Tại sao thông tin trên Internet đang khiến bạn ngày càng trở nên ... 'ngu ngốc' hơn?

10/02/2016 12:51 PM | Sống

Tôi ghét phải thừa nhận điều này. Nhưng việc đang đọc bài viết này đang khiến bạn trở nên "ngu ngốc" hơn.

Lý do? Bởi vì bạn đang đọc bài viết này trên môi trường online, và bạn bị phân tán bởi hàng tá các lựa chọn kiểu như: Nhấn vào đây (click here), Xem cái này (Watch this), Chia sẻ đi (share that),... Những lựa chọn này tưởng như sẽ tạo ra sự đa dạng, tuy nhiên việc có quá nhiều nội dung online xuất hiện như vậy khiến bộ não của chúng ta phải học cách đọc mọi thứ riêng biệt ra.

Chính điều này sẽ thay đổi cách chúng ta học hỏi. Trong khi môi trường Internet giúp con người tiếp cận với thông tin nhiều và dễ dàng hơn, nhận thức của chúng ta cũng trở nên mờ nhạt và hời hợt hơn.

Trong cuốn sách The Shallows: What the Internet is Doing to Our Brains (Tạm dịch: Internet đang làm gì với bộ não của chúng ta) vừa đoạt giải Pulitzer, Nicholas Carr đã đặt ra vấn đề Internet đang hủy hoại tư duy não bộ của chúng ta. Những kết luận này được hỗ trợ từ những nghiên cứu về thần kinh học.

Trong một nghiên cứu UCLA được tiến hành vào năm 2008, não bộ của 24 người tham gia nghiên cứu đã được quét khi họ đang tìm kiếm trên Google. Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng những người thường sử dụng Google hơn có các bộ phận trong não hoạt động cao hơn, bao gồm phần vỏ não trước trán. Đây là phần tạo ra nhận thức, giúp con người đưa ra các quyết định.

Bạn có thể nghĩ điều này rất có lợi: "Tin tốt là khi bạn lướt web, vì bạn huy động rất nhiều phần của não bộ hoạt động, nó sẽ giúp não bộ của bạn nhanh nhẹn hơn", Carr viết.

Nhưng thực tế là nó có một nhược điểm. Khi bạn nhìn thấy một đoạn văn bản có chứa link liên kết (ấn vào để sang một nội dung khác), não bộ của bạn sẽ đặt ra câu hỏi: "Ấn vào hay không?", bạn bị mất tập trung và thế là những thông tin bạn vừa đọc không thể trở thành thông tin sâu.

Carrs cho rằng: "Chúng ta không cảm thấy việc chuyển hướng não bộ, từ việc đọc sang đưa ra quyết định, bởi não bộ thường phản ứng nhanh. Mặc dù vậy, nó cản trở khả năng lĩnh hội và nhận thức của con người, đặc biệt là khi nó cứ lặp đi lặp lại nhiều lần".

Không có gì ngạc nhiên khi việc sử dụng Internet đang "viết lại" não bộ của chúng ta. Quay lại với nghiên cứu UCLA, những người ít dùng Goolge đã được yêu cầu sử dụng Internet một giờ mỗi ngày. Sau 5 này, não bộ của họ đã được quét lại, và người ta lại thấy phần vỏ não trước trán hoạt động mạnh hơn.

Như vậy, chỉ dùng Internet không quá nhiều (1 giờ/ngày) cũng đủ để làm thay đổi cách tư duy và nhận thức trong não bộ của bạn.

Cuốn sách đưa ra nhiều dẫn chứng hơn. Theo một nghiên cứu của Tạp chí Thông tin Kỹ thuật số, những người đọc nhiều văn bản có chưa nhiều đoạn link liên kết sẽ không thu thập được nhiều thông tin như khi họ đọc văn bản thường (không chưa đường link nào).

Đọc sách thì khác hẳn. Những thông tin não bạn nhận được sẽ chuyển từ "trí nhớ làm việc" (ngắn hạn) sang trí nhớ dài hạn.

Thần kinh học đã cho thấy trí nhớ dài hạn không chỉ là nơi bạn lưu trữ những thông tin ngẫu nhiên, thay vào đó nó sắp xếp và giúp bạn tổ chức lại và định nghĩa lại thông tin. Vấn đề là khi bạn đọc trên Internet, đột nhiên có quá nhiều thông tin cần lưu vào "trí nhớ dài hạn" cùng một lúc, dẫn tới "quá tải nhận thức".

Khi bạn đọc trên môi trường Internet, "Não bộ phải chuyển hóa một mớ thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, không liên tục, liền mạch", Carr viết. Não bộ sẽ không đồng hóa các thông tin trên một cách có ý nghĩa nhất, và không liên kết được chúng lại với các dữ liệu khác.

"Kết quả là chúng ta trở thành những người tiếp thu dữ liệu một cách vô năng".

Rõ ràng, Internet đã làm thay đổi cách chúng ta đọc và tư duy. Điều đó có thể không quan trọng với bạn. Đôi khi, bạn chỉ cần vào Google để tìm đúng dữ liệu và con số. Tuy nhiên, trí tuệ của con người được bồi đắp từ việc thu thập những thông tin vào "trí nhớ dài hạn". Sự sáng tạo đòi hỏi việc tiếp cận những thông tin dài hạn như vậy. Càng đọc nội dung trên Internet, trí óc của chúng ta càng bị phân tán, dần mất tập trung và cuối cùng là giảm khả năng của mình.

Hoàng Vân

Cùng chuyên mục
XEM