Làm kinh tế giỏi như giới chức Trung Quốc: Các địa phương lập công ty từ buôn đất đến đầu tư vào xe điện, tự tin đến 2023 sẽ vượt Mỹ
Thời của xe điện phải chăng đang đến?
Theo hãng tin Bloomberg, Trung Quốc đang có sự chuyển mình trong việc đầu tư công, từ việc chuyên bán đất cho các doanh nghiệp bất động sản sang đổ tiền vào mảng công nghệ, đặc biệt là xe điện để tạo nguồn thu cho ngân sách.
Lấy ví dụ thành phố Hefei miền Đông Trung Quốc, chính quyền địa phương đã đổ tới 5 tỷ Nhân dân tệ (787 tỷ USD) để mua 17% cổ phần mảng kinh doanh xe điện của hãng Nio. Tưởng chừng như công ty được nhà nước đầu tư này sẽ lại như bao hãng quốc doanh khác, vay nợ lớn và làm ăn không thực sự hiệu quả, thế nhưng câu chuyện lại hoàn toàn khác.
Đầu năm 2021, Nio đã thu được lợi nhuận và đến hết năm thì bán được hơn 90.000 chiếc xe điện. Thay vì tăng cường mua thêm cổ phần để kiểm soát Nio, chính quyền địa phương đã bán bớt cổ phiếu chỉ chưa đầy 1 năm sau khi mua vào, qua đó thu được lợi nhuận cao gấp 5,5 lần số vốn bỏ ra.
Câu chuyện của Nio tại thành phố Hefei là ví dụ điển hình cho sự chuyển mình ở Trung Quốc trong những năm gần đây.
Tăng trưởng GDP bình quân đầu người từ năm 2011 tại 3 thành phố: Hefei, Bắc Kinh, Thượng Hải
Từ buôn đất đến bán xe điện
Trước đây các địa phương Trung Quốc thường bán hoặc cho thuê đất với những công ty quốc doanh để kiếm nguồn thu cho ngân sách. Họ kết hợp với các ngân hàng để cung cấp quyền sử dụng đất giá rẻ cùng nhiều hỗ trợ khác. Mô hình này được nhiều nơi sử dụng nhằm thúc đẩy kinh tế bất động sản, qua đó tạo thành tích với trung ương.
Tuy nhiên với sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghệ cũng như những bất cập trên thị trường bất động sản, Trung Quốc đang dần chuyển mình sang mảng mới mà điển hình là thành phố Hefei.
Kể từ thập niên 1950, Hefei đã trở thành trung tâm nghiên cứu công nghệ tại Trung Quốc và chính sự đầu tư khôn ngoan của chính quyền địa phương đã đưa Hefei thành đô thị có tốc độ tăng trưởng GDP nhanh nhất trong 10 năm trở lại đây.
Bài học của Hefei nhanh chóng được nhiều địa phương tại Trung Quốc nhận ra và học hỏi. Việc tăng trưởng giảm tốc và tỷ lệ nợ của thị trường bất động sản ở mức tồi tệ khiến nhiều địa phương chuyển đổi đầu tư sang những mạng khác như công nghệ bán dẫn, máy tính lượng tử hay trí thông minh nhân tạo.
Trên thực tế, việc phát triển công nghệ này là trọng tâm cốt lõi mà chính quyền Bắc Kinh đề ra để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế từ nay đến năm 2035. Đồng thời đây cũng là chiến lược chủ chốt để thực hiện tham vọng vượt nền kinh tế Mỹ của Trung Quốc.
Với thành phố Hefei, thành công từ đầu tư vào công nghệ đã xuất hiện từ năm 1993 khi chính quyền địa phương rót vốn vào hãng BOE Technology, hãng chuyên sản xuất màn hình điện tử. Sau khi hãng này gặp khó khăn trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008, Hefei thậm chí đã từ bỏ kế hoạch xây dựng đường tàu điện ngầm để rót hàng tỷ Nhân dân tệ hỗ trợ doanh nghiệp.
Nhờ đó, BOE đã xây dựng được 1 nhà máy sản xuất màn hình LCD tại Hefei để bước ra khỏi khủng hoảng. Trong những năm tiếp theo, Hefei tiếp tục đầu tư mạnh cho BOE để xây thêm nhà máy và thu lợi nhuận, qua đó tạo thêm hàng chục nghìn việc làm cho người dân địa phương, qua đó sản xuất tổng giá trị sản phẩm hơn 100 tỷ Nhân dân tệ mỗi năm.
Năm 2021, BOE chính thức vượt qua hãng Samsung Electronic Co để trở thành nhà sản xuất hàng đầu về màn hình LCD cho tivi.
Thành công của Hefei đang được nhiều nơi học tập cho cuộc cách mạng xe điện hiện nay. Trong số 6 startup xe điện lớn nhất Trung Quốc hiện nay, có đến 5 hãng là được nhà nước tham gia đầu tư.
"30 năm trước đây các doanh nghiệp nhà nước sản xuất những thứ chẳng ai muốn mua. Giờ đây thì chính quyền địa phương lại chẳng khác gì một quỹ đầu tư khởi nghiệp vậy", giáo sư Chang Tai Hsieh của trường đại học Chi cago-Mỹ nhận định.
Khó khăn còn đó
Theo hãng tin Bloomberg, các nhà khởi nghiệp Trung Quốc hợp tác với chính phủ thường dễ dàng nhận được giấy phép xây dựng nhà máy hay nguồn vay vốn từ ngân hàng hơn. Thế nhưng việc đầu tư không tuân theo cung cầu thị trường này cũng có tính 2 mặt của nó.
Sản phẩm màn hình OLED của BOE
Những dữ liệu lịch sử tại Malaysia thập niên 1970 hay Brazil thập niên 1980 đều cho thấy việc chính phủ can thiệp quá sâu vào nền kinh tế có khả năng không đem lại hiệu quả tương xứng với số vốn bỏ ra. Thay vào đó, các chuyên gia cho rằng chính phủ chỉ nên tạo ra sân chơi và dẫn đường tiên phong sau đó để các nhà đầu tư và định luật cung cầu thị trường làm việc còn lại.
Tại thành phố Hefei, một số khoản đầu tư của chính quyền địa phương cũng không thực sự thành công. Ví dụ như một sự án xây dựng tấm năng lượng mặt trời hay dự án 2 tỷ Nhân dân tệ cho nhà máy lắp kính plasma hợp tác cùng Hitachi Nhật Bản đều không hiệu quả.
Năm 2017, thành phố Wuhan chi tới 200 triệu Nhân dân tệ cho nhà máy sản xuất bán dẫn Wuhan Hongxin Semiconductor Manufacturing. Doanh nghiệp này tự tin tuyên bố sẽ đạt doanh số 60 tỷ Nhân dân tệ khi chạy hết công suất, thế nhưng vào năm 2021, dự án này đã phải hủy bỏ mà chưa thể sản xuất được một chiếc chip nào.