Lãnh đạo Tổng cục QLTT: 80%-90% hàng giả được mua bán online

01/07/2023 14:26 PM | Kinh doanh

Hàng giả được mua - bán trên mạng là mặt trận vô cùng khó khăn, bởi xử lý ngoài thực tế đã khó, phát hiện và xử lý vi phạm trên không gian mạng còn khó hơn rất nhiều.

Với lợi nhuận lớn, thay vì bỏ tiền đầu tư phát triển thương hiệu, xây dựng sản phẩm chất lượng uy tín, các đối tượng sản xuất, làm nhái các sản phẩm, thương hiệu có sẵn trên thị trường tạo thành vấn nạn. Một bộ phận người tiêu dùng còn dễ "bằng lòng" với hàng hoá đã vô tình tiếp tay cho các đối tượng có cơ hội sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ gây thiệt hại lớn cho các DN cũng như ngay chính người tiêu dùng.

Tại tọa đàm “Bảo vệ thương hiệu trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ”, do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 30/6, các DN, nhà quản lý cùng lên án thực trạng hành vi sản xuất, lưu thông và tiêu thụ hàng giả, hàng nhái, coi đây là thực trạng nhức nhối cần được cơ quan quản lý, cộng đồng xã hội chung tay loại bỏ.

Lãnh đạo Tổng cục QLTT: 80%-90% hàng giả được mua bán online - Ảnh 1.

Bà Bùi Thị Thu Hiền, Đại diện Bộ phận pháp lý Công ty URC Việt Nam.

Là 1 DN sản xuất trực tiếp những sản phẩm gắn với sức khỏe của người tiêu dùng nhưng lại có nhiều nguy cơ bị làm giả, làm nhái nên những năm qua Công ty TNHH URC Việt Nam thường xuyên phải hướng dẫn nhận diện thương hiệu cho các đại lý, nhà phân phối và người tiêu dùng. Đồng thời tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng để phòng ngừa, ngăn chặn và đề xuất xử lý các hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ.

Bà Bùi Thị Thu Hiền, Đại diện Bộ phận pháp lý của URC Việt Nam cho biết, việc phòng, chống hàng nhái, hàng giả và bảo vệ thương hiệu tại URC đã được thực hiện bằng nhiều hoạt động cụ thể, như hướng dẫn nhận diện thương hiệu; giải đáp các câu hỏi liên quan tới logo, nhãn hiệu của các sản phẩm. Đồng thời, URC phối hợp với các cơ quan chức năng phát hiện phòng ngừa, ngăn chặn và đề xuất xử lý các hành vi vi phạm.

“DN khuyến khích người tiêu dùng kiểm tra sản phẩm, đối chiếu các thông tin để đảm bảo lựa chọn đúng các sản phẩm chính hãng thông qua các đặc điểm nhận dạng. URC Việt Nam cũng thực hiện những chiến lược truyền thông để người tiêu dùng có thể nhận biết, lựa chọn đúng các sản phẩm chính hãng của DN”, bà Hiền cho biết.

Lãnh đạo Tổng cục QLTT: 80%-90% hàng giả được mua bán online - Ảnh 2.

Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam.

Chỉ ra bất cập trong phòng chống hàng giả hiện nay, Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam cho biết, để phòng ngừa và xử lý vấn nạn hàng giả, Việt Nam đã có cả một hệ thống luật nhưng trên thực tế lại thiếu cơ chế thực thi. Nếu DN và người dân chỉ trông cậy vào cơ quan nhà nước sẽ rất khó giải quyết được tận gốc vấn đề.

“Quan trọng nhất vẫn là thức tỉnh và nâng cao nhận thức của DN và người tiêu dùng. Nên bắt đầu từ việc DN muốn bảo vệ thương hiệu cần phải chủ động, không ỷ lại chờ đợi vào cơ quan chức năng. Đối với người tiêu dùng, muốn bảo vệ mình cần trông cậy vào các Hiệp hội đại diện cho quyền lợi người tiêu dùng, hoặc các luật sư để tạo thành cơ chế hợp tác đa bên, như vậy mới là hướng đi, là cách thức phòng ngừa và xử lý hàng giả, hàng nhái”, Luật sư Nguyễn Tiến Lập nêu quan điểm.

Thừa nhận hậu quả nghiêm trọng của vấn nạn hàng giả, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, hàng giả, nhái thương hiệu đang làm xói mòn sức sản xuất của DN. DN phải cạnh tranh ngay với chính sản phẩm nhái thương hiệu của mình nhưng lại có giá rẻ hơn nhiều lần. Nguy hiểm hơn, hàng giả còn làm ảnh hưởng, mất lòng tin và uy tín của đối tác, nhất là các DN FDI khi hàng giả quá nhiều trong nội địa, khiến các nhà đầu tư cảm thấy không yên tâm với môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam.

“Hàng giả bày ở ngoài đường, ngoài phố, ngoài cửa hàng phát hiện rất dễ, nhưng hàng giả bán trên Internet đang là một mặt trận mới, nóng bỏng vì có đến 80%-90% hàng giả được mua - bán trên mạng. Đây là một mặt trận vô cùng khó khăn, bởi xử lý ở ngoài thực tế đã khó, phát hiện và xử lý vi phạm trên không gian mạng còn khó hơn rất nhiều”, ông Linh nêu thực tế.

Lãnh đạo Tổng cục QLTT: 80%-90% hàng giả được mua bán online - Ảnh 3.

Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương).

Do vậy theo ông Linh, để xử lý được vấn nạn điều trước tiên cần thay đổi thói quen tiêu dùng. Người dân không mua hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở trí tuệ vì giá rẻ, vì tâm lý sính hàng ngoại, sính hàng thương hiệu vì còn làm như vậy là còn thỏa hiệp với hàng giả. Đối với DN cần chủ động phối hợp với cơ quan chức năng, vượt qua tâm lý e ngại, tránh né khi biết trên thị trường có sản phẩm của mình bị làm giả.

Đối với lực lượng QLTT, thời gian tới tiếp tục triển khai kế hoạch trọng điểm về về chống hàng giả tại các địa bàn trọng điểm. Trong đó trọng tâm là tập trung kiểm tra, xử lý hàng giả trên mạng, trên môi trường thương mại điện tử bằng các hoạt động đồng bộ. Cùng với các biện pháp của các cơ quan chức năng, hơn ai hết các chủ thể là DN cần phải có những hành động kịp thời cảnh báo cho người tiêu dùng, đồng thời cũng có những biện pháp bảo vệ thương hiệu, ngăn chặn và xử lý hành vi làm hàng giả, hàng nhái để bảo vệ người tiêu dùng, cũng như bảo vệ thương hiệu bền vững.

Trong năm 2022, các đội QLTT trên khắp cả nước đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng liên quan kiểm tra, kiểm soát hàng hóa, ngăn chặn tình trạng buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ tổng cộng 72.641 vụ, phát hiện, xử lý trên 43.964 vụ vi phạm hàng giả, hàng nhái.

Trong 4 tháng đầu năm 2023, lực lượng QLTT đã phát hiện 4.712 hành vi vi phạm liên quan đến hàng giả, hàng vi phạm về sở hữu trí tuệ và hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Xử phạt vi phạm hành chính trên 43,3 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm trên 45,5 tỷ đồng.

Theo Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

Từ khóa:  hàng giả , online
Cùng chuyên mục
XEM