Lịch sử LG: Từ thông gia thân thiết đến đối thủ sống còn với Samsung

27/10/2020 15:00 PM | Kinh doanh

Có một sự thật đáng ngạc nhiên là cha đẻ của ngành công nghiệp điện tử Hàn Quốc lại đến từ một công ty mỹ phẩm, vốn có quan hệ thông gia với nhà sáng lập Samsung.

Trong những ngày nay, cái tên Samsung thường được nhắc tới sau sự ra đi của Cố chủ tịch Lee Kun Hee. Tuy nhiên nhắc tới Samsung thì cần phải nói đến cả LG, hãng mỹ phẩm chuyển mình thành công sang ngành điện tử.

Nhà sáng lập LG là ông Koo In Hwoi, sinh ra trong một gia đình Nho giáo tại tỉnh Gyeongsang vào ngày 27/8/1907. Bản thân ông Koo được hưởng một nền giáo dục tốt và từng là bạn học của nhà sáng lập Samsung Lee Byung Chul. Thậm chí sau này 2 gia đình còn trở thành thông gia của nhau.

Trên thực tế, LG mới là tập đoàn tiên phong trong lĩnh vực điện tử của Hàn Quốc thời kỳ hậu Thế chiến II với sản phẩm radio gia đình nội địa đầu tiên. Thế nhưng sự chen chân của Samsung đã khiến tình bạn giữa 2 nhà sáng lập đổ vỡ, tạo nên một giai đoạn cạnh tranh sống còn giữa 2 Chaebol (tập đoàn gia đình trị) lớn nhất Hàn Quốc.

Lịch sử LG: Từ thông gia thân thiết đến đối thủ sống còn với Samsung - Ảnh 1.

Ông Koo In Hwoi

Cha đẻ của ngành công nghiệp điện tử Hàn Quốc

Quay trở lại câu chuyện của nhà sáng lập Koo In Hwoi, trong thời gian học trường Trung học Chung Ang ở Seoul, ông đã choáng ngợp trước một môi trường sống mới trên thủ đô. Chính khoảng thời gian này đã giúp ông Koo nhìn thấy được những cơ hội mới cũng như ấp ủ các ý tưởng kinh doanh cho riêng mình sau này.

Học xong trung học, Koo In Hwoi về quê quản lý một hợp tác xã thương mại, sau đó làm chủ bút báo Dong A Ilbo chi nhánh Jisu trước khi khởi nghiệp kinh doanh trong ngành vải năm 1936. Ông nhanh chóng nhận thất bại đau đớn đầu tiên khi cả kho vải mà ông dùng toàn bộ số tiền và đất đai của gia đình mua về bị ngập chìm trong nước lũ.

Trong tình thế hiểm nghèo, Koo In Hwoi không suy sụp mà vẫn suy nghĩ cẩn trọng để tìm ra con đường mới. Ông tiếp tục vay tiền để kinh doanh vải, và những tính toán đúng đắn đã đem về lợi nhuận rất lớn sau thời gian ngắn.

Năm 1947, Koo In Hwoi bước vào ngành hóa học khi mở một nhà máy mỹ phẩm có tên gọi Lucky, chuyên sản xuất loại kem bôi mặt mang tên "Lucky". Thành công ban đầu của mỹ phẩm Lucky đã đưa ông đến với ngành công nghiệp nhựa. Công ty của ông đã đưa ra thị trường nhiều sản phẩm gia dụng bằng nhựa và một nhãn hàng kem đánh răng mới, đánh bật các sản phẩm nước ngoài bằng chất lượng tương đương và giá rẻ hơn nhiều.

Năm 1958, ông Koo chính thức bước vào cuộc chơi hàng điện tử tiêu dùng với việc sáng lập Công ty TNHH GoldStar, tiền thân của LG Electronics ngày nay. Chỉ một năm sau, Goldstar trở nên nổi tiếng với sản phẩm A-501, chiếc radio gia dụng "Made in Korea" đầu tiên.

Sau thành công đầu tiên GoldStar cho ra đời hàng loạt sản phẩm điện tử nội địa "đầu tiên" khác như điện thoại, quạt, tủ lạnh, tivi, máy lạnh, máy giặt…

Năm 1962, Koo In Hwoi thành lập một công ty sản xuất dây cáp điện và viễn thông. Công ty nhanh chóng đóng một vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng Hàn Quốc. Ông cũng có những đóng góp đáng kể trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông tại đất nước mình bằng cách thành lập một công ty viễn thông với các nhà máy sản xuất tổng đài và điện thoại công cộng.

Lịch sử LG: Từ thông gia thân thiết đến đối thủ sống còn với Samsung - Ảnh 2.

Nhà sáng lập Koo In-Hwoi (giữa) dùng thử chiếc điện thoại bàn đầu tiên của Hàn Quốc do LG sản xuất năm 1961.

Trong suốt sự nghiệp của mình, nhà sáng lập Koo luôn chứng tỏ tầm nhìn của một doanh nhân thành đạt khi khai phá các ngành công nghiệp điện tử, hóa chất và năng lượng trong những năm đầu cải cách tại Hàn Quốc. Hàng loạt các sản phẩm do công ty của ông sản xuất như chất dẻo, kem đánh răng, radio, điện thoại, tủ lạnh và tivi… đều trở thành những sản phẩm "Made in Korea" đầu tiên.

Koo In Hwoi qua đời vào ngày cuối cùng của năm 1969. Tập đoàn của ông chính thức đổi tên gọi vào năm 1995 với LG, chữ ghép của Lucky và Goldstar và dưới sự lãnh đạo của tầng lớp kế cận, doanh nghiệp đã trở thành một tập đoàn tầm cỡ quốc tế kinh doanh trong nhiều lĩnh vực.

Với những công lao to lớn, bản thân Koo In Hwoi cũng được tôn vinh là cha đẻ của ngành công nghiệp điện tử Hàn Quốc.

Đại chiến Chaebol

Cả nhà sáng lập Lee Byung Chul của Samsung và Koo In Hwoi của LG đều cùng quê tại tỉnh Gyeongsang nên có mối quan hệ khá thân thiết. Khi còn bé học cùng trường tiểu học còn lớn lên lại có quan hệ thông gia. Con gái thứ 2 của ông Lee kết hôn cùng con trai thứ 3 của ông Koo. Thậm chí người con rể này còn làm trong Samsung.

Sự thân mật giữa 2 gia tộc thể hiện rõ khi cả hai cùng nhau thành lập nên đài truyền hình Tongyang Broadcasting.

Dẫu vậy, mọi chuyện bắt đầu xấu đi từ năm 1969 khi Hàn Quốc công bố kế hoạch 8 năm hỗ trợ cho ngành điện tử nước nhà. Tổng thống Hàn Quốc khi đó là Park Chung Hee khá quan tâm đến lĩnh vực này và đã từng cấm nhập khẩu radio nước ngoài để bảo vệ cho hãng tiên phong khi đó là LG.

Lịch sử LG: Từ thông gia thân thiết đến đối thủ sống còn với Samsung - Ảnh 3.

Các thế hệ lãnh đạo của Samsung: Lee Byung Chul, Lee Kun Hee, Lee Jae Young

Thật không may, Samsung lại có ý định nhảy vào lĩnh vực vốn là lãnh địa của LG. Khi đó ngành kinh doanh chính của Samsung vẫn là tinh luyện đường chứ chưa nổi tiếng về điện tử như ngày nay. Trong cuốn hồi ký mà người con của Lee Byung Chul viết có kể lại việc ông Lee đến bàn chuyện tham gia ngành điện tử với ông Koo nhưng xảy ra tranh cãi. Kể từ đó 2 vị thông gia không bao giờ thân thiện với nhau nữa.

Chính người con Koo Cha Kyung cũng kể lại rằng cha mình, ông Koo In Hwoi đã vô cùng buồn bã khi nhà thông gia "xâm phạm" lãnh địa điện tử của LG bởi bản thân ông chưa từng mở nhà máy đường nào để cạnh tranh với Samsung nhằm tôn trọng lẫn nhau.

Câu chuyện căng thẳng đến mức người con trai thứ 3 đã thôi việc tại Samsung để về làm cho LG còn ông Koo thì từ bỏ hết cổ phần trong đài truyền hình Tongyang.

Samsung đặt chân vào thị trường điện tử nội địa một cách mạnh mẽ bằng các sản phẩm tivi (TV) trắng đen bắt đầu từ tháng 12/1969. Sang năm 1970, Samsung bắt tay với NEC và Sanyo để sản xuất linh kiện dùng trong TV rồi dần dần đa dạng hóa các sản phẩm của mình.

Đến năm 1976 hãng đã vượt mặt Taihan, vốn là công ty điện tử lớn thứ hai chỉ sau LG. Bước sang thập niên 80, nhu cầu với đồ điện gia dụng tăng cao kỉ lục và đây là lúc mà hai công ty bắt đầu đối đầu nhau một các trực tiếp trong lĩnh vực thiết bị tiêu dùng như TV, máy tính.

Lịch sử LG: Từ thông gia thân thiết đến đối thủ sống còn với Samsung - Ảnh 4.

Suốt những năm tháng sau đó, 2 tập đoàn lớn luôn cạnh tranh, kiện cáo và so bì nhau trên hầu khắp các mặt trận. Từ tivi, chip bán dẫn, điện thoại cho đến nhiều mảng công nghệ khác. Điều đáng ngạc nhiên là nhà sáng lập Koo đã mất vào năm 1969, thời điểm mà cuộc cạnh tranh LG-Samsung bắt đầu nhưng dường như cuộc chiến này chưa hề có dấu hiệu chấm dứt.

Cho đến tận ngày nay, hệ sinh thái văn hóa của LG và Samsung vẫn vô cùng tách biệt. Họ có những khu nhà hàng, quán bar, khách sạn hay địa điểm tụ tập riêng mà nhân viên của 2 bên sẽ không bao giờ đến nhầm. Cuộc cạnh tranh này dù không còn công khai nhưng vẫn có sự phân chia lãnh địa rõ ràng giữa 2 đối thủ truyền kiếp.

AB

Cùng chuyên mục
XEM