Kuwait lên hạng mới nổi, nhiều quỹ cận biên đã tăng mạnh tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam

14/12/2020 19:30 PM | Kinh tế vĩ mô

Ngay từ tháng 11, nhiều quỹ chuyên đầu tư vào khu vực cận biên đã tăng tỷ trọng thị trường Việt Nam, dù khi đó Việt Nam chưa chính thức được MSCI tăng tỷ trọng trong rổ cận biên.

Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến dòng vốn rút mạnh khỏi thị trường chứng khoán toàn cầu trong phần lớn thời gian năm 2020 và thị trường Việt Nam cũng không ngoại lệ. Từ đầu năm tới nay, khối ngoại đã bán ròng hơn 12.000 tỷ đồng trên HoSE, trong đó bán ròng hơn 35.000 tỷ đồng thông qua khớp lệnh và mua ròng thông qua thỏa thuận khoảng 23.000 tỷ đồng.

Áp lực bán của khối ngoại qua kênh khớp lệnh diễn ra khá mạnh từ tháng 2 đến nửa đầu tháng 11. Tuy vậy, từ giữa tháng 11 tới nay, áp lực bán này đang có phần chững lại và thậm chí khối ngoại đã trở lại mua ròng gần 800 tỷ đồng trong 2 tuần đầu tháng 12.

Kuwait lên hạng mới nổi, nhiều quỹ cận biên đã tăng mạnh tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam  - Ảnh 1.

Áp lực bán ròng của khối ngoại đang "hạ nhiệt" trong thời gian gần đây

Sự trở lại của dòng vốn ngoại thời gian gần đây có vai trò không nhỏ từ các quỹ ETFs, tiêu biểu là VFMVN Diamond khi hút ròng khoảng 1.000 tỷ đồng chỉ trong vòng 1 tháng qua. Bên cạnh yếu tố ETF, không thể không nhắc tới các quỹ chuyên đầu tư vào khu vực cận biên (Frontier Markets) đang gia tăng tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam.

Từ ngày 1/12, MSCI đã đưa Kuwait lên thị trường mới nổi, qua đó đưa Việt Nam trở thành thị trường chiếm tỷ trọng lớn nhất trong rổ MSCI Frontier Markets Index với tỷ trọng khoảng 28%, tăng mạnh so với mức 18% trước đó.

Tuy nhiên, ngay từ tháng 11, nhiều quỹ chuyên đầu tư vào khu vực cận biên đã tăng tỷ trọng thị trường Việt Nam, dù khi đó Việt Nam chưa chính thức được MSCI tăng tỷ trọng trong rổ cận biên.

Cụ thể, Schroder ISF Frontier Markets Fund, một trong những quỹ có quy mô lớn nhất chuyên đầu tư vào khu vực cận biên (quy mô 410 triệu USD) đã tăng tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam lên 23,2% vào cuối tháng 11 (khoảng 95 triệu USD), tăng đáng kể so với mức 19,6% (khoảng 76,3 triệu USD) trong tháng trước đó.

Kuwait lên hạng mới nổi, nhiều quỹ cận biên đã tăng mạnh tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam  - Ảnh 2.

Schroder ISF Frontier Markets Fund tăng mạnh tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam trong tháng 11 lên 23,2%, vượt xa benchmark 18,7%

Trong khi đó, thị trường Kuwait đã giảm mạnh tỷ trọng trong danh mục Schroder ISF Frontier Markets Fund từ mức 32,4% trong tháng 10 xuống còn 10,9% trong tháng 11. Thời gian tới, Schroder ISF Frontier Markets Fund nhiều khả năng sẽ tiếp tục giảm hết tỷ trọng cổ phiếu Kuwait và gia tăng tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam.

Hiện trong top 10 khoản đầu tư lớn nhất của Schroder ISF Frontier Markets Fund có tới 5 cổ phiếu Việt Nam góp mặt, bao gồm VHM (tỷ trọng 4,8%), VNM (4,1%), VIC (4%), HPG (3,9%) và VRE (3,6%).

Kuwait lên hạng mới nổi, nhiều quỹ cận biên đã tăng mạnh tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam  - Ảnh 3.

Top 10 cổ phiếu lớn nhất danh mục Schroder ISF Frontier Markets Fund

Tương tự, Coeli Frontier Markets Fund với quy mô 110 triệu USD cũng tăng tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam trong danh mục lên 25,6% vào cuối tháng 11. Trước đó trong tháng 10, tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam trong danh mục quỹ chỉ là 23%. Trong top 5 cổ phiếu lớn nhất danh mục Coeli Frontier Markets Fund hiện có 2 cái tên Việt Nam, bao gồm MWG (11,4%) và PNJ (5,6%).

Kuwait lên hạng mới nổi, nhiều quỹ cận biên đã tăng mạnh tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam  - Ảnh 4.

Coeli Frontier Markets Fund tăng tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam trong danh mục lên 25,6% trong tháng 11

Một quỹ khác chuyên đầu tư vào khu vực cận biên là T.Rowe Price Frontier Markets Fund với quy mô 100 triệu USD cũng tăng mạnh tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam lên 32% vào tháng 11. Top 10 khoản đầu tư của quỹ có sự góp mặt của nhiều cổ phiếu Việt Nam như MWG, MBB, FPT.

Có thể thấy, khá nhiều quỹ trong khu vực cận biên đã chủ động tăng tỷ trọng thị trường Việt Nam trong thời gian gần đây, qua đó giúp giảm áp lực bán ròng của khối ngoại. Điều này cũng đồng nghĩa động lực được các quỹ cận biên tiếp tục nâng tỷ trọng trong thời gian tới sẽ không còn nhiều dư địa.

Tuy vậy, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, dòng vốn được kỳ vọng sẽ sớm trở lại khu vực cận biên trong bối cảnh chính sách tiền tệ của Mỹ tiếp tục nới lỏng và khu vực cận biên đang có định giá tương đối hấp dẫn so với các thị trường phát triển. Nếu điều này diễn ra, Việt Nam sẽ là quốc gia hưởng lợi nhất do đang chiếm tỷ trọng lớn nhất trong rổ thị trường cận biên.

Theo Minh Anh

Cùng chuyên mục
XEM