Lần đầu tiên trong lịch sử, Trung Quốc vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế thu hút FDI lớn nhất thế giới

26/01/2021 14:15 PM | Kinh tế vĩ mô

Tính trên toàn thế giới, FDI đã giảm 42% trong năm ngoái xuống mức thấp nhất kể từ thập niên 1990 và thấp hơn 30% so với cuộc khủng hoảng 2008.

Theo hãng tin CNN, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang quay lưng lại với nền kinh tế số 1 thế giới và bỏ sang Trung Quốc khi nước này kiểm soát dịch tốt hơn và hồi phục lại nhanh hơn.

Số liệu của Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTD) cho thấy nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Mỹ đã giảm 49% xuống chỉ còn 134 tỷ USD năm 2020. Trái ngược lại, FDI vào Trung Quốc tăng 4% lên 163 tỷ USD bất chấp đại dịch Covid-19.

Năm 2020 là năm đầu tiên trong lịch sử chứng kiến FDI vào Trung Quốc vượt Mỹ. Hiện Trung Quốc là nền kinh tế thu hút vốn FDI lớn nhất thế giới.

Lần đầu tiên trong lịch sử, Trung Quốc vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế thu hút FDI lớn nhất thế giới - Ảnh 1.

Mặc dù dịch Covid-19 khiến FDI rời bỏ Mỹ cùng nhiều nước trên thế giới để đến thị trường kiểm soát dịch tốt hơn như Trung Quốc nhưng trên thực tế, sự suy giảm này đã bắt đầu từ trước khi cuộc khủng hoảng này diễn ra.

Số liệu của Bộ Thương Mại Mỹ cho thấy sau khi FDI đạt đỉnh 440 tỷ USD vào năm 2015, con số này đã liên tục đi xuống. Việc Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump thúc đẩy chiến tranh thương mại đã làm giảm mạnh FDI từ Trung Quốc vào Mỹ trong vài năm trở lại đây. Bên cạnh đó, nền kinh tế toàn cầu bất ổn cũng khiến dòng vốn đầu tư suy giảm.

Báo cáo của Liên Hiệp Quốc (UN) cho thấy những mảng bán buôn, dịch vụ tài chính và sản xuất là bị rút vốn FDI nhiều nhất. Các thương vụ mua lại, sáp nhập cũng như doanh số bán tài sản tại Mỹ cho nhà đầu tư nước ngoài đã giảm 14%. 

Ngược lại, việc kiểm soát dịch nhanh chóng và hồi phục tốt khiến Trung Quốc hấp dẫn FDI nhiều hơn. Nền kinh tế này tăng trưởng tới 2% năm 2020 và trở thành thị trường lớn duy nhất trên thế giới có tăng trưởng dương.

Trung Quốc đã áp dụng lệnh cách ly mạnh tay cũng như theo doi, truy tra nguồn gốc lây bệnh chặt chẽ, sau đó tung hàng trăm tỷ USD đầu tư cơ sở hạ tầng để thúc đẩy tăng trưởng lại.

Trong khi đó, những nước khác có kết quả kinh tế khác nhau. Ấn Độ cũng hút FDI nhiều hơn, từ 25 tỷ USD năm 2014 lên 57 tỷ USD năm 2020. Việc mở những chi nhánh bán lẻ nước ngoài như Ikea hay Uniqlo cùng với chính sách "Make in India" đã thúc đẩy ngành sản xuất và hút vốn đầu tư. FDI của Ấn Độ đã tăng 13% trong năm ngoái.

Dẫu vậy không phải nền kinh tế nào cũng may mắn. FDI của Anh và Italy đều giảm gần 100%, của Nga giảm 96%, Đức giảm 61% còn Brazil giảm 50%. Tất cả những nước có FDI cao trong năm 2019 như Australia, Pháp, Canada hay Campuchia đều có tỷ lệ giảm với 2 chữ số.

Tính trên toàn thế giới, FDI đã giảm 42% trong năm ngoái xuống mức thấp nhất kể từ thập niên 1990 và thấp hơn 30% so với cuộc khủng hoảng 2008.

Băng Tâm

Cùng chuyên mục
XEM