Lạm phát đẩy giá nhà tăng cao, có nên mua nhà, đầu tư bất động sản lúc này?

16/03/2022 08:42 AM | Kinh doanh

Lạm phát gia tăng sẽ đẩy giá nhà, giá bất động sản tăng thêm, vậy có nên mua nhà, đầu tư bất động sản thời điểm này?

Chỉ số lạm phát đang đứng trước áp lực gia tăng trong khi giá nhà vẫn luôn được dự báo tăng, chưa có dấu hiệu suy giảm.

Chị Thu Hà (Đống Đa, Hà Nội) có nhu cầu mua nhà ở thực đang lo nếu lạm phát tăng mạnh, giá nhà sẽ tăng thêm thì cơ hội mua nhà lại càng khó khăn hơn. Trong khi lạm phát cao thì các chi phí sinh hoạt cũng tăng, nhưng thu nhập lại chưa tăng.

Không chỉ người mua nhà, như anh Quốc Dũng, người mới tham gia đầu tư vào thị trường bất động sản cũng đang băn khoăn có nên xuống tiền đầu tư bất động sản giai đoạn này?

Lạm phát đẩy giá nhà tăng cao, có nên mua nhà, đầu tư bất động sản lúc này? - Ảnh 1.
Người mua nhà, nhà đầu tư băn khoăn có nên mua nhà, đầu tư bất động sản khi lạm phát không?

Chia sẻ với PV Infonet, chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang cho hay: Lạm phát, biến động giá vàng thường khiến nhiều người tìm đến kênh đầu tư bất động sản vì đó là kênh cư trú an toàn. Lạm phát sẽ càng đẩy giá nhà đất tăng thêm dù 2 năm dịch bệnh đã khiến giá bất động sản đã tăng mạnh.

“Nhà đầu tư F0, mới đầu tư cũng nên lựa chọn cho mình tài sản bất động sản để dự trữ tài sản trong thời điểm lạm phát. Thị trường bất động sản có tăng, có giảm nhưng qua mấy chục năm qua, bất động sản Việt Nam tăng nhiều hơn giảm. Chỉ trong 10 năm qua, bất động sản tăng gấp 3 lần, nếu mua bất động sản thì đến 10 năm sau lợi nhuận vẫn đạt 50-100%.

Nếu đầu tư ngắn hạn hơn, chỉ 5 năm, bất động sản cũng có thể tăng gấp đôi. Do đó, việc đầu tư bất động sản là kênh đầu tư mang tính tương đối an toàn. Nhu cầu bất động sản lúc nào cũng gia tăng nên luôn là kênh được lựa chọn”, ông Quang phân tích.

Còn với những người mua nhà để ở, theo ông Quang nên mua nhà khi giá cả phù hợp với thu nhập của mình, nếu thu nhập đảm bảo để mua nhà thì việc mua nhà ở vào thời điểm nào cũng hợp lý. Thời điểm hiện nay nên mua nhà để đáp ứng nhu cầu ở thực đúng theo thu nhập tương ứng, vừa sức với mình, đừng mua vượt quá khả năng của mình, rồi phải đi vay mượn.

Ở một góc nhìn khác, chuyên gia tài chính Phan Lê Thành Long - người sáng lập và CEO AFA Group cho rằng, không có bất kỳ dữ liệu nào thể hiện mối tương quan cùng chiều giữa lạm phát và giá bất động sản.

Điểm lại dữ liệu cụ thể của những đợt tăng, giảm giá bất động sản trong hơn 10 năm vừa qua tại Việt Nam, ông Long phân tích, giai đoạn 2009 – 2010, giá bất động sản tăng nóng, có hiện tượng tiền rút từ chứng khoán sang bất động sản. Chỉ số giá tiêu dùng CPI rơi xuống mức thấp nhất trong 6 năm liền trước, do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu cuối 2008. Giá bất động sản ngược với lạm phát.

Đến giai đoạn 2011 – 2013, lạm phát tăng 2 con số, đỉnh điểm CPI năm 2011 tăng 18,75% so với năm 2010. Lãi tiền gửi huy động dao động ở mức 18,5-21,5%, lãi vay lên 25-30%.

“Thanh khoản ngân hàng cạn kiệt, nợ xấu tăng vọt, tỷ trọng nợ xấu lớn nằm trong bất động sản. Thị trường bất động sản đóng băng, giá giảm mạnh. Ví dụ có căn chung cư hạng sang trung tâm Hà Nội, giá bán thứ cấp 2.000USD (khoảng 35 triệu đồng/m2), nhưng giá bán lại sau 1 năm chỉ còn cỡ 25-28 triệu đồng/m2. Như vậy, giá bất động sản ngược với lạm phát”, ông Long phân tích.

Gần đây nhất, CPI năm 2021 chỉ tăng 1,47%, trong khi giá bất động sản tăng nóng cuối năm 2021, đầu năm 2022. Điều này cho thấy giá bất động sản đang ngược với lạm phát.

Do đó, ông Long cho rằng, mua bất động sản cần tính đến các yếu tố giá tăng thực sự. Chứ lạm phát không phải là nguyên nhân khiến giá bất động sản tăng, thậm chí lạm phát cao mà khiến lãi suất tăng, tiền tệ thắt chặt là “kẻ thù” của bất động sản, khiến bất động sản đóng băng, giá giảm, kẹt vốn.

Theo ông Long, có 4 yếu tố tác động đến việc tăng giá bất động sản, đó là tín dụng ngân hàng, thu nhập dân cư, hạ tầng cải thiện và tính khan hiếm của phân khúc bất động sản.

Theo Minh Thư

Cùng chuyên mục
XEM