Làm sao để đẩy nhanh việc giãn nợ, cơ cấu lại nợ và miễn giảm lãi suất cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19?

15/04/2020 19:47 PM | Xã hội

Trong số 2 triệu tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi Covid-19 đến nay mới có chưa đến 10% được giãn nợ, cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ hoặc miễn giảm lãi suất…

Tại Báo cáo gửi Chính phủ mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, theo đánh giá sơ bộ, dư nợ tín dụng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 ước tính lên tới 2 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 23% dư nợ toàn hệ thống. Con số này cao hơn gấp đôi so với ước tính ban đầu của ngành ngân hàng.

Thông tin do NHNN cập nhật cũng cho biết, từ khi thực hiện Thông tư 01 về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 (ban hành ngày 13/3), các tổ chức tín dụng bước đầu đã cơ cấu lại thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho trên 52.000 khách hàng với dư nợ 17.927 tỷ đồng; thực hiện miễn giảm lãi suất cho 6.427 khách hàng với dư nợ 125.242 tỷ đồng, số lãi được miễn, giảm khoảng 300 tỷ đồng. Ngoài ra, các tổ chức tín dụng cũng đã cho vay mới 354.286 khách hàng với doanh số cho vay đạt hơn 165 nghìn tỷ đồng.

Như vậy, không tính đến lượng vốn vay mới thì số dư nợ hiện hữu đã được thực hiện giãn nợ, cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ và miễn, giảm lãi suất đạt tổng cộng trên 143.000 tỷ đồng. So với con số 2 triệu tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng thì con số này còn quá nhỏ, chưa đến 10%.

Việc thực hiện còn chậm

Lãnh đạo một số doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, nhà hàng cho biết, họ đã nộp đơn tới ngân hàng để đề nghị được thực hiện giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm lãi suất hoặc cho vay mới theo các gói ưu đãi (tổng cộng gần 300 nghìn tỷ đồng) mà ngân hàng thông báo trên truyền thông, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Dù họ nằm trong nhóm ngành bị ảnh hưởng trực tiếp và sớm nhất nhưng ngân hàng vẫn yêu cầu phải chứng minh thiệt hại. Thậm chí doanh nghiệp nhỏ còn nghi ngờ chính sách này không được triển khai rộng khắp, ngân hàng có sự ưu tiên với các khách hàng VIP, nên không đến lượt khách hàng có dư nợ chỉ vài tỷ đồng như họ.

Trong khi đó lãnh đạo một số ngân hàng thương mại thì cho biết, ngay từ khi dịch bệnh xảy ra, các ngân hàng đã chủ động tiếp cận khách hàng để cùng đánh giá mức độ ảnh hưởng và đưa ra các hỗ trợ kịp thời. Đến khi NHNN chính thức có Thông tư 01 thì các ngân hàng cũng triển khai nhanh việc đánh giá và lựa chọn phương án phù hợp nhằm hỗ trợ tối đa cho khách hàng.

"Đúng là thời gian qua có nhiều khách hàng nộp đơn lên xin giãn, hoãn nợ, cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi suất nhưng ngân hàng phải đánh giá các hồ sơ một cách cẩn trọng sao cho việc hỗ trợ là đúng, trúng và tối ưu cho cả hai bên. Ngoài ra việc thực hiện hỗ trợ này cũng phải chuẩn chỉnh theo đúng quy trình đã được hướng dẫn từ cơ quan quản lý" - Phó Tổng giám đốc một ngân hàng chia sẻ.

Lý giải vì sao đã có hướng dẫn của NHNN mà việc thực hiện giãn, hoãn nợ, giữ nguyên nhóm nợ và miễn giảm lãi suất cho các khoản nợ hiện hữu của doanh nghiệp mới chỉ đạt chưa đến 10% phần dư nợ bị ảnh hưởng, TS. Cấn Văn Lực cho rằng Thông tư 01 mới được ban hành được 1 tháng, các ngân hàng cũng mới đưa vào thực hiện. Ngoài ra cũng không loại trừ việc số liệu chưa được cập nhật (tính đến tuần trước - phóng viên), nếu tính đến ngày hôm nay thì đã có con số khác do toàn hệ thống đều đang nỗ lực giúp khách hàng vượt qua khó khăn.

Về phía các ngân hàng thương mại, theo ông Lực, các ngân hàng cũng phải làm cẩn thận để đảm bảo đúng đối tượng, quy định và cân đối năng lực tài chính của họ. Bởi lẽ những việc này đều ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của ngân hàng, mà ngân hàng tương mại cũng là một doanh nghiệp, đều chịu khó khăn do dịch bệnh gây nên và còn có độ trễ.

Làm sao để đẩy nhanh quy trình?

TS. Cấn Văn Lực cho rằng, để đẩy nhanh quá trình hỗ trợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, NHNN có lẽ nên điều chỉnh Thông tư 01 với hai điểm cần lưu ý. Thứ nhất là cho phép giãn nợ lâu hơn đối với các khách hàng trung và dài hạn để phù hợp hơn với khả năng phục hồi của dòng tiền của doanh nghiệp. Hai là NHNN nên có hướng dẫn chi tiết hơn về ngành nghề, lĩnh vực bị ảnh hưởng và tiêu chí, phân nhóm đối tượng hỗ trợ, có thể là theo mức giảm doanh thu…để các ngân hàng nhất quán thực hiện.

Bên cạnh đó, để có thêm nguồn lực hỗ trợ khách hàng, NHNN có thể tăng cho vay tái cấp vốn với các ngân hàng, dù không nhiều, nhưng cũng hỗ trợ được ngân hàng thương mại phần nào trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Ngoài ra cần phải có sự nỗ lực của cả ba bên. Phía NHNN nên theo sát và có điều chỉnh chính sách phù hợp, đảm bảo nhất quán thực hiện (nếu cần). Phía ngân hàng thương mại cần giảm thiểu thủ tục không cần thiết và minh bạch, nhất quán quy trình thực hiện. Còn phía doanh nghiệp cũng cần thiện chí hợp tác, minh bạch hơn, chứng minh bị ảnh hưởng, không có tư tưởng trục lợi chính sách, vay chỉ để đảo nợ, không có phương án khả thi…

Riêng về phía doanh nghiêp, TS. Lực cho rằng để vượt qua khó khăn, các doanh nghiệp không nên chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ của ngân hàng mà cần phải đồng bộ các giải pháp khác nữa, bởi thực tế chi phí lãi thường chỉ chiếm một phần không quá lớn trong chi phí hoạt động của doanh nghiệp.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Thân, chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng lưu ý các doanh nghiệp cần hợp tác để được ngân hàng hỗ trợ hiệu quả nhất. Chẳng hạn nếu ngân hàng đã giảm lãi suất thì doanh nghiệp cũng cần chứng minh họ bị ảnh hưởng, muốn không bị xếp vào nhóm nợ xấu thì phải viết đơn. Ngoài ra, ngân hàng đang tạo điều kiện cho vay dễ dàng nhưng doanh nghiệp cũng đừng nên thấy dễ vay mà cứ thế vay, cứ chạy theo lãi suất rẻ mà không có phương án kinh doanh, không có sức sáng tạo...

Nhà nước có nên đứng ra bảo lãnh để doanh nghiệp vay vốn rẻ của ngân hàng vượt qua khó khăn?

Một số ý kiến cho rằng, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, nên chăng NHNN thực hiện bảo lãnh cho các doanh nghiệp một phần nào đó để vay vốn ngân hàng, như ở một số nước đang hỗ trợ doanh nghiệp của họ. Tuy nhiên TS. Cấn Văn Lực cho rằng điều này là không nên vì sẽ vi phạm luật quản lý nợ công và rất phức tạp khi thực hiện.

 Làm sao để đẩy nhanh việc giãn nợ, cơ cấu lại nợ và miễn giảm lãi suất cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19?  - Ảnh 1.

Theo Tùng Lâm

Cùng chuyên mục
XEM