Kinh tế tư nhân - con ngựa yếu trong cỗ xe tam mã
Chuyên gia cho rằng khu vực kinh tế tư nhân là một trong ba động lực phát triển kinh tế nhưng thời gian qua vẫn chưa thực sự được coi trọng.
Tại phiên thảo luận về khai thác các thị trường, cải cách doanh nghiệp nhà nước và tạo điều kiện cho khu vực tư nhân, trong khuôn khổ Hội nghị quản trị kinh tế hướng tới một nhà nước kiến tạo chiều 13/6, bà Phạm Chi Lan, nguyên Phó Chủ tịch Phòng Công nghiệp và thương mại Việt Nam cho rằng, những hạn chế về môi trường kinh doanh theo WB công bố hằng năm cho thấy quá trình cải thiện của Việt Nam vẫn còn rất “nhọc nhằn”.
Kinh tế tư nhân chưa thực sự là động lực quan trọng
Theo bà Lan, quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam thực hiện hết sức khó khăn, ngay cả ở những lĩnh vực tưởng như đơn giản như quá trình từ đăng kí doanh nghiệp đến khởi sự kinh doanh. “Đây là một chặng đường rất dài vì có quá nhiều cơ quan khác nhau, liên quan và có quyền trong việc cấp phép cho hay không cho doanh nghiệp làm việc này hay việc khác, chính vì thế quá trình cải cách ở Việt Nam cứ bị thụt lùi so với các nước khác”, bà Lan chỉ rõ.
Bà Lan đặc biệt nhấn mạnh đến 3 yếu tố sẽ làm động lực cho phát triển doanh nghiệp thời gian tới. Thứ nhất, phải cải cách DNNN thực sự và đảm bảo kỷ luật thị trường “lời ăn – lỗ chịu”. Cho đến nay con số DNNN được cổ phần hóa thì nhiều nhưng tổng số tài sản của nhà nước sau cổ phần hóa mới chỉ chiếm 8%, số tài sản còn lại vẫn nằm trong số khu vực DNNN chưa cổ phần hóa.
Thứ hai là phải đổi mới hệ thống thuế ưu đãi đối với khu vực doanh nghiệp FDI. Hiện khu vực này đang được quá nhiều ưu đãi đến mức bất bình đẳng đối với doanh nghiệp trong nước.
Thứ ba là cần phải cải cách thể chế, đặc biệt là về thực thi luật pháp, chính sách, thủ tục hành chính, giảm chi phí… đây là điều các doanh nghiệp vẫn kêu ca nhiều nhất.
Bà Lan cũng lưu ý đến việc nhà nước cần tập trung nhiều hơn vào tăng cường năng lực của khu vực kinh tế tư nhân trong nước. Bởi lâu nay, động lực phát triển kinh tế Việt Nam vẫn dựa vào “cỗ xe tam mã” bao gồm kinh tế tư nhân, đầu tư nước ngoài và xuất khẩu. Tuy nhiên, đầu tư nước ngoài và xuất khẩu vẫn luôn là hai động lực chính, còn khu vực kinh tế tư nhân - được coi là con ngựa thứ ba nhưng chưa thực sự được coi như một động lực quan trọng.
Do đó, Nhà nước cần phải tăng cường phát triển khu vực kinh tế tư nhân bằng các chính sách minh bạch, nhất quán, đồng bộ và phải được thực thi nghiêm ở mọi cấp của nhà nước, vì đầu tư nước ngoài hay xuất khẩu không phải là cứu cánh cho nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn phát triển hiện nay.
Nền công vụ hướng đến người dân và doanh nghiệp
Chia sẻ những kinh nghiệm về cải cách luật pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tại hội nghị này, ông Mariusz Haladyj, Thứ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế Ba Lan cho biết, để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, nhà nước Ba Lan tập trung chống lại các thủ tục quan liêu.
Theo ông Mariusz Haladyj, việc hỗ trợ doanh nghiệp được cụ thể hóa bằng cách đơn giản hóa các thủ tục hành chính theo chu kỳ. Ba Lan đã tiến hành rà soát lại các lĩnh vực chuyên môn, từ đó xác định rõ rào cản để đưa ra kiến nghị, đề xuất sửa đổi Luật trong đó tập trung làm giảm các thủ tục hành chính, đặc biệt và tuyệt đối không để vấn đề thủ tục ràng buộc đến với các doanh nghiệp nhỏ.
Đối với thủ tục thành lập doanh nghiệp ở Ba Lan, ông Mariusz Haladyj cho biết, trước đây doanh nghiệp muốn làm thủ tục thành lập cần qua nhiều cơ quan khác nhau. Nhưng hiện nay, doanh nghiệp chỉ cần thông qua cơ sở đăng kí tập trung dành cho các doanh nghiệp cả nước bằng hình thức đăng kí trực tuyến không mất phí.
“Chính phủ Ba Lan đưa ra bộ quy tắc làm giảm còn ít nhất thời gian tiếp xúc giữa nền công vụ và người dân. Nền công vụ vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, vừa góp phần đưa ra giải pháp để doanh nghiệp có cơ hội sửa lỗi, ông Mariusz Haladyj cho hay.
Đáng chú ý là cơ quan công vụ hoàn toàn có thể cho phép bất kỳ doanh nghiệp nào tạm ngừng hoạt động không giới hạn thời gian, đồng thời cơ quan này cũng cho phép khôi phục hoạt động của bất cứ lúc doanh nghiệp ở mọi thời điểm và mọi thời gian hoạt động.
Riêng trong việc giải quyết tranh chấp giữa các doanh nghiệp, ông Mariusz Haladyj khẳng định, Ba Lan giải quyết vấn đề này bằng cách tạo ra các tòa án điện tử. Tòa án này giải quyết các tranh chấp nhỏ có giá trị thấp dưới 6.000 USD ngay từ khi doanh nghiệp có kiến nghị đầu tiên. Tuy nhiên, cơ quan quản lý vẫn luôn chú trọng phương pháp hòa giải vì điều này làm giảm gánh nặng cho tòa án.
Trong lĩnh vực thanh toán thuế trực tuyến, Ba La sử dụng công cụ áp dụng rộng rãi cho cả doanh nghiệp và người dân. Đối với những doanh nghiệp nhỏ, công cụ này sẽ yêu cầu các thủ tục đơn giản nhưng đối với các giao dịch có dấu hiệu nghi ngờ, công cụ thanh quyết toán thuế sẽ sử dụng tính năng kiểm soát ở cấp độ cao.
Liên quan đến vấn đề phá sản hay tái cơ cấu doanh nghiệp, Ba Lan áp dụng cơ chế cho phép doanh nghiệp vừa có cơ hội phá sản nhưng lại vừa có điều kiện khôi phục. Đồng thời, Ba Lan đưa ra cơ chế tái hoạt động cho doanh nghiệp, tránh những kỳ thị hóa trong thủ tục giải quyết thủ tục phá sản.
Thứ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế Ba Lan cho rằng, thể chế chính trị là vô cùng quan trọng, nên cần có cơ cấu để Chính phủ hoạt động hiệu quả và đơn giản hóa thủ tục. Trong đó, quyết tâm bền bỉ là yếu tố chính, sự hợp tác giữa kinh tế nhà nước với kinh tế tư nhân phải được phối hợp hiệu quả.
“Chính phủ cần thiết lập nhóm công tác gồm các chuyên gia để đưa ra các khuyến nghị pháp lý và phi pháp lý, từ đó có nhận thức chính xác về các cơ chế chính sách, tránh đưa ra luật pháp điều tiết quá nhiều. Trong đó, các yếu tố quan ngại cần phải được tính đến và đánh giá theo những quy định đã ban hành, bởi vì đôi khi, việc tiếp nhận phản hồi của chính sách vẫn không được như mong muốn”, ông Mariusz Haladyj khuyến nghị.