Lần đầu tiên trong 36 năm qua, Tổng thống Mỹ mới lại có một cuộc họp quan trọng đến thế

30/11/2018 08:23 AM | Xã hội

Hội nghị thượng đỉnh giữa ông Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được xem là cuộc họp quan trọng nhất của một Tổng thống Mỹ trong gần 4 thập kỷ qua.

Cuộc họp lịch sử

Được cả thế giới ngóng chờ, cuộc gặp giữa ông Trump và ông Tập bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20, dự kiến diễn ra vào ngày 1/12 tại Buenos Aires, Argentina sẽ quyết định tương lai cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Đây cũng là một trong những cuộc họp quan trọng nhất giữa hai nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới trong lịch sử chính trị hiện đại.

Hội nghị Thượng đỉnh giữa ông Trump và ông Tập được so sánh với Hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Ronald Reagan và Mikhail Gorbachev, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô trong những năm 1980 của thế kỷ trước hay chuyến thăm của Tổng thống Richard Nixon đến Trung Quốc vào năm 1972, nơi Tuyên bố Thượng Hải ra đời chấm dứt nhiều thập kỷ thù địch giữa Mỹ và Trung Quốc.

Có hàng loạt lý do khiến Hội nghị thượng đỉnh giữa ông Trump và ông Tập được mô tả là cuộc họp quan trọng nhất giữa hai nhà lãnh đạo thế giới trong gần 4 thập kỷ qua. Kết quả của nó cũng sẽ tắc động tới tình hình kinh tế, chính trị toàn cầu theo những cách mà người ta khó có thể lường trước được hết.

Ở thời điểm hiện tại, kinh tế toàn cầu đang bị đe dọa bởi cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Mọi tín hiệu từ cuộc gặp ở Argentina đều sẽ mang đến những tác động to lớn mà hầu hết mọi nền kinh tế đều sẽ bị ảnh hưởng.

Lần đầu tiên trong 36 năm qua, Tổng thống Mỹ mới lại có một cuộc họp quan trọng đến thế - Ảnh 1.

Đây được xem là một thời điểm khó khăn trong lịch sử kinh tế thế giới. Nếu cuộc họp ở Argentina mang đến kết quả tích cực, chứng khoán toàn cầu sẽ có những thời khắc dễ thở. Một hiệp định chung giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ mang sự ổn định trở lại, khôi phục mối quan hệ kinh tế giữa hai cường quốc hàng đầu lớn nhất thế giới.

Trong trường hợp kết quả tiêu cực hay một sự kiện thất bại, sẽ chẳng ai tránh được ảnh hưởng. Tuy nhiên, thật khó để tin Washington và Bắc Kinh sẽ không tìm cách hạ nhiệt những lo ngại từ một cuộc chiến thương mại toàn diện cũng như tác động của nó đối với tăng trưởng toàn cầu.

Theo Triển vọng kinh tế mà IMF công bố, kinh tế thế giới đang chững lại, một phần là do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc cũng như những vấn đề ở các thị trường mới nổi. IMF đã cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2019 từ 3,9% xuống còn 3,7%. Tuy nhiên, nếu gián đoạn thương mại vẫn tồn tại, những hậu quả sẽ nghiêm trọng hơn vào năm 2020 và tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm tới 0,8%, bao gồm cả việc sụt giảm ở Mỹ và Trung Quốc.

Chiến tranh thương mại sẽ để lại nhiều hậu quả, bao gồm cả rủi ro của một cuộc suy thoái toàn cầu. Những điều này khiến cho mọi sự tập trung đổ dồn vào cuộc gặp giữa ông Trump và ông Tập.

Lạc quan và thách thức

Tuy nhiên, nhiều tín hiệu lạc quan đã xuất hiện trước thềm sự kiện quan trọng. Washington sẵn sàng giảm bớt áp lực lên Trung Quốc nếu được đáp ứng những đòi hỏi về tự do hóa môi trường đầu tư nước ngoài ở Trung Quốc, giảm thâm hụt thương mại cũng như giải quyết được vấn đề về ăn cắp tài sản sở hữu trí tuệ mà nước này cáo buộc.

Phía Trung Quốc cũng bày tỏ mong đợi về một kết quả hợp lý sau cuộc gặp thượng đỉnh ở Buenos Aires. Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Wang Shouwen nhấn mạnh: "Chúng tôi hy vọng Mỹ và Trung Quốc có thể giải quyết vấn đề thông qua sự tôn trọng lẫn nhau, lợi ích và sự chân thành".

Lần đầu tiên trong 36 năm qua, Tổng thống Mỹ mới lại có một cuộc họp quan trọng đến thế - Ảnh 2.

Dẫu vậy, thế giới vẫn còn nhiều điều phải lo lắng. Những khác biệt còn tồn tại giữa Mỹ và Trung Quốc là rất khó giải quyết. Trong khi đó, ông Trump đe dọa sẽ đánh thuế toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc nếu cuộc gặp với ông Tập không mang lại kết quả. Ngoài ra, Mỹ cũng sẽ nâng thuế với 200 tỷ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc từ 10% lên 25% vào ngày 1/1/2019, điều chắc chắn sẽ khiến kinh tế toàn cầu chao đảo.

Mỹ cũng tiếp tục phản đối việc Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, được mô tả là một nước "đang phát triển" theo quy định của WTO. Điều này mang đến cho Trung Quốc nhiều ưu đãi nhưng các nước như Mỹ lại chịu thiệt hại. Sự sụp đổ trong nỗ lực cải cách WTO sẽ gia tăng một áp lực với hệ thống thương mại đa phương, khiến nó chịu sức ép chưa từng có kể từ khi toàn cầu hóa được thúc đẩy từ những năm 1990 đến nay.

Theo Linh Anh

Cùng chuyên mục
XEM