Lãnh đạo các công ty công nghệ hàng đầu VN chia sẻ về chuyển đổi số: Cả làng Vũ Đại đã giàu lên nhờ nghề kho cá và internet, vì thế DN đừng quá lo lắng, hãy quan sát cái nhỏ nhặt nhất rồi thay đổi
Đã có không ít cuộc tranh luận thú vị diễn ra giữa những chuyên gia này, ví dụ như có hay không tồn tại doanh nghiệp không cần chuyển đổi số, rất nhiều dự án chuyển đổi số thất bại là do không tìm được hệ thống phù hợp hay do con người lãnh đạo không đúng, chuyển đổi số nên bắt đầu từ đâu….
"Chuyển đổi số hay là chết" là một phiên thảo luận thú vị nhất bậc nhất trong Hội thảo Shark Tank năm 2019 vừa diễn ra, vì nó quy tụ được những nhân vật có 'máu mặt' nhất trong làng công nghệ Việt Nam; bao gồm Shark Trương Lý Hoàng Phi - Tổng giám đốc Vintech City, ông Vũ Minh Trí - CEO VNG CLOUD, ông Lê Việt Thắng - Nhà sáng lập & Giám đốc điều hành Nền tảng quản trị doanh nghiệp 1Office, Shark Nguyễn Hòa Bình – Chủ tịch tập đoàn NextTech và ông Lê Hải Bình - Chủ tịch HĐQT Công ty Mắt Bão.
Thế nên, đã có không ít cuộc tranh luận thú vị diễn ra giữa những chuyên gia này, ví dụ như có hay không tồn tại doanh nghiệp không cần chuyển đổi số, rất nhiều dự án chuyển đổi số thất bại là do không tìm được hệ thống phù hợp hay do con người lãnh đạo không đúng, chuyển đổi số nên bắt đầu từ đâu….
"Hiện tại, chuyển đổi số đang như một phong trào, khiến tỷ lệ thất bại cao, gần 80% doanh nghiệp đã thất bại khi ứng dụng hệ thống ERP. Phải chăng, đang có ‘bẫy’ chuyển đổi số khiến các doanh nghiệp rơi vào bẫy và thất bại. Vậy các doanh nghiệp có cần chuyển đổi số hay không?
Về cơ bản, theo tôi, nếu các doanh nghiệp có điều kiện thì nên triển khai hệ thống ERP vì các dữ liệu sẽ được hệ thống này sâu chuỗi, giúp hiệu quả công việc tăng lên. Tuy nhiên, mặt tiêu cực là, nhân sự trong công ty sẽ cho rằng, ERP khiến họ trở nên dư thừa và thường sẽ phản ứng lại, ví dụ như phản đối hoặc không hợp tác.
Ngoài ra, phải chăng có vài doanh nghiệp trong giai đoạn này không cần chuyển đổi số toàn diện, vì chuyển đổi sớm quá cũng chết?! Và có không ít SMEs trong giai đoạn này còn phải lo cơm áo gạo tiền, chật vật để tồn tại và họ nói họ không có nhiều tiền cho chuyển đổi số, không lo được việc chuyển đổi số hoặc thời gian tiêu tốn nhiều, nên chưa làm", ông Lê Hải Bình mở đầu buổi tọa đàm.
Tiếp lời, theo ông Lê Việt Thắng, ở thời điểm hiện tại, quả thật là có một vài doanh nghiệp không cần phải chuyển đổi số, ví dụ như những doanh nghiệp làm đồ thủ công – handmade.
Ở khía cạnh khác, việc có nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam chuyển đổi số thất bại là do họ không tìm ra được hệ thống phù hợp với doanh nghiệp của họ.
Ông Lê Việt Thắng - Nhà sáng lập & Giám đốc điều hành Nền tảng quản trị doanh nghiệp 1Office
"Hệ thống ERP rất đắt và không phải ai cũng có điều kiện để sử dụng. Theo tôi, các SMEs tại Việt Nam muốn có một nền tảng chuyên dành cho người Việt – cả về cấu trúc lẫn tài chính, cho riêng bản thân họ chứ không muốn sử dụng một lúc nhiều phần mềm.
Thế nên, việc các doanh nghiệp Việt thất bại quá nhiều khi chuyển đổi số, một phần lỗi thuộc về các nhà cung cấp, khi họ vẫn chưa cung cấp được một hệ thống phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp Việt, mà cung cấp những thứ mà họ tin rằng các doanh nghiệp Việt cần", ông Lê Việt Thắng nhận định.
Hiện tại, trên thị trường, các hệ thống số hoặc phần mềm quản lý doanh nghiệp rất nhiều, nhưng hầu hết đều của nước ngoài, ví dụ: trên điện thoại của chúng ta, trừ Zalo, các app còn lại đều của những nhà phát triển quốc tế. Hồi xưa người Pháp đô hộ nước ta và biến nước ta thành thuộc địa của họ, trong thế kỷ 21, đang có mộ kiểu ‘đô hộ’ mới: toàn bộ data của 100 triệu dân Việt Nam đều nằm ở nước ngoài. Chúng ta tốn tiền cho Facebook để lên đó bán hàng cho người dân trong nước.
Tuy nhiên, hiện có rất ít chuyên gia làm về hệ thống hoặc phần mềm quản lý doanh nghiệp dành riêng cho các SMEs Việt. Một bộ phận chỉ giỏi chém gió, một bộ phận còn lại có tài chính – năng lực thì đã tham gia đầu tư bất động sản, startup có tâm và lực thì thiếu tiền.
Trong khi, nguồn nhân lực trong lĩnh vực ICT của chúng ta không hề thua thế giới, nhất là ở mảng phần mềm, lép vế một chút ở mảng hệ thống. Thế nên, chúng ta cần phá vỡ chữ S, phát triển những phần mềm tốt và đưa phần mềm của chúng ta ra nước ngoài, để dữ liệu của thế giới đổ về Việt Nam.
"Cuối cùng, cái khó nhất là chuyển đổi số không hề chạy song song với quá trình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, nên có khi chuyển đổi số cản trở tăng doanh số, chiến lược kinh doanh và nhân sự. Chúng tôi đã trượt vài hợp đồng vì trưởng phòng nhân sự phản đối, do nếu chuyển đổi số sẽ có những công việc trong bảng mô tả công việc của họ không còn, lương sẽ đi xuống.
Tuy nhiên, các SMEs đừng quá lo lắng, cái trong đầu bạn mới quan trọng, nhắm mắt hít thở và đừng lo lắng gì cả, cả làng Vũ Đại đã trở nên giàu có nhờ nghề kho cá và internet. Thế nên, chúng ta không sợ hãi, quan sát cái nhỏ nhặt nhất rồi chuyển đổi số", ông Thắng cổ vũ các SMEs.
Ngược lại, theo ông Vũ Minh Trí, thì tất cả các doanh nghiệp tại Việt Nam và trên thế giới đều nên chuyển đổi số và tỷ lệ thất bại cao là bởi hầu hết doanh nghiệp Việt đều để bộ phận IT dẫn dắt dự án.
Ông Vũ Minh Trí - CEO VNG CLOUD
Với ông Trí, chuyển đổi số chẳng có gì là to tát, có công ty nên làm ERP, có công ty không cần và chỉ sử dụng vài phần mềm nhỏ là đủ. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần phải hiểu chuyển đổi số là gì, ví dụ: nên thu thập data cả bên trong lẫn bên ngoài, có không ít công ty chỉ lo thu thập thông tin từ bên trong mà không quan tâm những thông tin từ bên ngoài. Theo quan điểm của ông Trí, tất cả đều nên chuyển đổi số, công ty lớn nhỏ không quan trọng - đều nên làm những cái gì đó khác đi!
"Tuy nhiên, nên bắt đầu từ đâu? Không phải bắt đầu từ ERP, mà phải từ bộ phận kinh doanh chứ không phải bộ phận IT và người dẫn dắt dự án nên là lãnh đạo ở bộ phận kinh doanh chứ không phải IT. 80% doanh nghiệp chuyển đổi số được lãnh đạo bởi bộ phận IT đã thất bại. Nói chung, doanh nghiệp nhất định phải để bộ phận kinh doanh lead dự án chuyển đổi số thay vì những bộ phận khác.
Một trong những nguyên nhân thất bại nữa, là do lãnh đạo các doanh nghiệp quá tin tưởng vào những việc mình đã làm trong quá khứ. Theo đó, người cản trở lớn nhất cho quá trình chuyển đổi số trong vài công ty chính là lãnh đạo, hoặc lãnh đạo nhận định sai để những người không phải kinh doanh lead dự án", ông Vũ Minh Trí chia sẻ kinh nghiệm sau rất nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực này.
Đồng quan điểm với đàn anh, theo bà Trương Lý Hoàng Phi, đúng là hiện có không ít doanh nhiệp Việt chưa số hóa thông tin hoặc số hóa nửa vời, nên để dữ liệu nằm rải rác khắp nơi, có khi ở máy ‘chạy bằng cơm’ là nhân viên và khi nhân viên đó ra đi tức là doanh nghiệp cũng mất dữ liệu. Tất cả các ngành nghề đều nên chuyển đổi số, bắt đầu từ việc thu thập thông tin và hệ thống hóa nó.
Ngoài ra, theo Shark Phi thì nhiều khi cũng rất khó trách các lãnh đạo. Bà biết một số trường hợp, ông chủ dù biết chuyển đổi số là một quá trình đau thương như kiểu phải lột da để thay bằng một tấm da mới, song không ngờ được ngưỡng chịu đau của mình thấp hơn tưởng tượng. Cụ thể: khi chuyển đổi số sẽ ảnh hưởng xấu đến doanh thu và trải nghiệm khách hàng, nhiều lãnh đạo đã không thể chấp nhận điều đó trong thời gian dài nên không thể đi đến cùng.
"Trước khi chuyển đổi số, các lãnh đạo đừng làm vì trào lưu mà nên nghĩ xem mục tiêu cuối cùng của mình là gì và để đạt được mục tiêu đó, doanh nghiệp cần làm gì đầu tiên. Ví dụ, khi thu thập thông tin thì cần xác định mình làm việc đó cho mục đích gì hay mục tiêu cuối cùng mà doanh nghiệp muốn vươn tới khi chuyển đổi số là gì. Tất nhiên, mục đích hay mục tiêu của chuyển đổi số phụ thuộc vào quy mô doanh nghiệp và ngành hoạt động.
Còn về con người, có người thích ứng được với môi trường văn hoá số, như thói quen thu thập dữ liệu và tương tác liên tục cùng nhau, nếu không có thì việc chuyển đổi số là vô nghĩa. Nếu tổ chức chuyển đổi số quá nhanh, có những cá nhân không thể thích ứng kịp, và nếu tổ chức không có thời gian để chờ họ thay đổi, nên để họ ra đi đến chỗ khác phù hợp hơn", Shark Phi bổ sung.