Làm du lịch như thế đến ‘vua marketing’ Philip Kotler cũng bó tay

15/04/2016 11:36 AM | Kinh tế vĩ mô

Tour nghèo nàn không phải là do TPHCM không có những điểm đến phong phú, thú vị. Chợ Lớn là một di sản với một “bộ sưu tập chùa, miếu của người Hoa” chưa được khai thác, nói đúng hơn là bỏ phí…

Thái Lan thiệt có phước!

Chính quyền bọc hậu chuyện nước cho lễ té nước và nhắc nhở Bộ Du lịch phải nắm chắc rằng du khách không hiểu lầm về sự nghiêm trọng của hạn hán và hủy tour do sợ thiếu nước, người phát ngôn của chính phủ, ông Sansern Kaewkamnerd nói.

Tổng cục du lịch xứ này kỳ vọng rằng tết Songkran năm nay kéo dài trong khoảng thời gian năm ngày chỉ riêng ngành công nghiệp không khói này “hốt về” cho đất nước 427 triệu USD và thu hút hơn nửa triệu du khách.

Và họ đã thông báo cam kết với du khách nước ngoài rằng tuy hạn nhưng nước không hề thiếu trong lễ hội té nước năm nay. An toàn giao thông được bảo đảm.

Trong khi đó chỉ tiêu năm 2016 số khách inbound được giao cho TPHCM là hơn năm triệu du khách và doanh thu 103.686 tỷ đồng – so với con số 427 triệu USD trong năm ngày của Thái thấm vào đâu!

Nhưng con số chỉ tiêu đưa ra cho TPHCM được những nhà tour trong nước cho rằng khó mà đạt được.

Những căn bệnh làm chùn chân du khách vẫn còn nguyên đó, như những “gói hàng” chưa bóc tem bao giờ: nạn kẹt xe, ăn xin, xin đểu, thủ tục nhập cảnh, nhân viên du lịch dở tiếng Anh, không rành sử, văn hóa địa phương, nhất là tour nghèo nàn.

Tour nghèo nàn không phải là do TPHCM không có những điểm đến phong phú, thú vị. Chợ Lớn là một di sản với một “bộ sưu tập chùa, miếu của người Hoa” chưa được khai thác đến công suất.

Ở đó, du khách sẽ ngỡ ngàng với nhiều nét văn hóa địa phương mà họ sẽ không gặp ở những nơi khác. Những lễ hội địa phương rộn ràng hấp dẫn không thua gì Songkran ở Thái.

Ở đó, là nơi mà những người từng đi Trung Quốc, Hong Kong, và các khu China Town trên thế giới khẳng định không đâu mì và hủ tiếu ngon hơn.

Một trong những người chứng thực điều đó là nhà thơ Trần Tiến Dũng. Ông đã ăn mì New York, mì Melbourne, mì Hong Kong, v.v. nhưng không thấy mì nào có thể qua được mì Chợ Lớn – cái vương quốc mì mà ông đã sống với nó từ thiếu thời.

Rồi đến Gordon Ramsay, người sáng tạo và là giám khảo của Master Chef bên Mỹ. Chính Gordon đã đưa món hủ tiếu mì ông cho là rất ngon, mà ông từng có dịp thưởng thức ở Chợ Lớn, ra làm đề tài thi trong tập 21 của kỳ thi này năm 2013.

Nhưng Chợ Lớn không chỉ có mì!

Còn bao nhiêu món ăn đường phố nổi tiếng ở đây. Như ta biết có những hàng quán sống nhiều đời, cha truyền con nối, không chọn mở rộng quy mô, không trương bảng hiệu, để bảo tồn uy tín của cái ngon – đó là một tập quán đáng trân trọng của người Chợ Lớn.

Thèm biển ư? Cần Giờ, nằm cách trung tâm Sài Gòn hơn một giờ xe. Nhưng ít có tour nào đưa du khách inbound đến Cần Giờ để thưởng thức hải sản tươi ngon và giá rẻ.

Ít có tour nào đưa du khách đi thăm ngành muối thủ công “sạch” ở đấy.

Ít có tour nào đưa du khách ra thăm đảo nhỏ ở Thạnh An qua những tour home stay, qua đêm cùng người dân địa phương. Để sáng hôm sau thưởng thức hải sản tươi rói người dân vừa đánh bắt lên.

Ít nhà tour đưa khách đi thăm một rừng sác qua tour du lịch sinh thái Vàm Sát, xuống sông bắt sò, giở chà bắt cá, chế biến ngoài trời tại chỗ. Chiều nhìn cảnh chim về rừng.

Rừng Cần Giờ – lá phổi của TP – được UNESCO công nhận là hệ sinh quyển thế giới – thưa dấu chân du khách đến phát khóc thét!

Bất hạnh thay, các nhà tour cạnh tranh – do không công bằng, kẻ được ưu đãi người không – thay vì lập ra một collection các quán ăn ngon, giá bình dân, giúp du khách hưởng trọn vẹn cái hương vị Sài Gòn tích tụ từ 300 năm qua, lại dẫn du khách đến những nơi ăn không ngon, giá vừa vừa.

Đó là một cái bệnh mà các nhà tour Việt Nam khó tránh khỏi. Và du khách nhàm chán với các tour nghèo nàn, ăn không ngon, một đi không trở lại.

Với sông nước vùng Củ Chi, người ta cũng bó tay trước lục bình, để có thể mở tour thường xuyên lênh đênh trên con sông này, tận hưởng gió mát giữa những ngày nóng nực. Hân thưởng những món đặc sản địa phương như thịt bò tơ, thịt trâu, bánh tráng – một ngành sản xuất đặc thù của xứ này.

Một địa điểm du lịch bụi dành cho khách quốc tế như Phạm Ngũ Lão – Bùi Viện, khách cũng không được chiều chuộng, như người Thái chiều khách ba lô dùng súng bắn nước trong lễ hội Songkran năm hạn hán.

Khu này tại sao không được “quy hoạch” để trở thành cực kỳ “bụi” cho du khách cảm được hết cái thân thiện của người Việt.

Rốt cùng, cái mà ông vua marketing Philip Kotler có lần đến TPHCM nhận định: “Việt Nam có thể trở thành nhà bếp thế giới”, đã không được vận dụng.

Ẩm thực đa dạng của TP này – nơi quy tụ tinh hoa ẩm thực của cả nước – đã không được đưa vào các sách giáo khoa bộ môn “Tiếp thị địa phương”.

Đã không có phương tiện truyền bá đến khách inbound. Để rồi lượng khách mỗi năm một èo uột như con số 0,9% năm 2015, quả là một điều kinh khủng!

Theo Trần Công Khanh

Cùng chuyên mục
XEM