Lãnh đạo ngân hàng cần làm gì khi nhân viên chán việc?

02/05/2016 10:56 AM | Kinh doanh

Trước làn sóng nhiều nhân viên ngân hàng kêu chán việc, nhảy việc, lãnh đạo ngân hàng nên làm gì? Sa thải và treo tin tuyển mới có phải là kế sách hay?

Anh Kiều Việt Hùng, một chuyên viên có kinh nghiệm lâu năm trong nghề chia sẻ: “Về môi trường làm việc, người ta nói rằng, ngân hàng như một nhà máy sản xuất vậy, đầu vào của bộ phận này là đầu ra của bộ phận khác, luồng công việc chạy liên tục trong một ngày. Bất kể bộ phận nào từ những người làm bán hàng trực tiếp (FO), kiểm soát rủi ro (MO), vận hành (BO) đều chịu những chỉ tiêu đánh giá (KPI) trong công việc.

Bộ phận FO thì chịu nhiều chỉ tiêu về doanh số, lợi nhuận, lúc nào cũng tháng sau cao hơn tháng trước, năm sau cao hơn năm trước. Bộ phận MO và BO thì chịu trách nhiệm xử lý vận hành, đảm bảo nhanh và chính xác từng giao dịch”.

Công việc áp lực, thời gian dành cho gia đình ít ỏi, tính chất công việc đầy rủi ro trong khi đó, hàng tháng, hàng quý, quota hay KPI luôn trở thành một gánh nặng về mặt tâm lý khiến nhiều nhân viên ngân hàng nản lòng muốn nghỉ việc.

Trong đó cũng không ít trường hợp, lãnh đạo ngân hàng cứ khi nào có nhân viên không còn nhiệt tình và muốn nghỉ việc họ sẵn sàng thay thế bằng nhân viên khác.

Tuy nhiên đây rõ ràng không phải là một chính sách quản trị nhân sự tối ưu, bởi chi phí đào tạo, tuyển dụng và xây dựng chiến lược là không nhỏ.

Theo NCS. Nguyễn Phúc Quý Thạnh, Giảng viên Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, để gia tăng lòng trung thành của nhân viên, trước hết ban giám đốc ngân hàng cần phải thường xuyên lắng nghe để hiểu rõ tâm tư nguyện vọng của nhân viên cũng như trao đổi thẳng thắn với nhân viên về kế hoạch và mục tiêu của công ty.

Qua đó, khi nhân viên đã biết định hướng và hiểu rõ vai trò của họ đối với tổ chức, họ sẽ cảm thấy mình được trân trọng, được đánh giá đúng những gì đã cống hiến và sẽ nổ lực nghiên cứu, sáng tạo đưa ra giải pháp tối ưu nhất để giải quyết những vấn đề của khách hàng từ đó giành đuợc sự tín nhiệm và lòng tin.

Bên cạnh đó, cần khuyến khích nhân viên đề xuất ý tưởng, làm việc hiệu quả bằng cách khen, thưởng, tạo cho nhân viên môi trường làm việc chất lượng.

Ngoài ra, cần vận dụng tốt phương châm “công bằng và minh bạch là vũ khí tối thượng của nhà quản trị” để giúp nhân viên có niềm tin với nghề nghiệp của mình. Đồng thời, tạo điều kiện cho nhân viên thử sức với những công việc mang tính thử thách, đòi hỏi chuyên môn cao nhằm kích thích sự hăng say, nhiệt tình của nhân viên.

Còn theo nhận định của giới quan sát, lãnh đạo ngân hàng nên nhấn mạnh và truyền tải thông điệp đến nhân viên của mình.

Lương thưởng ngân hàng hiện nay không còn cao như ở thời điểm hoàng kim nhưng so với ngành nghề khác đây vẫn là top ngành nghề lương cao, thưởng nhiều. Nhân viên ngân hàng vẫn nên cảm thấy an ủi vì luôn có việc để làm và không bao giờ bị chậm lương.

Theo Mai Ngọc

Cùng chuyên mục
XEM