Làm việc của người chết trên đất người sống ở Jeju, Hàn Quốc

10/07/2017 17:01 PM | Sống

Từng là một nghề nghiệp mang về thu nhập nuôi cả gia đình, thế nhưng vì "làm công việc của người chết bên người sống" nên nghề lặn biển tại Jeju, Hàn Quốc đang ngày một bị lu mờ.

Hàng thế kỉ, những Haenyo hay "người cá" là một khái niệm không hề xa lạ tại Hàn Quốc, đặc biệt là những người thuộc đảo Jeju. Họ lặn xuống biển sâu mỗi ngày, khai thác bào ngư, ốc biển cũng như bạch tuộc.

Nghe có vẻ chẳng khác gì những ngư dân thông thường và công việc không mấy phức tạp, chúng ta chẳng phải vẫn thấy khách du lịch lặn ầm ầm dưới đáy biển đó thôi? Thế nhưng, điểm khác biệt của các haenyo là họ không sử dụng tới bất kì trang thiết bị lặn hiện đại nào và nín thở hoàn toàn mỗi lần lặn để khai thác.


Một haenyo lớn tuổi tại Jeju, đa phần haenyo ngày nay đều có độ tuổi trên 50.

Một haenyo lớn tuổi tại Jeju, đa phần haenyo ngày nay đều có độ tuổi trên 50.

Được ví như người cá Hàn Quốc, haenyo có khả năng lặn sâu tới 20 mét dưới mực nước biển và nín thở tới 2 phút cho mỗi lần lặn. Họ không sử dụng bình oxy hay các ống, máy thở, thứ duy nhất họ mang theo là một bộ đồ bơi cùng chiếc kính lặn cổ điển đồng thời là quả nặng treo ở hông để có thể lặn sâu, nhanh hơn.


Một nhóm haenyo đang làm việc cùng nhau tại bờ biển Jeju.

Một nhóm haenyo đang làm việc cùng nhau tại bờ biển Jeju.

Họ có một chiếc túi đựng nổi với tên gọi "tewak", chiếc túi này sẽ là nơi những người cá tập kết các vật phẩm mà họ vừa thu hoạch xong. Mỗi người lại có những công cụ khác nhau để khai thác bào ngư hay ốc biển, thế nhưng đa phần những thứ họ sử dụng đều khá thô sơ và cổ điển.

Haenyo xuất hiện từ năm 434 sau công nguyên và đó chính là một trong những lý do khiến việc lặn biển ở Jeju thu hút nhiều khách du lịch đến thế. Ban đầu, đây là công việc dành cho nam giới, nhưng tới cuối thế kỉ 17, đầu thế kỉ 18, lượng haenyo nữ vượt trội, từ đó họ nhận trách nhiệm công việc này, tên gọi "người cá" cũng từ đó mà xuất hiện.

Có những haenyo đã 70 tuổi.
Có những haenyo đã 70 tuổi.

Một lý do khác mà nữ giới đảm nhận công việc này, đó chính là việc phụ nữ ở Jeju chịu lạnh tốt hơn đàn ông, họ có thể ở trong nước lâu hơn và khai thác nhiều hơn nam giới. Thêm vào đó, đàn ông thời bấy giờ đa phần vào quân đội do yêu cầu của nhà vua, nhưng phụ nữ vẫn phải đóng thuế thông qua bào ngư nên họ chẳng còn cách nào khác ngoài việc xuống biển khai thác.

Đa phần các haenyo đều đã lớn tuổi, giới trẻ tại Jeju không mấy hứng thú với công việc truyền thống này.
Đa phần các haenyo đều đã lớn tuổi, giới trẻ tại Jeju không mấy hứng thú với công việc truyền thống này.

Thời đó, mọi vật phẩm thu về đều phải được cống nạp cho nhà vua Hàn Quốc. Nhưng, đến năm 1910 khi Nhật Bản xâm chiếm Hàn Quốc, tục lệ cũ này bị dỡ bỏ và haenyo được thoải mái mang những vật phẩm mình khai thác được ra chợ bán hoặc đổi những nhu yếu phẩm khác cho sinh hoạt hàng ngày.

Trải qua quãng thời gian dài xuất hiện, haenyo dần dần trở thành một công việc có thu nhập cao trong xã hội. Có rất nhiều người Jeju giàu lên nhờ vào việc khai thác dưới biển, nhiều người giỏi tới mức được Nhật mời sang làm việc tại những vùng biển ở đây.

Chiến tranh thế giới lần 2 nổ ra, Nhật Bản rút khỏi Hàn Quốc, haenyo trở thành công việc chính của rất nhiều hộ gia đình ở Jeju. Lúc bấy giờ, đàn ông ở nhà dọn dẹp, chăm lo cho gia đình trong khi phụ nữ là lao động chính, họ lặn biển kiếm hải sản, đem về thu nhập.

Theo một thống kê của thời báo New York Times, vào những năm 1960, có tới 21% phụ nữ tại Jeju làm nghề lặn biển. Đây từng được coi là một công việc danh giá, truyền từ đời này qua đời khác.

Làm việc của người chết trên vùng đất của người sống

Hàng chục năm trời, những haenyo mang trên mình một bộ đồ vải dày để chống lạnh khi ngâm mình trong nước. Mãi tới những năm 70 của thế kỉ 20, khi bộ đồ lặn xuất hiện rộng rãi hơn, họ mới có thể lặn sâu hơn, ngâm mình trong nước lâu hơn và mang về nhiều vật phẩm hơn trước.

Tất nhiên, thừa cung cũng khiến cho giá thành những vật phẩm này giảm xuống, lặn biển cũng khiến sức khoẻ của nhiều haenyo đi xuống, họ tốn tiền cho việc chữa bệnh, luôn mệt mỏi và từ đó phải bỏ nghề.

Vào năm 1960, từng có tới 26.000 haenyo tại Jeju. Nhưng tới nay, con số này chỉ còn lại khoảng 4.500 người, nó giảm dần do sự nguy hiểm của công việc cũng như khoản thu nhập ít ỏi mà nghề mang lại. Tới Jeju, bạn sẽ gặp nhiều haenyo lớn tuổi hơn trong khi những người trẻ sẽ ưu tiên đi làm dịch vụ, công việc văn phòng...

Người thực hiện hình ảnh cho bài viết, nhiếp ảnh gia Mijoo Kim cho rằng đây là thế hệ cuối cùng của haenyo tại Jeju cũng như Hàn Quốc. Cô cho rằng haenyo đã mang theo lịch sử của Jeju và nó sẽ tồn tại mãi trong kí ức của những người dân tại đây.

Theo như nhiếp ảnh gia Kim, haenyo chưa bao giờ là công việc của những kẻ yếu đuối, người Jeju từng có câu nói "haenyo làm công việc của người chết trên vùng đất của những người còn sống".

Hầu như toàn bộ haenyo hiện tại ở Jeju đều trên 50 tuổi. Mặc cho chính quyền Jeju đang cố gắng tuyên truyền để bảo tồn những "người cá" này, thế nhưng sự cạnh tranh trong nghề nghiệp, thu nhập cũng như sự rủi ro đang dần làm mờ đi công việc này, một nghề đã gắn liền với Jeju suốt nhiều thế kỉ qua.

PV

Cùng chuyên mục
XEM