Từ 2% tăng lên 6%, tỷ lệ tử vong do SARS-CoV-2 có phải do virus đã biến đổi?
Theo TS Phạm Hùng Vân chưa thấy virus này có những đột biến quan trọng làm thay đổi tính sinh bệnh của nó, chính vì vậy nếu nói độc lực của virus có tăng hơn không thì chắc chắn câu trả lời là không.
Theo thống kê, đến 11h ngày 15/4 trên toàn thế giới đã có 1.999.280 người mắc; 126.720 người tử vong, trong đó: Hoa Kỳ: 614.117 người mắc; 26.059 người tử vong, Tây Ban Nha: 174.064 người mắc; 18.255 người tử vong., Italy: 162.488 người mắc; 21.067 người tử vong, Pháp: 143.303 người mắc; 15.729 người tử vong. Chỉ trong vòng 1 tháng qua số ca mắc và tử vong tăng chóng mặt ở mức 6%.
Nhiều giả thuyết được đưa ra trong đó có nhiều ý kiến cho rằng Virus đã biến đổi và tăng độc lực. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với TS Phạm Hùng Vân - Chủ Tịch Liên chi hội Vi Sinh lâm sàng TP. HCM về vấn đề này.
PV: Thưa TS Vân, tại các nước có nền y học phát triển nhưng cũng không ngăn được virus SARS-CoV-2 và số người tử vong. Tháng 2/2020 tỷ lệ tử vong khoảng 2 % nhưng hiện tại ước tính tỷ lệ tử vong 6%, phải chăng virus này đã biến đổi độc lực?
TS Phạm Hùng Vân: Các kết quả giải trình tự trên SARS-CoV - 2 vẫn chưa thấy virus này có những đột biến quan trọng làm thay đổi tính sinh bệnh của nó, chính vì vậy nếu nói độc lực của virus có tăng hơn không thì chắc chắn câu trả lời là không.
Có một vấn đề là bản chất virus này là rất dễ bám vào thụ thể ACE2 trên bề mặt tế bào hô hấp dưới và đồng thời có trên 51% người nhiễm bệnh không có triệu chúng.
Virus SARS-CoV-2 có biến đổi độc lực
Đó chính là 2 lý do làm cho virus rất dễ lây lan trong cộng đồng nếu chúng ta không cô lập được nguồn lây.
Hiện nay có rất nhiều nước dịch bệnh đã lây lan ra ngoài cộng đồng và khi đó, sẽ có nhiều người bị nhiễm bệnh có nguy cơ bệnh nặng và tử vong cao, đó là người già, có bệnh nền, đặc biệt tại các nước Âu Mỹ có tỷ lệ người già khá cao.
Không chỉ vậy, một khi số người bị bệnh nặng quá nhiều vượt quá khả năng chăm sóc y tế do số lượng có giới hạn của giường bệnh, số lượng máy thở, số lượng ECMO, thì tỷ lệ tử vong sẽ càng cao hơn nữa. Chính đây là lý do tại sao số người mắc bệnh càng cao thì số người chết càng nhiều, đặc biệt tỷ lệ tử vong càng tăng như ở Ý, Tây Ban Nha.
PV: Có những bài báo cáo virus này tấn công cả não, tim, hệ tiêu hoá… điều này nguy hiểm như thế nào?
TS Phạm Hùng Vân: Virus SARS-CoV- 2 xâm nhập vào tế bào qua thụ thể của chúng trên bề mặt các tế bào biểu mô hô hấp dưới là ACE2. Chúng ta cũng biết ACE2 là một enzyme xuyên màng có vai trò làm bất hoạt Angiotensin II nhờ vậy mà điều hòa được huyết áp.
Không chỉ có trên tế bào biểu mô hô hấp, ACE2 còn có mặt trên tế bào nội mạc của động mạch, trên ruột, tim, thận. Chính vì vậy trên người bị nhiễm SARS-CoV-2, chúng ta có thể tìm thấy virus trong quệt họng, đàm, máu và cả trong phân nữa.
Về mặt nguyên tắc, một khi virus vào được trong máu thì bất cứ cơ quan nào có thụ thể ACE2 (như tim, hệ tiêu hóa) thì chúng ta đều có thể tìm thấy virus này hiện diện.
TS Phạm Hùng Vân
Tế bào não không có ACE2 nhưng vẫn có nhiều mạch máu nên chúng ta vẫn có thể tìm thấy được virus. Tuy nhiên cơ chế gây bệnh của virus chủ yếu vẫn là trên phổi nên hiện nay vẫn chưa có báo cáo những tổn thương trực tiếp của virus trên các cơ quan khác như tim, não hay thận.
PV: Virus SARS-CoV-2 còn quá mới, chúng ta nên ứng xử với nó như thế nào ở thời điểm hiện tại?
TS Phạm Hùng Vân: Đúng là SARS-CoV-2 là còn quá mới, tuy nhiên nhờ có các tiến bộ khoa học nên hiện nay chúng ta đã biết rõ bộ gen của virus, biết rõ cơ chế lây lan, có phương tiện để chẩn đoán bệnh cũng như tầm soát người bị nhiễm bệnh dù không có triệu chứng, để từ đó thực hiện cách ly không cho dịch bệnh lây lan ra ngoài cộng đồng.
Câu hỏi chúng ta nên tiếp tục ứng xử như thế nào là một câu hỏi rất thách thức đòi hỏi không chỉ chuyên môn y học, sinh học, mà cả tầm nhìn kinh tế và xã hội nữa; do vậy mà có lẽ nên có một bàn tròn để tập hợp nhiều chuyên gia cùng thảo luận vấn đề này.
Vâng xin cảm ơn ông!