Kỳ lạ “làng đại gia” ở Trung Quốc: 100% là công nhân, thu nhập gần 100 triệu đồng/năm, nhưng ai cũng ở biệt thự, lái xe sang, nhận cổ tức "mỏi tay"
Theo Sohu, sau hơn 10 năm miệt mài xẻ núi làm đường, nổ đá mở mỏ, đắp đập, chạy điện, đổi ruộng lấy vườn, xây dựng nhà máy, làng Nghiêu Trị Hà cuối cùng đã thoát khỏi đói nghèo và lập nên kỳ tích về làm giàu.
Ngôi làng giàu có này tên là Nghiêu Trị Hà, nằm ở thị trấn Mã Kiều, huyện Bảo Khang, thành phố Tương Dương, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Cùng với khu cấm địa bí ẩn Thần Nông Giá, làng Nghiêu Trị Hà là một trong những nơi nổi tiếng nhất nhì tỉnh Hồ Bắc. Theo đó, Nghiêu Trị Hà từ một vùng miền núi hẻo lánh bỗng vượt khó trở thành một trong những ngôi làng giàu có nổi tiếng ở đất nước tỷ dân.
Làng Nghiêu Trị Hà có diện tích không lớn, chỉ vỏn vẹn 33,4 km2 với 649 người. Theo Sohu, tuy chỉ là ngôi làng nhỏ với số dân ít ỏi thế nhưng những hộ dân trong thôn đều có thu nhập bình quân đầu người vượt quá 25.000 NDT (tương đương 100 triệu đồng) mỗi năm.
Làng Nghiêu Trị Hà. Ảnh: Sohu
Khi đi vào địa phận làng, du khách sẽ choáng ngợp trước những dãy nhà gỗ khang trang và vững chãi. Thực chất, những ngôi nhà này được xây dựng bằng tiền của làng, chỉ cần là người dân trong thôn, họ có thể sử dụng những ngôi nhà này miễn phí. Bên cạnh đó, người dân ở đây ai cũng được tặng xe ô tô riêng và nhận cổ tức mỗi năm.
Trước khi được biết đến với cuộc sống giàu sang như hiện tại, làng Nghiêu Trị Hà vốn là một làng miền núi nghèo khó nổi tiếng trong vùng. Trước năm 1988, người dân trong làng cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Ước tính, thu nhập bình quân đầu người ở vùng này chưa đến 300 NDT (gần 1 triệu đồng). Ngoài ra, vì ở miền núi xa xôi và hẻo lánh, cuộc sống của người dân làng Nghiêu Trị Hà lúc bấy giờ vẫn rất khó khăn khi chưa có điện và giao thông bất tiện.
Trước tình hình khó khăn như vậy, các cán bộ đã cùng dân làng đã cùng nhau hợp sức để thoát nghèo và làm giàu. Họ cùng gây quỹ để mua các công cụ để xây dựng các tuyến đường giao thông. Sau nhiều năm làm việc chăm chỉ, ngôi làng cuối cùng cũng có con đường mới nối liền các khu vực xung quanh để tiện bề trao đổi hàng hóa, thúc đẩy sự phát triển giữa các khu vực với nhau.
Bên cạnh đó, người dân đã tận dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên trong làng và thành lập nhiều nhà máy, xí nghiệp khai thác và chế biến đá phốt phát. Dần dần, làng Nghiêu Trị Hà liên tiếp xây dựng nhà máy thủy điện và các cơ sở vật chất khác để đáp ứng nhu cầu sống của người dân. Nhờ biết phát triển thế mạnh của mình, bộ mặt của ngôi làng này nhanh chóng thay đổi và đạt đến sự thịnh vượng như hiện nay.
Từ năm 1998, làng Nghiêu Trị Hà đã là một trong 500 ngôi làng hàng đầu của tỉnh Hồ Bắc, cũng trở thành làng văn minh cấp quốc gia. Hiện nay, ngôi làng này đã phát triển thành một làng “công nghiệp” với 22 doanh nghiệp.
Theo Sohu, 100% người dân ở làng Nghiêu Trị Hà đều từ nông dân trở thành công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp ở địa phương. Họ cũng hiện thực hóa ước mơ được sống trong biệt thự, lái xe sang dù ở miền núi xa xôi. Cũng từ đó, ngôi làng này trở nên vô cùng nổi tiếng ở đất nước tỷ dân với tên gọi “ngôi làng số 1 ở Hồ Bắc”.
Trên thực tế, ở Trung Quốc còn có rất nhiều ngôi làng giàu có, thậm chí là thịnh vượng hơn làng Nghiêu Trị Hà. Một trong số đó nổi danh nhất là làng Hoa Tây thuộc tỉnh Giang Tô.
Ngôi làng này từ lâu đã được được mệnh danh là ngôi làng giàu có bậc nhất Trung Quốc, gắn liền với những câu chuyện về sự thịnh vượng và lối sống xa hoa. Đặt chân đến nơi đây, du khách sẽ phải ngỡ ngàng khi thấy những dãy biệt thự liền kề cùng chiếc siêu xe đỗ la liệt trên vỉa hè, lòng đường. Quang cảnh nơi đây toát lên sự giàu có và trù phú.
Cũng như làng Nghiêu Trị Hà, vào thập niên 50, làng Hoa Tây chủ yếu làm nông nghiệp với chỉ 600 cư dân và diện tích gần 1km2. Đến thập niên 80, nhờ biết tận dụng cơ hội khi Trung Quốc bắt đầu cải cách và mở cửa, lãnh đạo làng cho thành lập 12 doanh nghiệp trong làng, từ thép đến dệt may. Những cải tổ này nhanh chóng khiến Hoa Tây phát triển vượt bậc.
Làng Hoa Tây. Ảnh: Sohu
Tính đến năm 2016, Huaxi Group - công ty của làng này - sở hữu hơn 100 công ty con, đạt doanh thu hàng chục tỷ NDT mỗi năm. Tập đoàn này trả cổ tức cho dân làng bằng tiền mặt và phần lợi nhuận thì được tái đầu tư vào kinh doanh. Tuy nhiên, sau năm 2008, ngành thép của Hoa Tây đi xuống. Đến 2013, Tập đoàn Hoa Tây chìm trong khối nợ 40 tỷ NDT.
Trên thực tế, câu chuyện về những ngôi làng thoát nghèo và trở nên giàu có ở Trung Quốc không ít. Tuy nhiên, việc giữ vững sự thịnh vượng trong nhiều thập kỷ khiến làng Nghiêu Trị Hà càng trở nên nổi tiếng và thu hút sự tò mò của đông đảo du khách thập phương hơn cả.
(Theo Sohu)