Làn sóng dịch COVID-19 thứ 3 - nỗi kinh hoàng ở châu Âu

01/02/2021 16:04 PM | Xã hội

Sự xuất hiện biến thể mới của SARS-CoV-2 đang khiến châu Âu lâm vào cuộc khủng hoảng mới với nguy cơ đối mặt với làn sóng dịch thứ 3.

Số ca nhập viện và tử vong đang gia tăng với tốc độ mạnh hơn so với năm ngoái. Hệ thống y tế ở các nước châu Âu giàu có đang chịu nhiều sức ép, nhiều quốc gia lần lượt lên kế hoạch đóng cửa biên giới.

Biến thể mới gây COVID- 19 - kẻ thù được xác định

Thế giới đã trải qua tháng đầu tiên của năm COVID-19 thứ 2, dịch COVID-19 gây hoang mang, lo ngại hơn với sự xuất hiện của biến thể mới được phát hiện đầu tiên ở Anh và Nam Phi. Biến thể của SARS-CoV-2 khiến dịch bệnh lây lan hơn. Tính tới ngày 31/1, 10 quốc gia có số ca mắc và tử vong hàng đầu thế giới, hơn một nửa thuộc các nước châu Âu.

Theo thống kê của Worldometer.info, châu Âu ghi nhận hơn 30 triệu ca nhiễm COVID-19, gần 700.000 người đã tử vong vì dịch bệnh, các quốc gia có số người mắc bệnh nhiều nhất là Nga, Anh, Pháp. Trong 24 giờ qua, Nga có 19.000 ca bệnh mới, Anh có hơn 23.000 trường hợp và Pháp - cao nhất châu Âu - với 24.392 ca trong 1 ngày. Thị trưởng Thủ đô Moskva của Nga, ông Sergei Sobyanin cho biết hơn một nửa số dân Thủ đô nước Nga đã nhiễm SARS-CoV-2.

 Làn sóng dịch COVID-19 thứ 3 - nỗi kinh hoàng ở châu Âu - Ảnh 1.

Các biện pháp kiểm dịch được thực hiện tại sân bay ở châu Âu.

Số ca bệnh tăng đột biến tạo áp lực khủng khiếp lên hệ thống y tế ở khắp lục địa già. Nguyên nhân được cho là do các biến thể mới của virus. Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, biến thể tại Anh đã lây nhiễm cho khoảng hơn 80 quốc gia trên thế giới, biến thể tại Nam Phi lan ra hơn 30 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Ngoài ra, biến thể mới phát hiện tại Brazil cũng gây bệnh ở nhiều quốc gia trong 2 tuần qua. Tổng thống Bồ Đào Nha Antonio Costa cảnh báo, 2 tuần trước, biến thể mới chiếm khoảng 8% số ca mắc mới, đã tăng lên 20% tuần qua và sẽ tăng tới 60% trong thời gian tới. Điều này cho thấy tốc độ lây lan cực mạnh của biến thể mới.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cảnh báo, biến thể của Anh sẽ trở thành “virus thống trị ở Mỹ trong vòng 2 tháng nữa”, chiếm phần lớn các trường hợp mắc bệnh tại Mỹ bắt đầu từ tháng 3. Chính phủ Bỉ dự báo biến thể này sẽ gây ra 90% tổng số ca nhiễm mới ghi nhận tại Bỉ vào cuối tháng 2.

Tăng tốc tiêm vắc-xin, châu Âu lên kế hoạch đóng cửa trở lại

Các nhà nghiên cứu đang xem xét liệu những loại vắc-xin phòng bệnh hiện hành có hiệu quả với các biến thể hay không. Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) đã ra khuyến cáo về việc sử dụng vắc-xin AstraZeneca cho tất cả những người trên 18 tuổi phòng ngừa COVID-19. Đây là loại vắc-xin thứ 3 được EU phê chuẩn sử dụng sau vắc-xin do các công ty Pfizer/BioNTech và Moderna sản xuất. Mặc dù tình trạng vắc-xin khan hiếm lan rộng do năng lực sản xuất không đáp ứng đủ nhu cầu, các nước châu Âu đang tìm mọi cách để nhiều người dân nhất được chủng ngừa vắc-xin.

Trong khi châu lục này đang bổ sung bản đồ xác định các điểm nóng về lây nhiễm dịch COVID-19, nhiều nước thành viên đã nhanh chóng đưa ra quy định mới về nhập cảnh.

Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Véran cho biết, lệnh giới nghiêm trên toàn quốc đã “không đủ hiệu quả” trước các biến thể mới, mỗi ngày có hơn 20.000 ca nhiễm mới, tỷ lệ lây nhiễm tại Pháp tăng 10% mỗi tuần. Áp lực đối với các bệnh viện gia tăng, 60% giường cấp cứu đã được sử dụng. Pháp có nguy cơ phải phong tỏa lần thứ 3.

Trước mắt, từ ngày 31/1, Pháp sẽ đóng gần như hoàn toàn biên giới với các nước ngoài Liên minh châu Âu, nhiều biện pháp từng được triển khai trong các giai đoạn phong tỏa toàn quốc trước đây cũng được áp dụng trở lại.

Tại Đức đã cấm hầu hết du khách đến từ các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi các biến thể mới như Anh, Ireland, Bồ Đào Nha, Brazil, Nam Phi, Lesotho và Eswatini, quy định này sẽ kéo dài đến ngày 17/2. Séc cấm nhập cảnh vì mục đích không thiết yếu kể từ ngày 30/1. Ireland cấm nhập cảnh những người đến từ Brazil và Nam Phi.

Bồ Đào Nha, Bỉ cấm công dân đi du lịch nước ngoài không cần thiết. Biên giới nội bộ giữa các nước EU cũng được siết chặt. Bồ Đào Nha tuyên bố sẽ đóng cửa biên giới với Tây Ban Nha trong vòng ít nhất 2 tuần, kể từ 29/1. Cuộc chiến với biến chủng mới của virus mới chỉ ở giai đoạn đầu, những khó khăn thử thách vẫn ở phía trước...

Nguyễn Hải

Cùng chuyên mục
XEM