Lãi lớn, ngân hàng có nên chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp?

04/11/2016 19:50 PM | Kinh doanh

Thống kê cho thấy chênh lệch giữa lãi suất cho vay và huy động hiện vẫn ở mức khá cao, phần lớn các ngân hàng đạt NIM trên dưới 3%, ngay cả các ngân hàng thương mại Nhà nước cho vay ưu đãi nhiều NIM tối thiểu cũng đạt hơn 2%.

Theo các báo cáo tài chính quý 3 vừa được công bố, ngoài ngân hàng Kienlongbank là đơn vị duy nhất lỗ quý 3, Sacombank sụt giảm lợi nhuận do phải trích lập dự phòng rủi ro và giải quyết các vấn đề tồn đọng sau khi nhận sáp nhập Phương Nam, thì các ngân hàng đều có lợi nhuận ấn tượng.

Dẫn đầu hệ thống hiện nay là VietinBank với gần 6.500 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế sau 9 tháng, tiếp đến là Vietcombank với 6.326 tỷ đồng, BIDV đạt 5.757 tỷ đồng.

Trong nhóm cổ phần tư nhân, VPBank hiện dẫn đầu với hơn 3.100 tỷ, tiếp đến là Techcombank 2.864 tỷ và MB đạt 2.788 tỷ đồng. 3 ngân hàng này cũng tách biệt hẳn với nhóm các ngân hàng phía sau với lợi nhuận của họ đơn vị tính là trăm tỷ. Nhóm nghìn tỷ lợi nhuận 9 tháng có thêm ACB đạt 1.243 tỷ đồng.

Ngoại trừ VPBank chưa công bố báo cáo 9 tháng nên không rõ nguồn lợi nhuận của ngân hàng này đến từ đâu. Nhưng căn cứ theo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm thì có hơn một nửa lợi nhuận là “ăn nhờ” công ty tài chính FE Credit. Còn các ngân hàng khác, thu nhập từ lãi vẫn là yếu tố quyết định đến toàn bộ kết quả kinh doanh. Chẳng hạn, qua 9 tháng đầu năm, Vietinbank thu nhập lãi thuần hơn 17.200 tỷ, tăng 18,4% so với cùng kỳ, BIDV đạt hơn 16.700 tỷ; Vietcombank đạt hơn 13.640 tỷ; ACB gần 5.000 tỷ, Techcombank đạt 6.227 tỷ đồng; Ngân hàng MB báo gần 5.700 tỷ; TPBank đạt hơn 1.427 tỷ...

Một lãnh đạo ở ngân hàng có dư nợ tín dụng hơn 400 nghìn tỷ đồng chia sẻ rằng, trong bối cảnh lợi nhuận tăng mạnh, các ngân hàng nên chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và nền kinh tế bằng cách hạ bớt lãi vay. “Thậm chí khi chấp nhận hạ lãi vay, ngân hàng còn có thêm nhiều khách hàng hơn và từ đó có thêm thu nhập từ lãi, ngân hàng chẳng những không thiệt thòi mà còn tăng thêm lợi nhuận”, vị này nói.

Thời gian qua, một loạt các ngân hàng cũng đã tính đến việc giảm bớt lãi vay để thúc đẩy tín dụng, trong đó nhóm cổ phần có HDBank, VIB, Lienvietpostbank và gần nhất là PvcomBank hay trong nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước, Vietcombank và BIDV cũng đã tiên phong hạ hẳn 1% lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên.

Cũng theo vị giám đốc trên, nhiều ngân hàng lấy lý do rằng mặt bằng lãi suất tiết kiệm tăng nên họ khó có thể giảm lãi suất cho vay thì đó chỉ là cái cớ. Bởi lẽ thống kê cho thấy chênh lệch giữa lãi suất cho vay và huy động vẫn khá cao, phần lớn các ngân hàng đạt NIM trên dưới 3%, ngay cả các ngân hàng thương mại Nhà nước cho vay ưu đãi nhiều, NIM tối thiểu cũng đạt hơn 2%.

“Tôi cho rằng, các ngân hàng ăn chênh lệch lãi suất khoảng 2% là được rồi, và với tình hình lợi nhuận lạc quan như vậy, ngân hàng nên sớm tiến hành giảm lãi suất trên diện rộng để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn dễ dàng hơn, qua đó tiếp sức cho nền kinh tế vốn đang tăng trưởng chững lại”, ông nói.

Còn theo một chuyên gia tài chính ngân hàng, hiện cũng đang tham gia quản trị, điều hành ở một ngân hàng cổ phần, các ngân hàng không hoàn toàn họ muốn neo lãi suất cho vay ở mức cao, mà nhiều khi hoàn cảnh buộc họ phải giữ ở mức đó. Nếu đem ngân hàng nhỏ với ngân hàng lớn để so đo về lãi suất cho vay thì ngân hàng cổ phần sẽ chẳng bao giờ sánh nổi với ngân hàng thương mại Nhà nước vì nhóm có cổ phần Nhà nước chi phối có lợi thế hơn nhiều. Chẳng hạn chi phí huy động tiền gửi của nhóm này đã rẻ hơn các ngân hàng khác vì thương hiệu cũng như mạng lưới của họ mọc khắp các nơi. Chi phí rẻ thì họ không có lý do gì để không giảm lãi suất cho vay.

Các ngân hàng cổ phần trong khi đó vừa phải lo cạnh tranh nguồn tiền gửi lại thêm nhiều chi phí khác đắt đỏ hơn trong cuộc cạnh tranh về dịch vụ, vậy nên nếu đưa lãi suất cho vay xuống thấp, ngang các ngân hàng lớn chẳng hạn, thì chẳng có lãi, thậm chí là lỗ nắm chắc. Ngân hàng cũng là doanh nghiệp, làm ăn phải có lãi, họ còn phải có trách nhiệm với cổ đông, với nhân viên của họ và tiền thuế nộp cho Nhà nước.

Nhưng vị này cũng lưu ý rằng, nói vậy không có nghĩa là các ngân hàng cứ khư khư neo lãi suất cao, mà vẫn phải cố gắng để tiết giảm chi phí tối đa nhằm hạ bớt lãi suất cho vay. Điều này, ngoài bản thân các ngân hàng còn phải nhờ vào chính sách điều hành của Chính phủ và cơ quan quản lý.

Theo Tùng Lâm

Cùng chuyên mục
XEM