Làm giàu từ cây SaChi
Với mức đầu tư từ 100 - 150 triệu đồng/ha trồng cây Sachi, sau hai năm, người dân có thể thu hồi vốn và có lãi.
Sau khi ra trường, dù đã thành lập công ty chuyên về chế tạo máy công nghiệp, với mức thu nhập khá, nhưng anh Đỗ Thành Khoa ở xã Thái Học, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình vẫn ấp ủ ý định làm việc nhằm giúp người nông dân làm giàu tại mảnh đất quê hương.
Năm 2012 anh Khoa bắt đầu đưa cây Sachi- loại thực vật họ dầu thử nghiệm trồng trên đất Hòa Bình và Thái Bình. Đến nay sau 5 năm, cây Sachi đã cho thu hoạch, mang lại giá trị kinh tế cao.
Chia sẻ về lý do lựa chọn cây Sachi, anh Đỗ Thành Khoa cho biết: Với đặc thù công việc, được đi đến nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, nhận thấy bà con nông dân chủ yếu trồng các loại cây nông nghiệp cho thu nhập không cao và rất ít hộ nông dân trồng cây công nghiệp mà áp dụng khoa học công nghệ.
Từ suy nghĩ đó, năm 2012 anh Khoa đưa cây SaChi- loại thực vật thuộc họ thầu dầu, xuất xứ từ Nam Mỹ trồng thử nghiệm trên đất Hòa Bình. Theo anh Khoa đây là cây trồng đa tác dụng, vừa là cây lâm nghiệp, nông nghiệp, cây dược liệu và cây lấy dầu.
Thời gian đầu anh trồng thí điểm 2 nghìn gốc SaChi trên diện tích 1 ha tại vùng đồi núi huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình. Thế nhưng do khí hậu không thuận lợi nên cây chết gần hết. Để khắc phục, anh đã mời chuyên gia của đơn vị cung cấp cây giống từ Thái Lan sang giúp việc chăm sóc, nhân giống để phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của Việt Nam. Sau khi được thuần giống, cây Sachi phát triển tốt, anh Khoa đầu tư 4 tỷ đồng thuê đất mở rộng diện tích trồng lên 10 ha. Sau 6 tháng Sachi đã cho thu hoạch lứa đầu tiên. Với đặc thù là ra hoa kết quả quanh năm nên cứ khoảng 3 đến 5 ngày anh Khoa lại thu hoạch một đợt.
Anh Khoa cho biết, thời gian khai thác từ 20 - 30 năm, sản lượng cao dần và cao nhất từ năm thứ ba trở đi. Hiện nay, 10 ha Sachi tại Hòa Bình của anh Khoa cho thu hoạch từ 10 - 15 tấn/năm, với giá trị gần 1 tỷ đồng mỗi năm.
Trên đà phát triển, năm 2015, anh Khoa tiếp tục trồng thử nghiệm 5 ha Sa-chi tại xã Thái Học, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Anh Khoa cho biết, tiềm năng mở rộng diện tích trồng cây SaChi tại Việt Nam, đặc biệt ở Thái Bình rất lớn, bởi hiệu quả kinh tế cao. Với mức đầu tư từ 100 - 150 triệu đồng/ha, sau hai năm, người dân có thể thu hồi vốn và có lãi, đến năm thứ ba với mức thu ổn định 150 triệu đồng/ha/năm. Anh luôn sẵn sàng cung cấp giống, hướng dẫn cách trồng, chăm sóc cho các hộ gia đình muốn làm giàu từ loại cây này.
Với ý định mở rộng diện tích Sachi, ngoài 10 ha Sachi tại Hòa Bình, 5 ha Sachi tại xã Thái Học, năm 2016 anh đầu tư thuê đất trồng thêm 60 ha Sachi tại tỉnh Đắk Lắk. Ngoài ra, anh còn trồng một số loại cây ăn quả như bơ Pháp, táo Đài Loan…hiện anh đang cung cấp cây giống Sachi cho một số đơn vị tại Gia Lai, Đắk Lắk…Riêng trang trại trồng Sachi tại Thái Bình của anh đã tạo việc làm cho 10 lao động thường xuyên, với mức thu nhập 3,5 triệu/tháng…
Đánh giá về mô hình trồng Sachi, ông Đỗ Thanh Hà - Chủ tịch UBND xã Thái Học cho biết, ý tưởng anh Đỗ Thành Khoa được sự ủng hộ của Đảng bộ xã. Việc trồng xây Sachi tại Thái Bình với hộ anh Đỗ Thành Khoa đã bước đầu mang lại thành công cho anh và tạo việc làm, với mức thu nhập ổn định cho nhiều lao động trong xã.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Đỗ Thành Khoa và gia đình luôn gương mẫu đi đầu trong việc triển khai thực hiện các chương trình hành động do xã phát động, có nhiều đóng góp vào chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Hằng năm anh phối hợp với xã tổ chức cho các hộ nông dân làm kinh tế giỏi của địa phương đi tham quan các mô hình kinh tế có ứng dụng khoa học công nghệ cao để học tập và áp dụng vào thực tế của địa phương, giúp người dân làm giàu bền vững.