Các công ty Việt Nam đang có một "ván bài lớn" tại quốc gia hàng xóm của mình

24/09/2016 10:25 AM | Kinh doanh

Trung tâm thương mại Myanmar Plaza của tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai thu hút người mua từ khắp nơi ở xứ sở chùa vàng, nhất là tầng lớp trung lưu.

Các công ty Đông Nam Á đang tăng cường đầu tư sang các quốc gia trong khu vực. Nhận thấy cơ hội tại những thị trường người tiêu dùng ngày một mở rộng tại khu vực Đông Nam Á và hệ thống cơ sở hạ tầng dần phát triển, các công ty này đang gấp rút xây dựng những nhà máy mới và thực hiện các thương vụ thâu tóm.

Thậm chí các công ty ở Đông Nam Á đã vượt châu Âu để trở thành nhà đầu tư lớn nhất vào khu vực này tính về giá trị vào năm 2015.

Tòa tháp 5 tầng Myanmar Plaza được mở cửa vào tháng 12 năm ngoái tại Yangon là nơi tụ hội của những thương hiệu sừng sỏ trong nước và quốc tế bao gồm cả nhà sản xuất hàng thể thao Đức là Adidas. Trung tâm thương mại hiện đại đầu tiên của Myanmar này thu hút người mua từ khắp nơi ở xứ sở chùa vàng, nhất là tầng lớp trung lưu.

Điều đáng nói là Trung tâm này được xây dựng bởi tập đoàn bất động sản Hoàng Anh Gia Lai của Việt Nam. Bên cạnh đó là một tòa nhà văn phòng cũng đã được hoàn thành. Một khu chung cư gần đó cũng được dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2018. Tổng cộng, 440 triệu USD đã được đầu tư vào tổ hợp này.

Euromonitor – một công ty nghiên cứu có trụ sở tại Anh dự đoán rằng thị trường bán lẻ Đông Nam Á sẽ tăng trưởng thêm 20% trong giai đoạn giữa năm 2015 tới 2020 lên mức 588,3 tỷ USD. Mọi công ty đều đang muốn tham gia vào cuộc chơi.

Boon Rawd Brewery – nhà sản xuất đồ uống của Thái Lan nổi tiếng với sản phẩm bia Singha đang đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam. Cụ thể họ đã đầu tư tổng cộng 1,1 tỉ USD vào nhà sản xuất đồ uống và thực phẩm trực thuộc Masan Group. Tháng 5, công ty sữa lớn nhất Việt Nam là Vinamilk cũng đã bắt đầu sản xuất tại Campuchia.

Theo bản báo cáo công bố vào ngày 6/9 tại Hội thảo của liên hợp quốc về Thương mại và phát triển tại khu vực Đông Nam Á thì tổng lượng đầu tư trong năm 2015 vào khu vực này đạt 119,9 tỉ USD, giảm 8% so với năm trước đó nhưng vẫn là con số cao kỷ lục thứ 3 trong lịch sử. Các công ty Đông Nam Á chiếm gần 20% tổng mức đầu tư này, vượt châu Âu vươn lên vị trí dẫn đầu.

Các công ty ở Đông Nam Á cũng kích hoạt những khoản đầu tư về cơ sở hạ tầng. Lippo Group – một tập đoàn lớn có trụ sở tại Indonesia đã lên kế hoạch xây dựng 20 bệnh viên hiện đại tại Myanmar được trang bị những trang thiết bị nhập khẩu từ Mỹ trong vòng 10 năm tới.

Để làm được điều này, Lippo tạo ra một liên doanh với First Myanmar Investment – tập đoàn lớn nhất của nước này (Lippo đóng góp 40% trong tổng lượng vốn 420 triệu USD của liên doanh). Công ty này hy vọng có thể cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại Yangon – thành phố lớn nhất của đất nước và một số vùng nông thôn khác.

Đầu tư trực tiếp vào khu vực Đông Nam Á:

Ngân hàng phát triển châu Á nói rằng các quốc gia trong khu vực vẫn cần đầu tư khoảng 60 tỉ USD một năm trong vòng 1 thập kỷ tới để đáp ứng nhu cầu về cơ sở hạ tầng của họ.

Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel của Việt Nam cũng đã chi 800 triệu USD để nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng viễn thông của Myanmar. Điện thoại di động đang ngày một trở nên phổ biến tại quốc gia này.

Siam Cement Group của Thái Lan cũng bắt đầu đầu tư vào Indonesia và họ đang hy vọng có thể tấn công vào cả Myanmar và Lào. Ngày càng nhiều các quốc gia Đông Nam Á hy vọng tiếp tục rót tiền vào những quốc gia nghèo hơn trong khu vực bao gồm Campuchia, Lào và Myanamar.

Các công ty Đông Nam Á cũng xúc tiến việc thâu tóm đối thủ trong khu vực. Dù thực tế cách này giúp họ có thể tiếp cận trực tiếp với khách hàng và chuỗi cung ứng nhưng nó cũng gây ra những thách thức về mặt khả năng quản lý, điều hành.

Central Group – nhà bán lẻ Thái Lan đã mua chuỗi siêu thị BigC Việt Nam từ tay tập đoàn pháp là Casino, kiểm soát hơn 70 cửa hàng tiện lợi và siêu thị khác. Siam City Cement cũng sẽ mua lại hoạt động sản xuất tại Việt Nam của nhà sản xuất xi măng lớn nhất thế giới LafargeHolcim – nắm quyền kiểm soát 5 nhà máy tại Việt Nam của công ty này.

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á đã chính thức ra đời vào cuối năm ngoái. Theo Mustapa Mohamed – Bộ trưởng bộ thương mại và công nghiệp Malaysia thì đây mới chỉ là bước đầu để giải quyết những vấn đề khó khăn. Nhiều thử thách bao gồm xóa bỏ rào cản thuế và phát triển cấu trúc luật lệ chung vẫn còn tồn tại. Những thỏa thuận đạt được nhằm giải quyết những vấn đề hóc búa còn tồn tại trong Hiệp hội 10 thành viên AEC sẽ xác định xem những khoản đầu tư kể trên liệu có "đơm hoa kết trái" hay không.

Vân Đàm

Cùng chuyên mục
XEM