'Nếu phải ra đi, hãy chọn cách ra đi đúng đắn và tử tế'

18/05/2015 12:10 PM | Sống

Chúng tôi gọi Trung tâm cứu hộ gấu là nơi chuộc lỗi của con người, dành cho gấu, cho những gì thuộc về thiên nhiên mà con người đã nhẫn tâm tàn phá.

Tại đây, chúng tôi được nhân viên trung tâm kể chuyện về một con gấu bị tự kỷ. Như bao nhiêu cá thể gấu được đưa về trung tâm, Suki đã có thời gian dài bị nuôi nhốt trong điều kiện chuồng trại chật hẹp, bẩn thỉu, và bị hút mật hàng ngày. Nó bị stress, trầm cảm.

Cũng như con người, khả năng hồi phục của mỗi cá thể gấu là khác nhau. Với Suki, nó vĩnh viễn không hòa nhập lại được nữa. Ở khu chăm sóc chung, Suki chỉ đi lại trong bán kính 5 bước chân. Cứ hết 5 bước, nó lại quay lại. Cứ triền miên như vậy, ngày này qua ngày khác. Ở khu vực nó ở, cỏ không mọc nổi...

Suki không phải là trường hợp thương tâm duy nhất tại trung tâm đặc biệt này.

Để đáp ứng nhu cầu sức khỏe của con người (mà thực tế chỉ là thông tin mù quáng), tay gấu trở thành một món hàng đắt đỏ. Còn tệ hơn cả cái chết, gấu bị chặt tay, sống cuộc đời tàn phế. Trước mặt chúng tôi, tại trung tâm cứu hộ gấu, có những con gấu lầm lũi gặm cỏ, tắm táp với 1 hoặc 2 tay bị cụt. Có con bị cụt bàn tay, có con bị cắt trọn vẹn cả cánh tay...

Gấu là động vật thích leo trèo và leo trèo rất giỏi. Trong tự nhiên, gấu vẫn thường "ăn trộm" mật ong nhờ biệt tài đó. Cắt tay đồng nghĩa với việc gấu sẽ suốt đời không còn được thỏa thích leo trèo được nữa.

Tất cả chỉ vì niềm tin mù quáng vào công dụng tuyệt hảo của tay gấu.

Không phải con gấu nào cũng được leo trèo bình yên như thế này

Trong cuộc trả lời phỏng vấn gần đây, Maggie Q, minh tinh điện ảnh gốc Việt, đại sứ của WildAid – Tổ chức bảo vệ động vật hoang dã cho biết: Nếu một người thân yêu ruột thịt hay chính bản thân tôi phải ra đi, tôi sẽ chọn cách ra đi đúng đắn và tử tế.

Con người đang tự coi mình là trung tâm, buộc mọi loài phải phục vụ, phải đáp ứng nhu cầu (ngày càng tham lam) của chính mình.

Một con gấu bị cụt tay đang gặm cỏ một mình

Lấy mật gấu là phạm pháp

Từ năm 2006, pháp luật nước Việt Nam chính thức cấm mọi hình thức lấy mật gấu. Việc lấy mật gấu không những vi phạm công ước quốc tế, còn để lại hình ảnh vô cùng xấu của Việt Nam, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành du lịch nước nhà.

Y học đã tìm ra nhiều phương thuốc tốt có những chức năng thay thế mật gấu. Những vị thuốc đông y đó, và quan trọng hơn cả, không làm hại, không nhẫn tâm đối với bất kỳ động vật sống nào.

Hiện tại, tất cả các cá thể gấu nuôi nhốt ở Việt Nam đều đã được gắn chip theo dõi, như một tài sản quốc gia. Nếu các hộ gia đình nuôi nhốt với điều kiện không tốt, Nhà nước có quyền thu hồi gấu để bảo vệ gấu như một loại động vật quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng.

Luật là như thế, việc thực thi pháp luật tại Việt Nam hiện còn rất lỏng lẻo. Đó cũng là nguồn cơn những bất hạnh mà loài động vật này đang phải gánh chịu.

Các cá thể gấu trong Trung tâm đang gặm cỏ và tắm

Trao đổi với chúng tôi, Tiến sỹ Tuấn Bendixsen – Đại diện Tổ chức Động vật Châu Á cho biết, có tới 80% cá thể gấu ở Trung tâm Cứu hộ gấu đã từng bị nuôi nhốt và lấy mật một cách tàn bạo. 20% may mắn còn lại, vì quá nhỏ, và đươc đưa vào trung tâm sớm.

Mỗi cá thể gấu khi vào trung tâm đều phải trải qua một liệu trình điều trị, mới có thể hòa nhập và sinh sống bình thường. Và không phải trường hợp nào cũng thành công…

Thay lời kết

Nhìn những con gấu cục mịch vui đùa, trải qua những tổn hại về tinh thần và thể xác do con người gây ra, mới thấy sự mạnh mẽ và bao dung của thiên nhiên.

Con người, thiết nghĩ, hãy sống sao cho xứng đáng với sự bao dung đó, xứng với vị trí trung tâm mà con người đang tự đặt mình vào.

Suy cho cùng, thiên nhiên cũng không thể bao dung mãi được!

>> Động vật cũng cần... phúc lợi?

Minh Thư

Cùng chuyên mục
XEM