Làm cách nào để các doanh nghiệp SME của Việt Nam xuất ngoại thành công như Vinamit hay Vifon?

25/09/2019 07:07 AM | Kinh doanh

Với sự am hiểu sâu sắc thị trường bản địa cùng hệ thống phân phối rộng lớn, hợp tác với các tập đoàn nước ngoài - như Central Group, đang là kênh xuất khẩu được nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) tại Việt Nam ưa chuộng.

Trong vài tháng gần đây, những ai viếng thăm công ty hoặc nhà máy điều Hải Bình tại Gia Lai đều cảm nhận được khí thế hừng hực của cán bộ công nhân viên của doanh nghiệp này. Cách đây 2 tháng, lần đầu tiên, sản phẩm của họ đã xuất khẩu được ra nước ngoài – cụ thể là Thái Lan. Đơn hàng xuất khẩu đầu tiên của họ chỉ hơn 1 tấn, nhưng quan trọng không phải là sản lượng, mà họ đã có thể mở rộng thị trường ra nước ngoài và sản phẩm của Hải Bình đã xuất hiện tại chuỗi hệ thống siêu thị Tops của Central Group tại Thái Lan.

Để có thể chinh phục Central Group và Tops, hành trình của Hải Bình không dễ dàng. Trước đó, họ đã phải đạt chuẩn để xuất hiện trên kệ của siêu thị Big C và GO! tại Việt Nam, sau đó tham gia vào chương trình hỗ trợ doanh nghiệp SMEs của Central Group phát động từ tháng 10/2016.

"Phải qua năm thứ ba của chương trình, vào 2018, Hải Bình được chọn tham gia vào sự kiện này tại Thái Lan. Tại đó, Hải Bình đã cung cấp sản phẩm dùng thử cho các lãnh đạo của Central Group và Ban lãnh đạo rất có cảm tình với sản phẩm của chúng tôi. Đó là một cơ duyên, nhưng bản thân hạt điều Hải Bình cũng cho thấy mình có một hương vị và cá tính sản phẩm khá khác biệt, thì mới thuyết phục được các vị lãnh đạo cấp cao đó.

Tiếp theo, chúng tôi làm việc với Central Group Thái Lan thông qua chuỗi hệ thống siêu thị Tops của họ. Mất khoảng 8 tháng nữa để chúng tôi chỉnh sửa lại các điều kiện cũng như đàm phán về vấn đề giá cả. Tới tháng 8/2019, thì lô hàng xuất khẩu đầu tiên của chúng tôi mới lên đường đến Thái", ông Nguyễn Huỳnh Phú Lâm, Tổng Giám đốc Công ty CP Hạt điều Hải Bình chia sẻ.

Còn sở dĩ Hải Bình có thể chen chân vào thị trường Thái Lan – nơi có ngành điều phát triển, là bởi tính ‘mộc’ của sản phẩm từ doanh nghiệp này.

Hợp tác với các tập đoàn bán lẻ nước ngoài – một kênh xuất khẩu tối ưu đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam - Ảnh 1.

Vị "mộc" của hạt điều Hải Bình phù hợp với xu hướng tiêu dùng Thái Lan.

Theo truyền thống của Thái Lan, các sản phẩm ăn uống và mẫu mã đều khác biệt so với Việt Nam, họ cho nhiều gia vị hơn, cầu kì hơn trong khâu đóng gói bao bì. Tuy nhiên, theo nghiên cứu, xu hướng chung của thế giới nói riêng và Đông Nam Á (trong đó có Thai Lan và Việt Nam), đều đang chuyển hướng đến dòng sản phẩm tự nhiên - hữu cơ, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng. Về cơ bản, sản phẩm hạt điều của Hải Bình đạt được những tiêu chuẩn đó, cả về chất lượng lẫn mẫu mã sản phẩm.

Nhìn vào lịch sử phát triển của Hải Bình, không ngạc nhiên của vị Tổng Giám đốc của họ lại vui mừng như thế khi tiếp cận được thị trường Thái.

Hải Bình xuất phát là 1 công ty gia đình, được thành lập vào năm 2014. Ban đầu, họ chạy song song 2 mảng là bán lẻ và xuất khẩu thô. Một vài năm tiếp theo, doanh nghiệp gia đình này mới bắt đầu quan tâm tới các sản phẩm chế biến sâu, nhưng vẫn chưa được hình thành công ty. Chỉ cách đây 2 năm, công ty Hải Bình mới ra đời cùng định hướng tập trung vào hạt điều chế biến sâu như là rang và đóng gói. Năm 2018, công ty mới tiến lên cổ phần hóa và hợp tác với các nguồn lực bên ngoài.

Tháng 9 năm ngoái, Hải Bình đã khánh thành nhà máy hạt điều rang củi tại Gia Lai với công suất thiết kế ban đầu khoảng 720 tấn nhân/năm bằng phương pháp rang truyền thống để tạo nên hương vị thơm ngon cho sản phẩm, vừa để đáp ứng tiêu chuẩn của đối tác. Đây là nhà máy hạt điều rang củi đầu tiên và lớn nhất Tây Nguyên.

"Trong tương lai ngắn sắp tới, chúng tôi sẽ cố gắng thúc đẩy hơn nữa lượng tiêu thụ sản phẩm của mình đã vào trong chuỗi siêu thị Tops, cũng như nghiên cứu thêm thị hiếu khách hàng để hiểu rõ hơn khách hàng của mình. Tôi cho rằng đây là điều quan trọng nhất nếu các doanh nghiệp muốn xuất khẩu thành công. Vì tại mỗi thị trường, khẩu vị và thị hiếu của khách hàng không giống nhau. Có thể sản phẩm đã rất thành công tại Việt Nam nhưng lại chưa chắc thành công ở Thái Lan hay các nước khác vì khẩu vị khách hàng khác nhau.

Thứ hai, tập đoàn Central Group có rất nhiều phân khúc siêu thị, cho nên Hải Bình cũng mong muốn sẽ mở ra được thêm một vài phân khúc nữa chứ không chỉ nằm trong chuỗi siêu thị Tops nằm ở phân khúc cao cấp. Ngoài ra, chúng tôi cũng muốn nghiên cứu để đặt ra trung tâm phân phối, cung cấp các sản phẩm đến các kênh phân phối truyền thống và hiện đại tại thị trường Thái Lan", ông Nguyễn Huỳnh Phú Lâm tiết lộ.

Hợp tác với các tập đoàn bán lẻ nước ngoài – một kênh xuất khẩu tối ưu đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam - Ảnh 2.

Sản phẩm của nhiều SMEs Việt tại một hệ thống siêu thị của Central Group ở Thái.

Trong chương trình "Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan", ngoài các anh lớn như Vinamit hay Vifon, Central Group còn giới thiệu nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa giống như Hải Bình cho người tiêu dùng Thái, ví dụ: Hạt điều Bà Tư, nước mắm Thanh Quốc, muối Tinh Nguyên, cà phê Dakmark…

Theo kinh nghiệm của Vifon hay Hải Bình – những người đã thành công trong việc thâm nhập thị trường Thái, thì các SMEs Việt Nam phải kiên nhẫn nếu muốn xuất khẩu theo kênh này, bởi không phải tham dự sự kiện một lần sẽ thành công, mà có thể phải sau nhiều lần mới chinh phục được người Thái.

Ở khía cạnh khác, giống như Central Group, hợp tác với AEON là một kênh tốt cho các SMEs nếu muốn vào thị trường Nhật.

Đại diện tập đoàn AEON cho biết, trong năm 2018, xuất khẩu hàng Việt Nam qua hệ thống AEON đạt gần 250 triệu USD. Mục tiêu là kim ngạch xuất khẩu hàng Việt Nam thông qua hệ thống AEON đạt 500 triệu USD vào năm 2020 và 1 tỷ USD vào năm 2025.

Tháng 6 vừa qua, Tập đoàn AEON vừa phối hợp với Công ty TNHH AEON Việt Nam và Công ty TNHH AEON TOPVALU Việt Nam tổ chức hội nghị nhà cung cấp vào ngày 12/6 tại Hà Nội. Trước đó vài ngày, AEON cũng đã phối hợp với Bộ Công thương tổ chức sự kiện "Tuần hàng Việt Nam tại Nhật Bản".

Hợp tác với các tập đoàn bán lẻ nước ngoài – một kênh xuất khẩu tối ưu đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam - Ảnh 3.

Một gian hàng Việt trong siêu thị AEON tại Nhật ở "Tuần hàng Việt Nam tại Nhật".

Sự kiện được tổ chức ở 40 siêu thị của AEON tại Tokyo và các tỉnh lân cận, với rất nhiều sản phẩm đặc trưng của Việt Nam như: thanh long, xoài, các sản phẩm gia dụng, chăm sóc sức khỏe...

Đại diện AEON nhấn mạnh: điều quan trọng, các doanh nghiệp – nhất là SMEs, phải luôn tuân thủ quy trình để đảm bảo chất lượng hàng hóa ổn định trong suốt quá trình sản xuất, cung ứng những sản phẩm thực sự chất lượng, đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. 3 ngành hàng chính mà đại diện AEON gợi ý cho các SMEs Việt nếu muốn bán tốt ở thị trường Nhật là thực phẩm, thời trang và điện máy gia dụng.

Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM