Lãi suất cho vay đang ở mức thấp kỷ lục
Theo báo cáo của Chứng khoán Vietcombank (VCBS), lãi suất cho vay của các ngân hàng niêm yết đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua, giảm khoàng 2,7% so với mức đỉnh trong quý I/2023.
Mới đây, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) phát hành báo cáo về ngành ngân hàng năm 2025.
Trong báo cáo, nhóm phân tích của VCBS đánh giá, cuối quý III/2024, lãi suất cho vay trung bình ghi nhận trên báo cáo tài chính các ngân hàng niêm yết giảm khoảng 2,7% từ mức đỉnh quý I/2023.
"Đây là mức lãi suất thấp nhất trong nhiều năm qua", chuyên gia phân tích nhận định.
Trong năm 2024, Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên lãi suất điều hành, trong khi lãi suất cho vay bình quân giảm tiếp 0,96% so với cuối năm ngoái. Việc lãi suất huy động đã điều chỉnh tăng trở lại từ quý II/2024 sẽ có độ trễ 3 – 6 tháng để phản ánh vào lãi suất cho vay.
“Mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường kỳ vọng sẽ đi ngang trong quý IV/2024 và tăng thêm 0,5 – 0,7% trong năm 2025 trong bối cảnh kinh tế hồi phục và nhu cầu tín dụng mạnh mẽ hơn”, báo cáo của VCBS viết.
Với từng nhóm ngân hàng, chuyên gia nhận định, nhóm ngân hàng thương mại tư nhân ghi nhận mức lãi suất cho vay trên báo cáo tài chính giảm mạnh hơn nhóm ngân hàng quốc doanh, giảm 2,4% so với cuối 2023. Đặc biệt, nhóm ngân hàng quy mô nhỏ càng có áp lực hạ lãi suất đầu ra để thu hút khách hàng, cùng với việc các khoản thoái lãi có xu hướng gia tăng.
Dự kiến lãi suất cho vay của nhóm ngân hàng này giảm chậm lại trong quý IV/2024 và có sự cải thiện từ 2025 khi khách hàng quay lại trả nợ, trong khi nhóm ngân hàng quốc doanh và nhóm ngân hàng tư nhân lớn có thể cải thiện sớm hơn nhờ chất lượng tài sản tốt.
Trong năm 2025, theo VCBS, lãi suất cho vay trung bình tiếp tục duy trì ở mức thấp đến giữa năm. Cụ thể, mặt bằng lãi suất cho vay đi ngang và duy trì ở mức thấp cho giai đoạn cuối 2024 – năm 2025 theo định hướng hỗ trợ nền kinh tế bởi lãi suất huy động tăng nhẹ tạo áp lực nhất định lên lãi suất cho vay.
Tuy nhiên, room tín dụng rồi dào trong thời gian qua làm tăng cạnh tranh tăng trưởng tín dụng giữa các ngân hàng và giúp duy trì mặt bằng lãi suất cho vay ở mức thấp.
Còn trong ngắn hạn, mặt bằng lãi suất cho vay có thể có sự phân hóa. Lãi suất cho vay đối với nhóm ngành thuộc lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, xuất khẩu, …..theo các chương trình ưu đãi về lãi suất, dẫn đến lãi suất có thể tiếp tục giảm nhẹ.
Trong khi đó, lãi suất ở nhóm ngành có mức độ hồi phục nhanh hơn và rủi ro hơn như bất động và xây dựng sẽ điều chỉnh tăng theo đà tăng của lãi suất huu động.