Lại có 1 dự án Nga-ESA nguy cơ đổ bể ngay trong năm 2022: "Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa"!

12/03/2022 22:09 PM | Sống

Hết bị trì hoãn bởi đại dịch Covid-19, dự án này lại bị ảnh hưởng bởi căng thẳng Nga-Ukraine.

Sau những căng thẳng chính trị giữa Nga và Ukraine, rất nhiều dự án khám phá không gian giữa Nga và các đối tác gặp trục trặc. Đầu tiên là những cảnh báo liên quan đến việc Nga 'rút tay' khỏi Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) 500 tấn, đến việc Nga đơn phương hủy hợp tác với Mỹ và phương Tây.

Gần đây nhất, Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) cho biết, rất khó có khả năng tàu thám hiểm hành tinh đầu tiên của châu Âu được ra mắt vào năm 2022 như dự kiến, trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga - Ukraine và kết quả là các lệnh trừng phạt áp đặt lên quốc gia (Nga) này.

EXOMARS ROVER ĐỔ BỂ?

ExoMars Rover, kết quả từ sự hợp tác giữa ESA và Cơ quan vũ trụ Liên bang Nga Roscosmos , đã sẵn sàng để lên đường tới sao Hỏa vào tháng 9/2022 nhưng ESA cho biết điều này khó xảy ra. Cơ quan này cho biết thêm, một quyết định chính thức sẽ được đưa ra sau khi phân tích tất cả các lựa chọn.

"Chúng tôi đang thực hiện đầy đủ các biện pháp trừng phạt do các Quốc gia Thành viên của chúng tôi (ESA) áp đặt lên Nga", ESA cho biết trong tuyên bố. "Chúng tôi đang đánh giá hậu quả đối với từng chương trình đang diễn ra với sự hợp tác của Cơ quan vũ trụ Liên bang Nga Roscosmos và điều chỉnh các quyết định của chúng tôi với quyết định của các Quốc gia Thành viên trong sự phối hợp chặt chẽ với các đối tác công nghiệp và quốc tế (đặc biệt là với NASA về Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS ))".

Tàu thám hiểm châu Âu ExoMars Rover là một phần của sứ mệnh năm 2022 của chương trình ExoMars. ExoMars Rover theo kế hoạch cũng sẽ đưa một tàu đổ bộ của Nga (là ExoMars Kazachok) lên sao Hỏa trong năm 2022, website của ESA thông tin.

ExoMars Rover ban đầu được lên kế hoạch ra mắt vào tháng 7 năm 2020 nhưng đã bị trì hoãn bởi đại dịch Covid-19. Nay, nó lại bị trì hoãn do các vấn đề xảy ra giữa Nga-Ukraine.

Lại có 1 dự án Nga-ESA nguy cơ đổ bể ngay trong năm 2022: Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa! - Ảnh 1.

Việc phóng tàu thám hiểm ExoMars, sự hợp tác giữa ESA và cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos, có thể sẽ bị trì hoãn. Ảnh: Airbus

Theo dữ liệu của ESA, ExoMars Rover là sứ mệnh đầu tiên kết hợp khả năng di chuyển trên bề mặt và nghiên cứu sao Hỏa ở độ sâu lớn hơn. Mục tiêu chính là hạ cánh máy bay xuống một địa điểm có tiềm năng cao để tìm kiếm vật chất hữu cơ được bảo quản tốt, đặc biệt là có từ buổi bình minh lịch sử của hành tinh Đỏ.

Riêng rover của ExoMars (tên là Rosalind Franklin) thực hiện các nhiệm vụ chính là di chuyển bề mặt, khoan dưới bề mặt và thu thập, xử lý và phân phối mẫu tự động đến các thiết bị.

Nó sẽ thu thập các mẫu sao Hỏa bằng một mũi khoan xuống độ sâu 2 mét và phân tích chúng bằng các thiết bị thế hệ tiếp theo trong một phòng thí nghiệm ngay trên tàu.

Lại có 1 dự án Nga-ESA nguy cơ đổ bể ngay trong năm 2022: Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa! - Ảnh 2.

Nguyên mẫu ExoMars Rover. Credit: Thales Alenia Space Italy

ESA cũng đã hủy một phiên hỏi đáp trực tiếp với Matthias Maurer, một phi hành gia người Đức của ESA hiện đang ở trên Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS. Ngoài Matthias Maurer, hiện có 4 phi hành gia NASA và 2 phi hành gia người Nga đang sinh sống và làm việc trên ISS, CNN cho biết.

NASA cho biết hôm thứ Hai ngày 7/3/2022 rằng, không có dấu hiệu nào cho thấy Nga rút hỗ trợ khỏi Trạm Vũ trụ Quốc tế do các lệnh trừng phạt của Mỹ, mặc dù khả năng đó đã được Tổng giám đốc Roscosmos - ông Dmitry Rogozin cảnh báo vào tuần trước đó.

“Chúng tôi không nhận được bất kỳ dấu hiệu nào ở góc độ công việc cho thấy các đối tác Nga của chúng tôi không cam kết thực hiện các hoạt động liên tục trên trạm ISS. Các nhóm phi hành gia NASA (Mỹ) và Roscosmos (Nga) trên trạm ISS vẫn đang làm việc, đào tạo và trò chuyện cùng nhau” CNBC (Mỹ) dẫn lời của bà Kathy Lueders, Phó Quản trị viên của Ban Giám đốc Sứ mệnh Hoạt động và Khám phá Con người của NASA, phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 28/2/2022.

Trả lời câu hỏi về kế hoạch dự phòng của NASA cho trạm vũ trụ ISS nếu Nga 'rút tay', bà Kathy Lueders nói rằng công ty hàng không và quốc phòng Northrup Grumman (Mỹ) và SpaceX đã sẵn sàng để hỗ trợ NASA.

Tuy nhiên, bà Kathy Lueders cũng phải thừa nhận: "Tôi nhấn mạnh rằng tất cả những kế hoạch như vậy chỉ là một biện pháp dự phòng. Sẽ rất khó để chúng tôi tự vận hành trạm ISS".

VAI TRÒ MỸ-NGA TRÊN TRẠM ISS

Tổng giám đốc Roscosmos - ông Dmitry Rogozin trước đó đã nói rằng các lệnh trừng phạt của Mỹ lên Nga có khả năng "phá hủy sự hợp tác của chúng ta" trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).

ISS là sự hợp tác giữa Mỹ và Nga, với tư cách là đối tác sáng lập, cùng với Canada, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) và Nhật Bản.

Lại có 1 dự án Nga-ESA nguy cơ đổ bể ngay trong năm 2022: Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa! - Ảnh 3.

Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).


ISS được chia thành hai phần chính: Phân đoạn quỹ đạo của Nga và phân đoạn quỹ đạo của Mỹ, và chúng phụ thuộc vào nhau để tồn tại trong hoạt động.

Mỹ và Nga giữ cho phòng thí nghiệm nghiên cứu liên tục có các phi hành gia và nhà du hành vũ trụ, với vai trò của mỗi quốc gia phụ thuộc lẫn nhau - từ các hệ thống hỗ trợ sự sống đến các động cơ đẩy giúp ISS hoạt động trong quỹ đạo.

Scott Pace, Giám đốc Viện Chính sách Không gian tại Đại học George Washington, Mỹ cho biết: "Họ (Nga) không thể hoạt động nếu không có chúng tôi, chúng tôi (Mỹ) không thể hoạt động mà không có họ vì vậy đó thực sự là một quan hệ đối tác quốc tế cần thiết".

Cựu phi hành gia NASA Garrett Reisman nói với CNN rằng: "Phân đoạn quỹ đạo của Nga không thể hoạt động nếu không có điện từ phía Mỹ và phía Mỹ không thể hoạt động nếu không có hệ thống đẩy của phía Nga".

Nguồn: CNN, ESA

Theo Trang Ly

Cùng chuyên mục
XEM