Lát gỗ lim làm đường ven sông Hương:Lãnh đạo Huế trấn an

15/04/2016 11:31 AM | Kinh tế vĩ mô

Liên quan thông tin lát gỗ làm đường ven sông Hương, ông Nguyễn Dung - Phó CT UBND tỉnh TT-Huế cho rằng đây mới là chủ trương và đang xin ý kiến người dân

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết dự án chưa được phê duyệt và đang lấy ý kiến rộng rãi từ người dân để làm cơ sở quyết định. Lát gỗ lim làm đường đi bộ: Thương mại hóa sông Hương? Lát gỗ lim làm đường ven sông Hương: Ý tưởng trên mây

Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết sẽ tổ chức trưng bày dự án thí điểm “Xây dựng mạng lưới kết nối hệ thống tuyến đường đi bộ phía bờ nam sông Hương” tại phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu (TP Huế) để người dân cho ý kiến.

Theo dự án này thành phố sẽ xây dựng con đường đi bộ lát bằng gỗ lim cũng như các tổ hợp như bến thuyền, vườn sen, quảng trường tổ chức sự kiện, ki ốt... nhằm tạo cảnh quan ven bờ sông Hương.

Trao đổi với Đất Việt xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Dung – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định dự án chưa được phê duyệt mà đang lấy ý kiến rộng rãi từ toàn dân.

“Dự án này chưa được phê duyệt. Mấy hôm nay nhiều người cũng hỏi về việc này. Dự án hiện đang được trưng bày tại đường Nguyễn Đình Chiểu. UBND tỉnh và Sở xây dựng sẽ tiếp nhận mọi ý kiến đóng góp.

Đây là dự án của quốc gia. Việc lấy ý kiến toàn dân quốc gia, bất cứ ý kiến tốt, xấu, đồng ý hay không đồng ý, người dân đều có thể đóng góp cho Sở Xây dựng”, ông Dung khẳng định.

Về những lo ngại của người dân về việc dùng gỗ lim để lát đường đi bộ, công trình mới xây dựng lên sẽ phá vỡ cảnh quan sông Hương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế một lần nữa khẳng định, sẽ tiếp nhận mọi ý kiến đóng góp để làm cơ sở báo cáo.

“Thành phố và Sở xXy dựng chịu trách nhiệm chính trong việc này, họ sẽ tập hợp các ý kiên của toàn dân rồi báo lại, sau đó mới có những tính toán tiếp theo”, ông Dung nhấn mạnh.

Trước đó, chia sẻ ý kiến về vấn đề này, ông Nguyễn Cửu Loan - Chánh văn phòng Hội Quy hoạch Phát triển đô thị ĐN cho rằng việc xây dựng đường đi bộ lát gỗ lim, bến thuyền, kiot... sẽ phá vỡ cảnh quan sông Hương thơ mộng.

“Bây giờ tài nguyên gỗ không có nhiều, các cơ quan ban ngành đang kêu gọi tiết kiệm. Tôi nghĩ Huế nên làm điều gì khác hay hơn là lát gỗ.

Nó rất lãng phí tài nguyên. Bây giờ lấy gỗ lim ở đâu ra để thực hiện chủ trương đó. Việc lát gỗ lim ở Huế cũng giống như việc lát gạch ở phố Nguyễn Huệ - TP.HCM nhìn tổng thể nó rất vô bổ, vô nghĩa.

Dòng sông Hương vốn đã đẹp, thơ mộng rồi, Huế lại là di sản được UNESCO công nhận rồi nên tôi cho rằng vấn đề quan trọng ở đây là văn hóa ứng xử của con người địa phương thôi.

Thứ hai là Huế dự tính đem du thuyền, khu quảng trường vào phục vụ, như vậy sẽ phá đi cái mác rêu phong cổ kính thì cũng uổng lắm. Đưa du thuyền vào khu vực đó là hiện đại rồi. Những công trình này sẽ phá vỡ cảnh quan của sông Hương”, ông Loan nêu quan điểm.

Cùng đánh giá về dự án này, TS.KTS. Trần Đình Hiếu, Trưởng khoa Kiến trúc – Đại học khoa học Huế cho rằng cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng để hài hòa giữa việc bảo tồn và phát triển khu vực quanh sông Hương.

“Tôi nghĩ việc tạo ra không gian mới 2 bên bờ sông Hương ở phía bờ Nam là cần thiết. Vì theo chiều hướng phát triển thì chúng ta không thể giữ mãi như vậy được. Chúng ta phải tính đến vừa làm chức năng mới, tái tạo không gian mới vừa phải đảm bảo không làm ảnh hưởng, không làm biến đổi hình thái, hình dáng của 2 bờ sông Hương.

Chúng ta nên xem xét để tạo ra những vật liệu khác thay thế, còn gỗ tôi nghĩ phần trên cao, lan can hay tay vịn thì cần thiết thôi. Còn bên dưới tôi cho rằng phải đảm bảo độ an toàn cho người sử dụng, người đi là quan trọng”, KTS Hiếu đánh giá.

Theo Hà Đông

Cùng chuyên mục
XEM