Kinh tế Việt Nam năm 2022: Những gam màu sáng - tối

27/12/2022 11:00 AM | Xã hội

Năm 2022 thấy rõ thành tựu kim ngạch xuất - nhập khẩu đạt kỷ lục, chính sách tăng lương cải thiện đời sống người dân. Tuy nhiên, những “khoảng tối” trong bức tranh kinh tế phản ánh sự đóng băng của thị trường bất động sản, đổ vỡ trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán lao dốc.

KIM NGẠCH XUẤT NHẬP KHẨU VƯỢT 700 TỶ USD

Từ giữa tháng 12/2022, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam chính thức cán mốc 700 tỷ USD và ước cả năm đạt 730 tỷ USD. Đây là mức cao kỷ lục từ trước đến nay trong hoạt động thương mại của Việt Nam, thể hiện sự nỗ lực không ngừng của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian qua, cũng như khẳng định vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu. Đặc biệt, lần đầu tiên xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ đạt trên 100 tỷ USD (chiếm gần 30% kim ngạch xuất khẩu cả nước).

Kinh tế Việt Nam năm 2022: Những gam màu sáng - tối - Ảnh 1.

Kim ngạch xuất nhập khẩu vượt 700 tỷ USD, trong đó nhiều sản phẩm nông sản tăng trưởng ngoạn mục (ảnh minh hoạ).

Ngoài ra, các nhóm hàng cũng có sự tăng trưởng ấn tượng, trong đó phải kể đến các nhóm hàng như điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; hay máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng…Trong đó, có đến 35 ngành hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD và 8 ngành hàng vượt 10 tỷ USD. Năm 2022, được xem là một năm thắng lớn của ngành nông nghiệp khi kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt trên 53 tỷ USD, vượt xa mục tiêu Chính phủ giao.

Theo xếp hạng của Tổ chức Thương mại thế giới, Việt Nam liên tục nằm trong nhóm 30 nước, vùng lãnh thổ có trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa lớn nhất trên thế giới. Còn trong khu vực ASEAN, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam vươn lên vị trí thứ 2, sau Singapore.

TĂNG LƯƠNG

Năm 2022, trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia, Chính phủ đã ban hành Nghị định 38/2022 về tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2022 sau 2 năm chưa tăng do ảnh hưởng dịch COVID-19. Mức lương mới tăng bình quân thêm 6% so với năm 2020, và lần đầu có lương tối thiểu giờ cho từng vùng. Sau khi tăng, lương tối thiểu Vùng I lên 4,68 triệu đồng/tháng, tính theo giờ tối thiểu 22,5 nghìn đồng/giờ; Vùng II lên 4,16 triệu đồng/tháng và 20 nghìn đồng/giờ; Vùng III lên 3,64 triệu đồng/tháng và 17,5 nghìn đồng/giờ; Vùng IV lên 3,25 triệu đồng/tháng và 15,6 nghìn đồng/giờ.

Từ ngày 1/1/2022 lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội cũng được điều chỉnh tăng thêm 7,4% theo Nghị định 108/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Bên cạnh mức tăng chung, những người nhận lương hưu từ 2,3-2,5 triệu đồng/tháng sẽ được tăng thêm để đạt 2,5 triệu đồng/tháng; người lương hưu dưới 2,3 triệu đồng/tháng sẽ được tăng thêm 200 nghìn đồng/tháng.

Kinh tế Việt Nam năm 2022: Những gam màu sáng - tối - Ảnh 2.

Lương cơ sở tăng từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng/tháng từ ngày 1/7/2023

Tháng 11/2022, Quốc hội cũng thông qua Nghị quyết 69/2022/QH15, trong đó có quyết định tăng lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng/tháng từ ngày 1/7/2023 (tăng hơn 20,8% so với mức lương cơ sở hiện hành).

MỞ CỬA BẦU TRỜI, "PHÁ BĂNG" HÀNG KHÔNG QUỐC TẾ

Từ ngày 15/3/2022, Việt Nam chính thức khôi phục thị trường hàng không quốc tế, dỡ bỏ hoàn toàn mọi rào cản kiểm soát dịch bệnh, mở cửa như giai đoạn chưa có COVID-19. Trong năm, thị trường hàng không nội địa tăng trưởng vượt xa mục tiêu, vượt cả giai đoạn trước dịch (năm 2019); tuy nhiên khách bay quốc tế chưa đạt kỳ vọng nhưng cũng có sự phục hồi tốt.

Số liệu của Cục Hàng không cho thấy, năm 2022, thị trường khách hàng không Việt Nam đạt 55 triệu lượt, tăng 3,7 lần so năm 2021 và bằng 69,6% so năm 2019. Trong đó, khách nội địa đạt hơn 43,2 triệu lượt tăng 3,5 lần so năm 2021 và tăng 15,6% so năm 2019; khách quốc tế đạt 11 triệu lượt tăng 22 lần so năm 2021 và bằng 27% so năm 2019. Tới nay, Việt Nam đã khôi phục hầu hết đường bay chở khách quốc tế thường lệ tới các quốc gia, kể cả thị trường Trung Quốc, và mở thêm thị trường mới (như Ấn Độ)…

Kinh tế Việt Nam năm 2022: Những gam màu sáng - tối - Ảnh 3.

Từ ngày 15/3/2022, Việt Nam chính thức khôi phục thị trường hàng không quốc tế, dỡ bỏ hoàn toàn mọi rào cản kiểm soát dịch bệnh, mở cửa như giai đoạn chưa có COVID-19.

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2022, Việt Nam đã đón và phục vụ hơn 100 triệu lượt khách du lịch, tăng gấp 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, có 3,5 triệu lượt khách quốc tế (mục tiêu đặt ra là 5 triệu lượt khách); 101,3 triệu lượt khách nội địa, tăng trên 19% so với năm 2019 - thời điểm trước khi đại dịch bùng phát. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt gần 500.000 tỷ đồng.

"ĐỔ VỠ" TRÁI PHIẾU, BẤT ĐỘNG SẢN "ĐÓNG BĂNG"

Năm 2022 lộ nhiều điểm tối của việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp nở rộ nhiều năm trước đó khi hàng loạt doanh nghiệp huy động hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu nhưng sử dụng vốn trái phiếu sai mục đích như Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát. Nhìn lại các doanh nghiệp phát hành mới bộc lộ nhiều vấn đề khác như toàn bộ trái phiếu phát hành không có bảo lãnh, không tài sản đảm bảo, không xếp hạng tín nhiệm... Thậm chí, càng những ngày cuối năm, các doanh nghiệp không đủ khả năng trả lãi như cam kết với nhà đầu tư. Trong khi đó, khối lượng trái phiếu đáo hạn lên tới 144.500 tỷ đồng (trong đó khối lượng trái phiếu bất động sản chiếm 43,2%). Bộ Tài chính cũng đã ban hành Nghị định 65 sửa đổi để siết thị trường trái phiếu.

2022 là năm đầy biến động của ngành bất động sản, thị trường “lên bổng xuống trầm” khi đầu năm sôi động nhưng đến giữa và cuối năm lại đìu hiu, khó khăn. Thị trường bất động sản cuối năm ngấm đòn khi cạn “room” tín dụng, nguồn vốn từ phát hành trái phiếu bị tắc. Trong khi đó, giá bất động sản lại tăng bất thường.

Giá bất động sản năm 2022 tăng 30% so với năm 2021 và 50% so với 2019, có phân khúc tăng đến 100%. Bên cạnh đó, nguồn cung bất động sản hạn chế gây mất cân đối cung cầu làm đẩy giá bất động sản mua bán đến cho thuê đều tăng. Tỷ lệ hấp thụ giảm, ít sản phẩm phù hợp với nhu cầu ở thực và giá cao. Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn phải tinh giảm bộ máy, nhân viên nghỉ việc 50%, các sàn giao dịch bất động sản đóng cửa nghỉ Tết sớm.

"SÓNG GIÓ" CHỨNG KHOÁN, NHIỀU ĐẠI GIA VƯỚNG LAO LÝ

Chứng khoán Việt Nam trải qua năm 2022 đầy sóng gió, VN-Index từng vượt mốc 1.500 điểm, nhưng tới nay đã giảm khoảng 30% so với cuối năm 2021, có lúc chạm đáy 874 điểm. Thanh khoản cũng giảm mạnh, chứng khoán trong nước nhiều lần là thị trường có chỉ số đại diện đội sổ trên bảng xếp hạng toàn cầu. Nhiều cổ phiếu chia 2-3 lần thị giá từ đỉnh. Yếu tố tâm lý chi phối thị trường, với các thông tin tiêu cực về thao túng thị trường chứng khoán (xảy ra ở nhóm FLC, Louis), hiệu ứng domino từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên, thị trường vẫn ghi nhận điểm sáng, duy trì sức hút với nhà đầu tư trong, ngoài nước.

Kinh tế Việt Nam năm 2022: Những gam màu sáng - tối - Ảnh 4.

Lũy kế 11 tháng năm 2022, cá nhân trong nước mở mới gần 2,5 triệu tài khoản chứng khoán, vượt xa con số của cả 4 năm gần nhất cộng lại. Vốn ngoại ồ ạt quay lại thị trường trong 2 tháng cuối năm. Niềm tin của nhà đầu tư được củng cố, với những sửa đổi về công bố dữ liệu tự doanh, yêu cầu giải trình cổ phiếu trần/sàn 5 phiên liên tiếp, đổi cách tính giá thanh toán ngày đáo hạn phái sinh, giao dịch T+2, lô lẻ, nâng tỷ lệ ký quỹ phái sinh.

Năm 2022 các vụ việc rúng động liên quan tới loạt doanh nhân nổi tiếng dính lao lý về tội lừa đảo, thao túng thị trường chứng khoán, gồm: Ông Trịnh Văn Quyết - cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC; ông Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh; bà Trương Mỹ Lan - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát; Đỗ Thành Nhân - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Louis Holdings…

LÃI SUẤT NGÂN HÀNG BIẾN ĐỘNG MẠNH

Năm 2022, lĩnh vực ngân hàng chứng kiến sự biến động của lãi suất. Mức lãi suất huy động và cho vay đã lên mức cao nhất trong gần 1 thập kỷ. Lãi suất huy động diễn ra cuộc đua ngầm của các ngân hàng, thậm chí có ngân hàng lãi suất huy động lên tới 12,5%. Trước thực tế này, Ngân hàng Nhà nước đã “tuýt còi” và ngân hàng đồng thuận giảm lãi suất huy động ở mức cao nhất 9,5% cho kỳ hạn 6 tháng. Tuy nhiên, thị trường không dễ để đi theo mệnh lệnh hành chính hoàn toàn.

Kinh tế Việt Nam năm 2022: Những gam màu sáng - tối - Ảnh 5.

Năm 2022 đánh dấu cuộc chạy đua lãi suất của các ngân hàng (đồ họa: Kiều Tú).

Dù đã thống nhất tăng trưởng tín dụng (room) năm 2022 ở mức 14% nhưng theo chỉ đạo của Thủ tướng nhằm cấp vốn cho nền kinh tế, tháng cuối năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã nới room tín dụng thêm từ 1,5-2%. Giải pháp tình thế này được xem là sự hỗ trợ vốn kịp thời cho doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất kinh doanh những ngày cuối năm.

GIÁ VÀNG ẢM ĐẠM, USD "NHẢY MÚA

Năm 2022, thị trường vàng gần như “lặng sóng”. Giá vàng trong nước không còn những cú nhảy vọt trên 70 triệu đồng/lượng mà chỉ xoay quanh mức 66-68 triệu đồng/lượng. Giá vàng trong nước luôn cao hơn giá vàng thế giới, có thời điểm khoảng cách này lên tới 20 triệu đồng/lượng. Cùng với đó, chênh lệch giá vàng mua vào - bán ra luôn neo giữ khoảng 1 triệu đồng/lượng. Các yếu tố trên đã góp phần khiến nhà đầu tư ít mặn mà với vàng trong năm 2022.

Trái ngược với vàng, thị trường tiền tệ, tỷ giá USD “nhảy múa”. Dưới tác động của việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất, Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần điều chỉnh lãi suất. Năm 2022, tỷ giá USD đã tăng khoảng 9%. Trên thị trường tự do, giá USD có thời điểm vượt 25.000 đồng/USD. Để hỗ trợ ngân hàng thương mại trong thanh khoản USD, Ngân hàng Nhà nước đã bán ra khoảng 21 tỷ USD.

ĐỨT GÃY NGUỒN CUNG XĂNG DẦU

Năm 2022, thị trường xăng dầu Việt Nam đối mặt với những biến động dị biệt khi hàng loạt cây xăng đóng cửa dừng bán, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối xăng dầu bị rút giấy phép sau khi bị phát hiện có nhiều vi phạm.

Tình trạng lộn xộn trong cấp phép, kinh doanh xăng dầu lần đầu tiên bộc lộ những yếu điểm gây tác động lớn đến đời sống người dân và hoạt động của doanh nghiệp trên toàn quốc khi tình trạng đứt gãy nguồn cung kéo dài trong nhiều tháng liên tiếp ở các tỉnh, thành phố. Những vi phạm về cung ứng, dự trữ xăng dầu cũng như những vấn đề bất cập liên quan đến chi phí, chiết khấu cho doanh nghiệp xăng dầu cũng phát lộ.

Kinh tế Việt Nam năm 2022: Những gam màu sáng - tối - Ảnh 6.

Năm 2022, thị trường xăng dầu Việt Nam đối mặt với những biến động dị biệt khi hàng loạt cây xăng đóng cửa dừng bán (ảnh: Phạm Nguyễn).

Căng thẳng nguồn cung kéo dài khiến Chính phủ phải lên tiếng yêu cầu Bộ Công Thương và Bộ Tài chính tập trung “vá” các lỗ hổng về kinh doanh xăng dầu thông qua sửa Nghị định 95 đồng thời thực hiện hàng loạt các biện pháp đảm bảo nguồn cung.

ĐỘT PHÁ HẠ TẦNG GIAO THÔNG

Năm 2022, hàng loạt công trình giao thông trọng điểm quốc gia được thông qua đầu tư và thúc tiến độ hoàn thành. Cuối năm 2022, đầu 2023, hàng loạt gói thầu thi công 12 đoạn của Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021- 2025 (giai đoạn 2) sẽ được khởi công, với mục tiêu hoàn thành vào năm 2025. Dự án có tổng vốn đầu tư gần 147.000 tỷ đồng, từ ngân sách nhà nước. Bên cạnh, ngành giao thông phấn đấu hoàn thành 4/10 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 (giai đoạn 1) trong năm nay, tới nay đoạn Cam Lộ - La Sơn chuẩn bị được thông xe, các đoạn còn lại cơ bản hoàn thành tuyến chính để đạt mục tiêu khánh thành trong quý I/2023.

Kinh tế Việt Nam năm 2022: Những gam màu sáng - tối - Ảnh 7.

Năm 2022, hàng loạt công trình giao thông trọng điểm quốc gia được thông qua đầu tư và thúc tiến độ hoàn thành (ảnh minh hoạ).

Bộ GTVT cũng chịu trách nhiệm giám sát tiến độ triển khai xây dựng Cảng hàng không Quốc tế Long Thành (Đồng Nai), Dự án nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất; Bộ GTVT cũng được giao hỗ trợ 14 địa phương được phân cấp làm chủ đầu tư 7 dự án đường cao tốc đầu tư công từ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (Vành đai 4 Hà Nội, Vành đai 3 TPHCM, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Cao Lãnh - An Hữu, Tuyên Quang - Hà Giang, Hòa Bình - Mộc Châu, Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng).

Theo Ban Kinh Tế xã hội

Cùng chuyên mục
XEM