'Liều' như Masayoshi Son: Lấy tài sản cá nhân bảo lãnh cho 1 nhà sáng lập vay 2 tỷ USD, nguy cơ sắp bị các ngân hàng 'siết nợ'
Lấy tài sản cá nhân ra bảo lãnh cho 1 nhà sáng lập vay 2 tỷ USD, Masayoshi Son sắp bị các ngân hàng siết nợ.
9 tháng trước, Masayoshi Son đã công khai tuyên bố rằng Ritesh Agarwal là một trong những doanh nhân ngôi sao được Softbank đầu tư. Vị tỷ phú Nhật Bản đã khoe khoang rằng chuỗi khách sạn Oyo của Agarwal sẽ vượt những thương hiệu khách sạn lớn nhất thế giới trong vài năm tới. "Đây sẽ là điều hết sức phi thường", Son nói trong một cuộc hội thảo ở Tokyo vào năm ngoái. "Ở tuổi 25, cậu ấy (ý nói Agarwal) sẽ trở thành ông vua khách sạn lớn nhất thế giới".
Hiện tại, Oyo đang phải đóng băng hoạt động ở khắp các chi nhánh trên thế giới, cho hàng nghìn nhân viên nghỉ việc và tìm đủ mọi cách để sống sót qua đại dịch Covid-19. Khi mà hoạt động du lịch trên toàn thế giới bị đình trệ, các phòng khách sạn ở khắp nơi trống không, thua lỗ cứ thế chồng chất.
Ritesh Agarwal - nhà sáng lập startup khách sạn Oyo.
Oyo đang trên bờ vực trở thành startup thất bại thảm hại thứ 2 của Softbank và Son sau WeWork. Nếu như trước đây Softbank từng ghi lãi khi giá trị của Oyo tăng vọt thì giờ đây họ đang phải chứng kiến khoản đầu tư của mình thua lỗ nặng. Startup này từng trị giá 10 tỷ USD vào năm trước - trở thành một trong những công ty có giá trị cao nhất trong danh mục đầu tư của Softbank.
Tình hình của Oyo dường như cực kỳ lộn xộn. Trong một động thái rất khác thường, Agarwal hiện 26 tuổi đã vay 2 tỷ USD để mua cổ phiếu của chính công ty mình khi giá trị tăng. Điều đáng nói là Son chính là người lấy tài sản cá nhân để đảm bảo cho khoản vay rất lớn của Agarwal từ các tổ chức tài chính gồm cả Mizuhu Financial Group. Trong tình huống như bây giờ, các ngân hàng có thể yêu cầu phải thế chấp nhiều hơn nếu giá trị của Oyo sụt giảm và cả 2 người đàn ông này sẽ có thể phải đối mặt với tổn thất cá nhân nặng nề.
"Agarwal có thể gặp rắc rối sớm nếu anh ta đối mặt với margin call (có nghĩa là nhà môi giới sẽ bắt buộc phải đóng lệnh của nhà giao dịch khi đạt đến một mức thua lỗ nhất định). Anh ta có thể phải bán cổ phiếu ở mức giá thấp khủng khiếp", theo Justin Tang - Chủ viện nghiên cứu châu Á tại United First Partners.
Son đã thề sau bê bối WeWork rằng ông sẽ không đứng ra bảo lãnh cho bất kỳ startup nào nữa nhưng những lo ngại kéo dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới cổ phiếu của Softbank. Vấn đề của Oyo sẽ trở nên phức tạp bởi lợi ích tài chính cá nhân của Son như một người bảo lãnh cho khoản vay của Agarwal - nó sẽ rất khác so với trường hợp Softbank là đơn vị đứng ra bảo lãnh. Hội đồng quản trị Softbank sẽ phải tham gia nếu như cuối cùng họ cần phải xác nhận xem có nên cứu Oyo hay không.
"Cho nhân viên nghỉ việc số lượng lớn là tín hiệu cho thấy tình hình tài chính và dòng tiền của Oyo đang cực kỳ xấu", theo Daisuke Seki - CEO IB Research & Consulting tại Nhật Bản.
Agarwal, trong một video vào tuần trước nói với các nhân viên rằng việc cho nghỉ việc sẽ giúp bảo toàn được công việc và giữ cho hoạt động kinh doanh trong dài hạn. Oyo hiện có hơn 1 tỷ USD tiền mặt trong ngân hàng và họ đang tìm hiểu vài lựa chọn để có thể duy trì hoạt động trong ít nhất 36 tháng.
Agarwal thành lập Oyo sau khi đi du lịch vòng quanh Ấn Độ với chi phí hạn hẹp và đó cũng chính là lúc anh nhận ra cơ hội trong ngành công nghiệp này. Ở tuổi 19, anh đã thành lập nên website đặt phòng khách sạn và bắt đầu làm việc với những khách sạn nhỏ, thiết kế, chuẩn hóa nội thất để thu hút khách du lịch. Oyo sẽ lấy 25% doanh thu.
Mô hình này đã bùng nổ mạnh mẽ ở Ấn Độ. Việc đảm bảo những chất lượng cơ bản đã tạo ra niềm tin cho khách hàng và mang về thêm doanh thu. Quá thích thú với ý tưởng này và Agarwal Son đã đầu tư vào đây khi startup mới 2 năm tuổi.
Tuy nhiên, khi Softbank bắt đầu quỹ 100 tỷ USD vào năm 2017, Son đã khuyến khích Agarwal mơ lớn hơn. Ông rót 1,5 tỷ USD vào công ty và khuyên nhà sáng lập trẻ thách thức những chuỗi khách sạn lớn nhất thế giới. Nếu đứng đầu về lượng phòng thì có nghĩa là họ có thể vượt qua Mariott International, thành lập năm 1927.
Mô hình kinh doanh này rất tốt ở Ấn Độ nhưng không có nghĩa là có thể dễ dàng phù hợp ở các thị trường khác như Mỹ, châu Âu - những nơi có nhiều chuỗi khách sạn lâu đời hơn. Tuy nhiên, Agarwal đã nhanh chân tiến ra nước ngoài, xây dựng những đội ngũ trên toàn thế giới và mua lại một vài bất động sản, bao gồm cả chuỗi Hooter Casina ở Las Vegas.
Sự mở rộng nhanh chóng đã phản tác dụng, nhất là trong thời điểm virus lan rộng khiến hoạt đông du lịch trên toàn cầu bị ngưng trệ.
Có một cách để Oyo thuyết phục các chủ khách sạn tham gia vào hệ thống của họ là có 1 đảm bảo về lượng doanh thu tối thiểu, đặt cược rằng hệ thống đặt phòng trực tuyến và thương hiệu Oyo sẽ giúp thu hút thêm doanh thu. Nhưng hiện tại, doanh thu thì đang giảm mạnh mà Oyo vẫn phải trả tiền cho các chủ khách sạn.
"Vấn đề của Oyo là họ không chỉ là người kết nối và họ còn phải trả khoản doanh thu tối thiểu. Trong bối cảnh đại dịch đang hoành hành, việc phải nói với các chủ khách sạn rằng Oyo không thể thanh toán khoản này nữa là một điều hết sức khó khăn".
Trên thực tế, Oyo thời gian gần đây đã không trả một vài khoản doanh thu tối thiểu như vậy.
Với Son, Oyo có thể tiếp tục giáng một đòn đau vào danh tiếng của ông như một nhà đầu tư mạo hiểm vào các công ty khởi nghiệp. Nhiều năm qua, tỷ phú này có thể dựa vào mảng kinh doanh viễn thông có lợi nhuận ổn định để duy trì hoạt động và một vài khoản đầu tư "siêu lời" nổi tiếng như vào Alibaba và Yahoo.
Tuy nhiên với Vision Fund - có thể là quỹ đầu tư lớn nhất từng có, Son đang đứng trước quá nhiều rủi ro. Trong khi WeWork là sai lầm lớn nhất cho đến nay, thì rất nhiều startup khác trong danh mục cũng đang cho thấy thất bại như Zume Pizza phải cắt giảm việc làm và OneWWeb thì vừa nộp đơn phá sản.
Những chiến thắng và mất mát dĩ nhiên không dễ chịu và nó thể hiện rõ trong báo cáo tài chính mỗi quý của Softbank. Đầu tuần, quỹ Vision Fun đã báo cáo sự tăng trưởng ổn định giá trị các startup mà họ sở hữu, Son nhấn mạnh chúng như một bằng chứng rằng tài sản đang tới mặc dù lợi nhuận chỉ là trên giấy - một số liệu chịu rất nhiều sự chỉ trích từ các chuyên gia trong lĩnh vực kế toán.
Riêng Oyo, quỹ Vision Fun đã rót 250 triệu vào startup này vào năm 2017 và 1 tỷ USD vào năm 2018 đẩy giá trị công ty lên 5 tỷ USD. Sequoia và Airbnb cũng đầu tư vào Oyo.
Hiện tại, quỹ Vision Fund đang báo cáo thua lỗ kể từ sau bê bối WeWork khiến các nhà đầu tư đều có những suy nghĩ hết sức tiêu cực. Quỹ này đã mất 11 tỷ USD trong 2 quý trước. Và thời gian tới con số này còn có thể tiếp tục tăng.
"Họ sẽ phải định giá lại Oyo sau khủng hoảng Covid-19 này".