Làm theo 5 bước đơn giản này, vợ chồng trẻ chẳng mấy chốc thực hiện hóa giấc mơ nhà đẹp, xe bốn bánh, con cái được giáo dục tốt

25/07/2017 10:13 AM | Sống

Nắm rõ được tình hình tài chính gia đình, các thành viên gia đình mới có thể tiếp tục phấn đấu theo mục tiêu chung.

Được hưởng nền giáo dục tốt hơn, những gia đình có hai vợ chồng cùng là công nhân viên chức ngày nay thường kiếm được nhiều tiền hơn so với thời của cha mẹ họ. Song, điều đáng nói là, chi tiêu hàng tháng của họ cũng tăng lên không kém.

Sau khi trừ đi các khoản phải thanh toán cố định hàng tháng như tiền thuê nhà, vay mua nhà, vay mua xe, thuế thu nhập cá nhân, chi phí giáo dục con cái... số tiền mà họ kiếm được lại ít hơn cha mẹ rất nhiều.

Vậy làm cách nào để thực hiện hóa giấc mơ của các cặp vợ chồng trẻ? Hãy thử thực hiện 5 bước dưới đây:

Bước 1: Vợ chồng công khai thu nhập, gộp chung sổ tiết kiệm

Để có thể tiêu tiền một cách xứng đáng, trước hết cần phải biết “rốt cục kiếm được bao nhiêu”. Vợ chồng cần phải công khai thu nhập thực tế của hai người. Nếu như số lương và thưởng không xác định thì lấy tổng thu nhập một năm chia cho 12 tháng sẽ được thu nhập bình quân mỗi tháng.

Nếu gia đình có hai người cùng là công nhân viên chức, cả hai tự quản lý lương của mình, như vậy rất khó tiết kiệm tiền. Muốn trở thành cặp vợ chồng không phải lo nghĩ chuyện tiền bạc thì phải bắt đầu từ việc công khai thu nhập, gộp chung sổ tiết kiệm và cùng nhau quản lý tài chính.

Bước 2: Lập dự toán sau khi xác định các loại khoản mục

Các khoản mục ghi sổ không cần phải quá chi tiết. Chia các khoản chi thành 5 hạng mục, lập dự toán và hàng tháng chi tiêu theo số tiền đã dự toán.

Lúc này cần lưu ý, dự toán chi tiêu tốt nhất là do hai vợ chồng cùng lập. Liệt kê ra các hạng mục chi thường xuyên, đối chiếu hóa đơn ghi lại số tiền tiêu trước đây để nắm được con số chi phí sinh hoạt cụ thể. Căn cứ vào các khoản chi như phí giao thông của hai người để lập ra dự toán hợp lý.

Để làm được vậy, ít nhất phải tham khảo ghi chép chi tiêu của 1-2 tháng trước đó. Không giống như thời gian đang yêu, sau khi kết hôn, một số chi tiêu không cần thiết của hai người có thể sẽ khiến người kia phản cảm, hy vọng hai vợ chồng trong khi thảo luận có thể tiết chế được cảm xúc, đừng để xảy ra tranh cãi.

Vd về lập các khoản mục, dự toán cho cặp vợ chồng có thu nhập 40tr nếu ít hơn hoặc nhiều hơn thì cứ tăng giảm theo tỉ lệ, dưới 15tr thì nên kiếm công việc khác thu nhập cao hơn:

- Chi phí sinh hoạt (10tr)

- Chi phí nuôi con (5tr)

- Tiên tiêu vặt cho 2 vợ chồng (4tr)

- Chi tiêu không cố định (1tr)

- Chi phí nhàn hạ (2tr, và tiết kiệm từ các hạng mục trên khi nào đủ sẽ sử dụng)

Bước 3: Chuẩn bị một khoản gấp 2 – 3 lần chi phí sinh hoạt làm khoản dự phòng khẩn cấp

Tuy đã lập dự toán chi tiêu, nhưng trong cuộc sống rất có thể sẽ xảy ra tình trạng thành viên trong gia đình đột nhiên lâm bệnh hoặc những việc phát sinh cần phải dùng đến tiền khác. Bởi vậy, phải để ra một khoản tiền dự phòng khi khẩn cấp để giải quyết những vấn đề nói trên.

Có thể mở riêng một sổ tiết kiệm, như vậy mới đảm bảo chắc chắn được việc hình thành thói quen tiêu dùng trong dự toán. Chẳng hạn mở một sổ tiết kiệm dài hạn, đầu năm mới gửi vào đó số tiền bằng 2-3 lần chi phí sinh hoạt mỗi tháng.

Sổ tiết kiệm này có thể dự trữ một số tiền, trong trường hợp khẩn cấp sẽ mang ra ứng phó khi cần thiết; nếu dùng hết thì chờ khi có tiền thưởng hoặc có khoản nào khác lại gửi bù vào. Nếu sổ này cũng có thể rút ra dùng bất cứ lúc nào như sổ gửi sinh hoạt phí hay thẻ ngân hàng thì sẽ rất dễ bị tiêu hết.

Vì vậy, tốt nhất nên để khoản tiền này vào một quyển sổ mà ngày thường không dùng tới hoặc gửi và rút bất tiện, chỉ khi bức thiết mới được rút ra. Có khoản dự phòng khẩn cấp này, thì dù có bị nghỉ việc đột ngột cũng vẫn có thể duy trì chi tiêu sinh hoạt trong 3 tháng. Có rất nhiều gia đình thu nhập cao hay gặp phải trường hợp khi có việc gấp cần dùng đến tiền, do không thể rút được tiền từ ngân hàng nên hoảng hốt lo sợ. Thế nhưng, nếu đã chuẩn bị riêng khoản dự phòng khẩn cấp thì sẽ không phải lo lắng về vấn đề này nữa.

Bước 4: Luôn bổ sung đầy đủ khoản chi tiêu không cố định trong dự toán

Ngoài khoản tiền dùng khi khẩn cấp, mỗi năm sẽ còn xảy ra rất nhiều sự kiện như việc hiếu hỷ, sinh nhật, nghỉ lễ nghỉ phép,... những việc như vậy sẽ làm phát sinh một khoản chi tiêu không cố định. So với khoản dự phòng khẩn cấp không thể ước tính được, thì khoản chi tiêu không cố định này ta có thể lập được dự toán trước 1 năm.

Thông thường mà nói, chi tiêu không cố định bao gồm các khoản như tiền tiêu vặt của cha mẹ, chi tiêu phục vụ ngày lễ tết, chi phí đi nghỉ... Ví dụ, chi tiêu có khả năng phát sinh từ người vợ như chi phí mua mỹ phẩm, quần áo, làm đẹp, hay từ người chồng như phí sửa chữa bảo dưỡng xe. Giống như khoản dự phòng khẩn cấp, khoản tiêu không cố định cũng phải được chuẩn bị vào đầu mỗi năm mới.

Nếu làm như vậy gặp khó khăn, hãy coi tiền thưởng cuối năm là khoản dự phòng cho chi tiêu không cố định của năm tiếp theo và giữ lại là được. Cũng có thể gửi cố định hàng tháng, giữa chi tiêu có dự toán và chi tiêu không dự toán có sự khác biệt rất lớn.

Bước 5: Rút sạch tài khoản lương vào ngày phát lương

Mỗi tháng đều đã có khoản sinh hoạt phí và tiền tiết kiệm cố định, từ nay trở đi hãy bắt đầu thực hiện rút sạch tài khoản lương. Hàng tháng cứ phát lương là tự động phân bổ lương vào các sổ sinh hoạt phí, sổ chi tiêu không cố định, sổ tiền tiêu vặt...

Số tiền còn lại gửi vào các sổ tiết kiệm ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, sao cho cuối cùng đưa tài khoản lương về 0. Làm được đến bước này, tiền thưởng giữa năm và thưởng cuối năm sẽ không bị tiêu hết một cách tùy tiện nữa, mà sẽ trở thành khoản tiết kiệm cố định cất trong tài khoản.

Yên Nhiên

Cùng chuyên mục
XEM