Làm rõ vụ mã vùng trồng sầu riêng của người dân biến thành của doanh nghiệp
Cục Bảo vệ Thực vật cho biết đã yêu cầu đơn vị phải làm việc một cách bài bản, không để xảy ra tranh chấp, gian lận, gây ảnh hưởng đến quá trình cấp phép và thực hiện nghị định thư. Nếu không, Cục sẽ thu hồi mã số vùng trồng và thông báo cho Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Nhiều nông dân ở thôn Tân Bắc (xã Ea Kênh, huyện Krông Pắk, Đắk Lắk) phản ánh phát hiện vườn trồng sầu riêng của mình đã được cấp mã vùng trồng xuất khẩu sang Trung Quốc cho Công ty TNHH thương mại nông sản Thiện Tâm, việc này họ không hề hay biết.
Ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) - cho biết, Cục đã yêu cầu Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật Đắk Lắk kiểm tra. Công ty TNHH Thương mại nông sản Thiện Tâm (chủ sở hữu mã số vùng trồng VN-ĐLOR 0072) báo cáo sự việc, cung cấp hợp đồng hoặc sự cam kết với người dân.
Bước đầu cho thấy, Công ty TNHH Thương mại nông sản Thiện Tâm nằm trong danh sách kiểm tra trực tiếp của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, trong đó có đại diện nông dân đứng ra kiểm tra. Quy trình cấp làm hồ sơ đáp ứng theo đúng quy định của nghị định thư.
"Có thể có hộ dân không biết. Chúng tôi đã yêu cầu Công ty Thiện Tâm phải cung cấp tất cả bằng chứng thu mua của ai, thông tin rộng rãi đến người dân", ông Trung nói.
Cũng theo ông Trung, đây là bài học để Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật các địa phương phải giám sát chặt chẽ hơn nữa, doanh nghiệp phải có trách nhiệm hơn nữa với người dân, đặc biệt là tuyên truyền người dân hiểu được làm sao có được mã số vùng trồng.
Hiện, cả nước có 51 tương đương khoảng 3.000ha. Nếu tính cả 49 vùng trồng đang hoàn thiện hồ sơ (khoảng 2.750ha), diện tích sầu riêng đủ điều kiện xuất khẩu chiếm chưa tới 7%. Thời gian tới, Cục Bảo vệ thực vật phối hợp chặt chẽ với các địa phương, doanh nghiệp, người dân mở rộng được cấp phép.
Theo ông Hoàng Trung, nghị định thư giữa Bộ NN&PTNT và Tổng cục Hải Quan Trung Quốc quy định các loại trái cây, trong đó có phải có mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, đồng thời phải thực hiện theo các yêu cầu về mặt kỹ thuật do Trung Quốc đặt ra.
Người dân, doanh nghiệp, địa phương muốn có mã vùng trồng phải bảo đảm diện tích vườn trồng đạt 10ha trở lên, không thể đơn lẻ một người dân làm được mã số vùng trồng. Do vậy, cần phải có sự đồng tâm, nhất trí, chung tay của nhà vườn, người dân để có mã số vùng trồng quy mô lớn.
Ông Lê Minh Tâm - Giám đốc Công ty TNHH Nông sản Thiện Tâm - cho rằng, đây là sự việc "do hiểu lầm". Sau khi có phản ánh, công ty đã phối hợp với UBND huyện Krông Pắc, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đăk Lăk xuống làm việc với người dân để hiểu rõ về mã vùng trồng.
Qua làm việc, ông Tâm đã thông báo mã vùng trồng khu vực trên cách đây 3 năm doanh nghiệp phối hợp với Công ty Cà phê Tháng 10 lập hồ sơ, đề nghị cấp mã số.