Có "bùa chú" này, người trồng cam Cao Phong, bưởi da xanh Bến Tre, hộ kinh doanh chả mực Hạ Long... sẽ thu lợi cao hơn từ đặc sản và dẹp nạn hàng giả mạo danh
Dừa xiêm xanh, bưởi da xanh Bến Tre vừa được cấp chỉ dẫn địa lý
Các sản phẩm quý vùng miền của Việt Nam như mắm Phú Quốc, tiêu Quảng Trị, cam Cao Phong, bưởi da xanh Bến Tre... khi được cấp chỉ dẫn địa lý (CDĐL) sẽ vừa gia tăng được giá trị của sản phẩm, vừa quảng bá du lịch vùng miền.
Dừa xiêm xanh, bưởi da xanh Bến Tre vừa được cấp chỉ dẫn địa lý, nâng tổng số chỉ dẫn địa lý tại Việt Nam lên 66.
Các sản phẩm được cấp chỉ dẫn địa lý tại Việt Nam nhiều nhất là rau, quả, hoa (21), sau đó đến các loại gia vị (12) và 6 loại gạo của Việt Nam cũng đã được cấp chỉ dẫn địa lý. Ngoài ra, là các sản phẩm hải sản, trà, cà phê, đồ thủ công mỹ nghệ...
Các loại bưởi được cấp CDĐL.
Tiến sĩ Delphine Marie Vivien, chuyên gia về chỉ dẫn địa lý người Pháp, đã chỉ ra những giá trị lớn mà các sản phẩm như dừa xiêm xanh Bến Tre, bưởi da xanh Bến Tre, trà Shan Tuyết Mộc Châu, cà phê Buôn Ma Thuột, chả mực Hạ Long, cam Cao Phong, vải thiều Lục Ngạn... có được sau khi được cấp chỉ dẫn địa lý. Buổi chia sẻ của tiến sĩ Vivien diễn ra trong khuôn khổ Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao đang diễn ra tại TP HCM.
Bà Vivian đã ở Việt Nam 5 năm và đã có những nghiên cứu, thực địa đối với các sản phẩm của Việt Nam được cấp CDĐL.
4 giá trị mà chỉ dẫn địa lý mang lại
Thứ nhất, đó là giá của các sản phẩm được cấp chỉ dẫn địa lý (CDĐL) tăng lên do danh tiếng và uy tín. Chẳng hạn, như chả mực Hạ Long, sau khi được cấp chỉ dẫn địa lý giá đã tăng lên 15% trên thị trường. Cụ thể là giá hiện nay khoảng 17 USD/kg. So với các sản phẩm chả mực thông thường khác thì giá của chả mực Hạ Long đắt gấp rưỡi.
Chả mực Hạ Long
Hay cam Cao Phong, năm 2015, sau khi sản phẩm này được cấp chỉ dẫn địa lý, giá cũng tăng lên khoảng 30%.
Thứ hai, tiến sĩ Delphine Marie Vivien cho biết, đó là việc CDĐL giúp cho các nhà sản xuất, chính quyền các địa phương chống lại hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Bà Delphine Marie Vivien kể, cà phê Buôn Ma Thuột được cấp CDĐL và được chính quyền tỉnh Đắk Lắk đăng ký bảo hộ năm 2005, nhưng đến năm 2010, một nhà sản xuất Trung Quốc đăng ký tên cà phê Buôn Ma Thuột tại Trung Quốc.
Chính quyền tỉnh Đắk Lắk với sự góp sức của cà phê Trung Nguyên đã khởi kiện và buộc doanh nghiệp bên Trung Quốc phải bỏ thương hiệu Trung Nguyên.
Hay như cam Cao Phong, chính quyền dựng các biển báo tại nơi sản xuất và nơi tiêu thụ, ghi rõ sau thời điểm niên vụ thu hoạch kết thúc vào 25/5 thì thời gian sau đó, nếu ai bán cam Cao Phong là hàng giả.
Thứ ba, đó là các sản phẩm có CDĐL giúp quảng bá cho hình ảnh địa phương, du lịch của địa phương đó. Chẳng hạn như, một dịp lễ hội tại địa phương có sản phẩm được cấp CDĐL, sản phẩm đó được trưng bày và đây là cách để khách du lịch có thể dễ nhớ tới vùng đó do gắn liền với sản phẩm nổi tiếng.
Thứ tư, đó là CDĐL giúp bảo vệ, giữ gìn những truyền thống, văn hóa, đa dạng sinh học của địa phương.
Bà Vivian đưa ra ví dụ như cây tiêu ở Quảng Trị, người ta dùng cho tiêu bán lên cây chứ không như các vùng khác, cho cây bám vào gỗ và xi măng. Nhờ gốc tiêu bám vào cây mà hương vị tiêu Quảng Trị có những hương vị khác biệt.
Hay chả mực Hạ Long có hương vị riêng bởi được giã bằng tay. Cách làm riêng, hương vị riêng tạo nên thương hiệu chả mực Hạ Long nổi tiếng.