì vậy, sản phẩm của Nhật Bản như một bằng chứng của sự an toàn và chất lượng. Chỉ cần có chữ "Made in Japan" có thể dễ dàng thuyết phục khách hàng Việt Nam”.
Ngoài ra, những năm gần đây, lượng hàng hoá Việt Nam nhập khẩu từ Nhật Bản đã tăng lên đáng kể. Nếu như năm 2015, Việt Nam nhập siêu từ Nhật Bản vào khoảng 14,3 tỷ USD, thì đến năm 2016, con số này là hơn 15 tỷ USD, tăng 4,6% và đến năm 2017 con số này là 16,8 tỷ USD, tăng 14,2%. Điều này cho thấy hàng hóa Nhật Bản đang ngày càng xâm nhập sâu hơn vào thị trường Việt Nam.