Liên tục phá sản vì nghe lời chuyên gia Harvard, FPT lại thành công nhờ hành xử theo kiểu Việt Nam
Nghe theo lời khuyên từ các chuyên gia Harvard, doanh nghiệp này đã tiến quân ra nước ngoài bằng việc mở công ty ở Mỹ. Sau 1 năm, công ty phá sản vì chẳng ai thuê…
Câu chuyện này được ông Hoàng Nam Tiến – Chủ tịch HĐQT FPT Software, một trong những nhân vật tiên phong trong chiến lược toàn cầu hóa của FPT – chia sẻ tại Đại hội Sales và Marketing toàn quốc 2016 (VSMCamp 2016) diễn ra cuối tuần trước.
Công ty con tại nước ngoài liên tục phá sản vì nghe theo chuyên gia Harvard
Vào thời điểm 1998, FPT thấy rằng mình đã là công ty về công nghệ thông tin (IT) số 1 tại Việt Nam và quyết định tiến công ra nước ngoài.
Cũng như mọi quyết định mới trước đây, khi quyết ra nước ngoài, FPT cũng quyết định “học Tây”.
“Chúng tôi thuê một công ty tư vấn hàng đầu nước Mỹ đến Việt Nam để tư vấn cho chúng tôi. Họ cử những người học MBA (Thạc sỹ quản trị kinh doanh) ở trường Kinh doanh Harvard, trường Kinh tế London… sang làm tư vấn cho chúng tôi”, ông Tiến kể lại.
Theo những lời khuyên ấy, FPT đã quyết định làm một việc mà thoạt nghe rất thích vì tính chuyên nghiệp và tầm vĩ mô: Mở văn phòng ở Silicon Valley.
“Hiển nhiên đã làm công nghệ là phải sang Mỹ! Nhưng sau khi mở công ty ở Mỹ được 1 năm thì công ty đó phá sản vì chẳng ai thuê chúng tôi”, ông Tiến nhớ lại.
Mỹ tiến thất bại. FPT quyết định “Ấn tiến”, tiến quân sang Ấn Độ - nơi những người làm phần mềm tốt nhất là ở Ấn Độ, nơi Infosys, TCS, Wipro đều cư ngụ. Sau 1 năm mở công ty tại Bangalore (Ấn Độ) – nơi được xem như Silicon Valley của Châu Á, công ty cũng phá sản vì không ai thuê.
Liên tiếp thất bại, số tiền 2 triệu USD để tiến quân ra nước ngoài không còn 1 xu. 8 lãnh đạo cao nhất của FPT buộc phải ngồi cân nhắc lại việc đi ra nước ngoài và chiến lược toàn cầu hóa.
Ngoại trừ ông Nguyễn Thành Nam – nguyên TGĐ FPT không được bỏ phiếu, 6 lãnh đạo cấp cao của FPT (ngoại trừ Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình) đều tán thành việc không cần phải toàn cầu hóa.
“Ở Việt Nam, chúng tôi đang làm rất tốt. Cả Việt Nam mua phần mềm của chúng tôi, máy tính, điện thoại của chúng tôi. Việc gì chúng tôi phải đi ra nước ngoài. Hơn nữa, chúng tôi cũng đã hết tiền rồi”, ông Tiến kể lại.
Hành xử kiểu trọng tình đầy chất Việt Nam lại thành công!
Trước 6 phiếu không tán thành, ông Bình mới từ tốn: “Bây giờ công ty chúng ta không họp nữa. Chúng ta họp gia đình. Nhà có 8 anh em, không có bố. Tôi là anh cả, tôi quyết làm tiếp!”
“Nếu không có buổi họp ấy, không có sự quyết tâm của ông Bình, hôm nay FPT sẽ không có vài ba trăm triệu USD về phần mềm, và cũng không có hơn 10.000 kỹ sư phần mềm như hiện tại”, ông Tiến nói.
Sau cái quyết tâm của người lãnh đạo đầy quyền lực ấy, FPT không biết làm gì và đi đâu. Mỹ đã đến, Ấn Độ, Singapore cũng đã đi. Đến những nơi tiếng Anh là ngôn ngữ thứ nhất thì lãnh đạo FPT mới nhận ra rằng: Trong toàn bộ kỹ sư xuất ngoại chỉ có 2 người biết tiếng Anh.
Và họ quyết định sang Nhật.
Thời điểm đó, các khách hàng Nhật không ai biết tiếng Anh. Trong đoàn sang Nhật của FPT chỉ có duy nhất một cô gái biết tiếng Nhật.
“Một lần nữa, những việc các chuyên gia Harvard tư vấn, những điều các chuyên gia hàng đầu về bán hàng, Marketing quốc tế dạy chúng tôi đều không áp dụng được trong trường hợp này”, ông Tiến nói.
Bất ngờ là, cách làm việc trọng tình của người Việt lại chiếm được trái tim các khách hàng Nhật Bản.
Nhìn Việt Nam bấy giờ như Nhật Bản xơ xác những năm 1940 – 1950, từ cách ăn đũa đến thói quen ăn cơm kèm canh, rất nhiều người Nhật Bản lớn tuổi có sự đồng cảm.
Ông Ogawa Takeo – cựu CEO của Hitachi Software – cũng vì sự đồng cảm ấy mà khi về hưu, đã nhận lời làm CEO của FPT Software ở Nhật Bản, khi FPT Software Nhật Bản mới có 2 chục nhân viên với doanh thu chỉ 5 triệu USD.
Cũng vì sự đồng cảm ấy mà nhiều doanh nghiệp đã chờ “cậu bé” FPT Software lớn mạnh, chờ kỹ sư FPT Software biết coding, testing, biết design… Mitsubishi, Toshiba, Fujitsu… - những doanh nghiệp lớn Nhật Bản đều dần trở thành khách hàng của FPT.
Câu chuyện Việt Nam – Nhật Bản còn thêm khăng khít khi thảm họa sóng thần ập đến Nhật Bản vào năm 2011, và nhà máy điện hạt nhân có nguy cơ vỡ và phóng xạ rò ra ngoài.
Chỉ 3 ngày sau thảm họa, Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình đã có mặt tại Tokyo và yêu cầu toàn bộ 43 người của FPT Software không ai được rời khỏi Tokyo.
Thời điểm đó, các công ty của Trung Quốc, Ấn Độ đều đã về nước. Còn ông Trương Gia Bình vẫn tiếp tục cùng các nhân viên FPT Software trụ lại Nhật Bản.
“Khi làm việc với khách hàng, trong cảnh ngộ nguy cơ chết rất cao mà bạn không rời bỏ vị trí của mình, ở lại với khách hàng, thì khách hàng đó sẽ ở cả đời với bạn”, ông Tiến nói.