Lãnh đạo nơi giá đất sôi sục từng giờ ở Hà Nội lên tiếng về 'cơn sốt'

03/04/2021 21:49 PM | Kinh doanh

Chủ tịch UBND huyện Đông Anh (Hà Nội) cho rằng, giá đất trên địa bàn thời gian qua tăng “nóng” một phần do khung giá đất điều chỉnh tăng, thông tin về đồ án quy hoạch sông Hồng..., bên cạnh đó là do có nhiều nhà đầu tư lớn quan tâm đến sự phát triển của Đông Anh.

Giá đất Đông Anh "nhảy múa" hàng ngày

Thời gian qua thị trường bất động sản khu vực Đông Anh trải qua nhiều cơn “sốt đất”. Mới đây nhất, sau khi Thường vụ Thành ủy Hà Nội cho ý kiến về chủ trương hoàn thiện đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5.000 và thống nhất trình các bộ, ngành liên quan, để tiến tới phê duyệt, ban hành quy hoạch này vào tháng 6 tới làm cho thị trường đất vùng ven Hà Nội trong đó có khu vực Đông Anh trở nên sôi sục.

Theo khảo sát của PV, chỉ trong đầu tháng 3 trở lại đây giá đất ở Đông Anh tăng chóng mặt, thậm chí tăng từng giờ, từng ngày khi nhiều nơi giá đất tăng từ 15-20%, có những nơi tăng đến 50%.

Lãnh đạo nơi giá đất sôi sục từng giờ ở Hà Nội lên tiếng về cơn sốt  - Ảnh 1.

Dự án khu nhà ở Uy Nỗ, với tên thương mại Calyx Residence của chủ đầu tư Tổng công ty 319, chuyển đổi là Trường Trung cấp kỹ thuật PK– KQ đường Cổ Loa, Uy Lỗ với tổng diện tích dự án 9,86 ha. Hiện đang hoàn thiện khu nhà mẫu và hạ tầng nhưng đã được các sàn chào bán, nhận đặt chỗ giá từ 50-110 triệu m2 tiền đất chưa tính tiền xây dựng nhà.

Như các khu vực xã Hải Bối, Tiên Dương, Tàm Xá, Nguyên Khê… ghi nhận sự tăng giá cao từ mức 20-30 triệu đồng/m2 ở thời điểm tháng 1/2021 lên mức 30-50 triệu đồng/m2. Thậm chí nhiều lô đất mặt đường đẹp có giá 60-80 triệu đồng/m2.

Hay tại xã Xuân Canh, giá lô đất trong ngõ hẻm nửa tháng trước chỉ giao động 17-18 triệu đồng/m2 nay đã tăng lên 30 triệu đồng/m2.

Không chỉ giá đất thổ cư mà giá đất tại các dự án nhà ở, các khu đấu giá đất cũng liên tục "nhảy múa". Theo ghi nhận, tại dự án khu nhà ở Uy Nỗ, với tên thương mại Calyx Residence 319 Đông Anh của chủ đầu tư Tổng công ty 319. Dự án trên khu đất chuyển đổi là Trường Trung cấp kỹ thuật PK– KQ đường Cổ Loa, Uy Lỗ với tổng diện tích dự án 9,86 ha.

Dù thời điểm này chưa chính thức mở bán nhưng trên thị trường lâu nay sôi sục với việc các sàn môi giới nhận đặt chỗ các sản phẩm nhà liền kề – shophouse với giá dự kiến cao.

“Đối với nhà liền kề – shophouse riêng tiền đất đã trên 100 triệu/m2, rẻ nhất ở đây tiền đất cũng đã trên 50 triệu/m2, ngoài ra cộng thêm tiền xây dựng. Hiện nhiều khách đã đặt chỗ, khi đủ điều kiện bán hàng sẽ đến ký hợp đồng mua bán”, nhân viên môi giới nhà đất của Công ty Đất Xanh miền Bắc cho hay.

Lãnh đạo nơi giá đất sôi sục từng giờ ở Hà Nội lên tiếng về cơn sốt  - Ảnh 2.

Dự án xây dựng HTKT khu đấu giá quyền sử dụng đất phía Đông Nam thôn Cổ Dương – xã Tiên Dương, dù mới được UBND TP Hà Nội phê duyệt kết quả trúng đấu quá với mức chỉ hơn 20 triệu đồng m2 cho nhà đầu tư là Công ty Cổ phần phát triển nhà ở Bắc Từ Liêm với diện tích 16.182,19m2 để xây dựng nhà ở liền kề, biệt thự, nhà cao tầng nhưng hiện được chào bán trên 100 triệu đồng m2 cả tiền xây dựng.

Cơn sốt sôi sục và việc thổi giá còn xảy ra đối với các dự án khu đất đấu giá cá nhân và đấu giá đất tổ chức trên địa bàn huyện Đông Anh theo kiểu “trúng giá rẻ bèo, nhưng được bán giá cao ngất”.

Tại dự án đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện dự án đầu tư các ô đất thuộc dự án xây dựng HTKT khu đấu giá quyền sử dụng đất phía Đông Nam thôn Cổ Dương – xã Tiên Dương, dù mới được UBND TP Hà Nội phê duyệt kết quả trúng đấu giá với mức chỉ hơn 20 triệu đồng/m2 cho nhà đầu tư là Công ty Cổ phần phát triển nhà ở Bắc Từ Liêm với diện tích hơn 16.182 m2 để xây dựng nhà ở liền kề, biệt thự, nhà cao tầng.

Hiện khu đất đấu giá này được chủ đầu tư đổi tên thành dự án Helianthus Center Red River do công ty Vimefulland phát triển dự án và được chào bán với giá cao.

“Nếu tính cả tiền xây dựng nhà thì trên 100 triệu đồng/m2 với căn liền kề nhỏ nhất khoảng 12 tỷ đồng, bởi riêng tiền đất đã bán từ 70 triệu/m2 rồi”, một nhân viên môi giới giới thiệu là nhân viên kinh doanh của chủ đầu tư cho biết.

Lãnh đạo huyện Đông Anh nói gì?

Trao đổi với PV, liên quan đến giá đất tăng “nóng” trên địa bàn thời gian gần đây, ông Nguyễn Xuân Linh - Chủ tịch UBND huyện Đông Anh cho rằng, việc giá đất tăng một phần là do việc điều chỉnh khung giá đất tăng. Đồng thời, do sự nhìn nhận của người dân và các nhà đầu tư về sự phát triển của Đông Anh- khu vực đang có giá trị phát triển đô thị cao đối với TP Hà Nội.

“Do đó, chúng tôi khuyến nghị, khuyến cáo đến các nhà đầu tư khi quan tâm thị trường bất động sản Đông Anh nên tìm hiểu kỹ các thông tin về quy hoạch, pháp lý… Chúng tôi có rất nhiều kênh để các nhà đầu tư lớn cũng như nhà đầu tư nhỏ, các cá nhân, gia đình tìm đến các thông tin chính thống của huyện”, vị này khuyến cáo.

Lãnh đạo nơi giá đất sôi sục từng giờ ở Hà Nội lên tiếng về cơn sốt  - Ảnh 3.

Chủ tịch UBND huyện Đông Anh ông Nguyễn Xuân Linh: "Chúng tôi khuyến nghị, khuyến cáo đến các nhà đầu tư khi quan tâm thị trường bất động sản Đông Anh nên tìm hiểu kỹ các thông tin về quy hoạch, pháp lý… ”.

Trước lo ngại khi Đông Anh đang là một trong những điểm nóng về thị trường bất động sản, nhiều đối tượng “cò” đất lợi dụng thông tin quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng cũng như quy hoạch dự án, hạ tầng... để “thổi giá” tạo sốt đất ảo sẽ để lại nhiều hệ lụy, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh cho rằng, tất cả các phát triển nóng dù lĩnh vực nào không chỉ riêng bất động sản đều có mặt tồn tại và mặt trái.

“Chúng tôi thấy rằng, sự quản lý trên cơ sở thông tin cho người dân đầy đủ về quy hoạch, kế hoạch và những dự án lớn để người dân nắm bắt được. Thấy đấy là sự phát triển, thông tin rộng rãi cho cộng đồng dân cư biết để thấy được kế hoạch lớn của Đông Anh trong 5 năm tới và sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương, TP đối với sự phát triển chung của Thủ Đô và Đông Anh nói riêng. Để mọi người thấy được tất cả nhiệm vụ lớn đó cũng cho mình một cái nhìn nhận, đánh giá, có sự quan tâm đến sự phát triển của Đông Anh cũng như vấn đề bất động sản của Đông Anh”, ông Linh nói.

Cũng theo lãnh đạo UBND huyện Đông Anh, huyện yêu cầu các cá nhân, tổ chức có nội dung kinh doanh, buôn bán hoặc cung cấp dịch vụ, sản phẩm liên quan đến bất động sản phải đúng quy định của pháp luật.

“Cái nào chưa đảm bảo về mặt pháp lý chúng tôi cũng không thể chấp thuận, hoặc sẽ hướng dẫn cho người dân biết. Bởi khi quan tâm phải biết đầy đủ thông tin, thực hiện các giao dịch phải đầy đủ giấy tờ, thủ tục. Không riêng chính quyền huyện mà các đơn vị văn phòng đăng ký đất đai, các xã, thị trấn luôn sẵn sàng phục vụ người dân. Chúng tôi mong muốn người dân sâu sát và đặc biệt có đủ thông tin khi quan tâm đến thị trường bất động sản Đông Anh”, vị này nói.

Lãnh đạo nơi giá đất sôi sục từng giờ ở Hà Nội lên tiếng về cơn sốt  - Ảnh 4.

Hình ảnh môi giới đổ xô về Đông Anh làm thị trường.


Theo đánh giá của các chuyên gia thị trường bất động sản, kể từ khi dự án cầu Nhật Tân được công bố, giá đất tại nhiều khu vực dọc theo tuyến đường Võ Nguyên Giáp đã "dựng đứng", cao gấp 3-4 lần so với trước. Đến giữa năm 2018 khi Hà Nội công bố quy hoạch siêu dự án ven cầu Nhật Tân, đất Đông Anh lại một lần nữa "dậy sóng".

Hay mới đây thông tin về việc Đông Anh sẽ lên quận vào năm 2020 cũng khiến giá đất tăng nóng. Tuy nhiên, sau đó giá đất tại khu vực này lại giảm sâu khi thông tin Đông Anh lên quận vào năm 2020 bị bác bỏ khiến nhiều nhà đầu tư vỡ mộng, "chôn tiền" tỷ tại đây.

Được biết, liên quan Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, Thành uỷ Hà Nội mới đấy yêu cầu UBND các quận, huyện làm tốt công tác tuyên truyền, bảo đảm công khai, minh bạch, tạo sự đồng thuận của người dân; đồng thời, tăng cường công tác quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, quản lý đô thị, trật tự xây dựng, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lợi dụng quy hoạch để có các hành vi vi phạm để trục lợi chính sách về đất đai, đầu cơ đất đai, xây dựng các công trình trái phép, gây mất ổn định an ninh trật tự trên địa bàn.

Lâm Vỹ

Cùng chuyên mục
XEM