Làm thế nào để các nhà quản lý giữ chân được hiền tài?
Tìm được một trợ thủ giỏi luôn là một việc khó khăn. Bởi vậy khi có một nhân viên giỏi, bạn đương nhiên muốn và phải giữ chân họ. Đáng tiếc, một trong những lý do bỏ việc của nhiều người lại chính là lãnh đạo. Vậy bạn phải làm thế nào để không mất đi những người giỏi như vậy?
Trước hết, hãy thử tìm hiểu những nguyên nhân nào liên quan tới người quản lý hay lãnh đạo khiến nhân viên giỏi bỏ việc. Họ cảm thấy không được ghi nhận vì những nỗ lực của mình. Họ phải đối mặt với những đấu đá ở cơ quan hay cảm thấy người quản lý là kẻ tư lợi cá nhân. Khi đi tìm việc mới, họ cũng xem xét khả năng được trọng dụng tại cơ quan mới. Nếu thấy rằng công việc này, hay công ty này không trao cho họ cơ hội phát triển và đãi ngộ thỏa đáng, đương nhiên, họ cũng sẵn sàng đi tìm một ông sếp mới. Nhiều người nghỉ việc vì sự giao tiếp nghèo nàn với sếp và thiếu hài lòng trong công việc. Đó là chưa kể, một số người còn có những ông sếp tệ hại. Bạn chắc hẳn không muốn nằm trong số này.
Nhưng thực tế là, bóng nằm trong sân của bạn – hỡi nhà quản lý. Một cách lý tưởng để giữ chân nhân viên giỏi của bạn là xem xét các yếu tố Xúc tác và Dinh dưỡng.
Yếu tố Xúc tác là những thứ giúp cho mọi người tiến bộ trong công việc. Chẳng hạn, thiết lập các mục tiêu rõ ràng và cung cấp cho nhân viên những nguồn lực, sự hỗ trợ để họ đạt được mục tiêu này.
Yếu tố Dinh dưỡng là việc nhìn nhận nhân viên như những con người. Điều này có nghĩa, bạn cần thân quen với họ, thể hiện sự tôn trọng, khuyến khích và động viên về tinh thần cho họ.
Để thành công, các nhân viên cần cả 2 yếu tố: Xúc tác và Dinh dưỡng.
Tạo chất Xúc tác cho nhân viên tiến bộ trong công việc
1. Đặt ra mục tiêu cho các dự án
Việc đặt ra các mục tiêu rõ ràng giúp mọi người có định hướng và từ đó đánh giá được quá trình của họ.
Nếu nhóm của bạn đang triển khai một dự án lớn, hãy tổ chức cuộc họp để đặt ra các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn. Hãy cho các nhân viên cơ hội để phát biểu và đặt câu hỏi. Khi cuộc họp kết thúc, mọi người cần phải biết chính xác nỗ lực của họ sẽ đem lại kết quả gì.
2. Xây dựng quyền tự chủ tại nơi làm việc
Hãy cho nhân viên sự tự do nhẫn định để họ làm công việc của họ theo cách phù hợp nhất với tài năng của họ. Nếu bạn đã đặt ra những mục tiêu rõ ràng thì việc họ đạt được mục tiêu đó bằng cách nào không còn quan trọng, miễn là họ vẫn thực hiện. Sự xoi mói chỉ làm hạn chế tính sáng tạo và khiến mọi người bị ức chế.
3. Cung cấp cho nhân viên những gì họ cần
Bạn sẽ không thể nướng bánh mà thiếu bột mỳ. Bạn không thể đòi hỏi nhân viên làm tốt nhất công việc của họ mà không trao cho họ sự đào tạo và những nguồn lực mà họ cần. Việc cung cấp các nguồn hỗ trợ cho nhân viên thấy rằng, công ty quan tâm tới họ và muốn họ thành công.
4. Hãy ý thức về timeline (kỳ hạn) của bạn
Việc áp đặt cho nhân viên deadline bất khả thi sẽ khiến họ nhụt chí và ngăn cản họ sáng tạo. Nhân viên cần deadline nhưng họ cũng cần đủ thời gian để thực hiện nhiệm vụ. Khi mọi người cảm thấy áp lực một cách vừa phải, họ sẽ làm việc với sự nỗ lực và sáng tạo tốt nhất.
5. Luôn sẵn sàng hành động
Nhân viên sẽ không tôn trọng những người quản lý trốn việc suốt ngày ở công ty hay dành thời gian cho những chuyến nghỉ mát liên tục. Bạn không cần phải có mặt tại cơ quan cả ngày, nhưng nếu nhìn thấy họ cần sự giúp đỡ, đừng ngại ngần hành động ngay.
6. Chấp nhận thất bại
Chúng ta được dạy để sợ thất bại ngay từ khi còn nhỏ. Việc lảng tránh thất bại sẽ khiến chúng ta ngại mạo hiểm và đổi mới. Là một người lãnh đạo, bạn hãy xây dựng văn hóa doanh nghiệp thừa nhận và tôn trọng thất bại như một bài học có giá trị. Các nhân viên sẽ sẵn sàng bước ra khỏi vùng thoải mái của họ khi bạn dám làm điều này.
7. Lắng nghe và lên tiếng
Việc trao quyền cho nhân viên lên tiếng sẽ giúp khơi thông dòng chảy ý tưởng. Hãy khuyến khích mọi người cùng chia sẻ ý tưởng. Bằng cách lăng nghe những quan điểm đa dạng và tôn trọng những lời chỉ trích mang tính xây dựng, bạn có thể học cách hỗ trợ tập thể và đạt tới mục tiêu chung.
Xây dựng nguồn Dinh dưỡng cho công ty bằng sự tôn trọng và giúp đỡ
1. Cho nhân viên thấy sự tôn trọng
Bạn hãy lấy ví dụ cho thấy mọi người cần được cư xử như thế nào. Khi một nhân viên đến chia sẻ ý kiến với bạn, hãy lắng nghe những điều họ nói. Cho dù bạn không đồng tình với họ thì điều quan trọng là cho họ thấy những suy nghĩ của họ được lắng nghe.
2. Khuyến khích
Khi được công nhận nỗ lực và thành quả, mọi nhân viên đều cảm thấy vui mừng và thấy rằng, lãnh đạo quan tâm tới họ. Việc thiếu sự đánh giá chính là nguồn gốc của thái độ bất mãn ở nơi làm việc. Hãy dành thêm thời gian cho những lời khen ngợi, hoặc đưa ra những hình thức khen thưởng chính thức. Bạn sẽ khiến nhân viên của mình cảm thấy tự hào, và tạo dựng lòng trung thành trong họ.
3. Chia sẻ về cảm xúc
Bạn không phải là một nhà trị liệu tâm lý, nhưng bạn có thể lắng nghe. Ai cũng có những ngày thật tồi tệ hoặc những khi thất vọng, chán nản. Hãy thừa nhận những tác động của tâm lý nhân viên ở nơi làm việc, từ đó, bạn có thể hỗ trợ họ, tạo điều kiện về thời gian hoặc không gian để họ giải tỏa tâm lý cho mình.
4. Xây dựng tập thể
Hãy tìm cách để giúp các thành viên trong công ty, phòng ban của bạn tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau. Khi đoàn kết, họ sẽ làm việc vui vẻ hơn, và tất nhiên là hiệu quả hơn. Bạn có thể tổ chức các buổi liên hoan hay đi chơi tập thể. Bạn cũng có thể xây dựng các đội thể thao sau giờ làm. Chúng là cơ hội để mọi người gắn kết với nhau hơn bên ngoài công việc.
Bạn có thể thuê được những người giỏi nhất, nhưng nếu không giữ được chân họ, công ty của bạn vẫn dậm chân tại chỗ. Những hành động nhỏ như trên có thể tác động lớn đến cách mọi người nhìn nhận về công ty và lãnh đạo của họ. Hãy xem trọng nhân viên, và nhân viên tài năng sẽ một lòng với bạn.