Kinh tế trưởng HSBC bày tỏ "ngưỡng mộ" với con số dự báo 6,3% tăng trưởng GDP Việt Nam 2024: Thuộc top đầu thế giới, bỏ xa cả Trung Quốc lẫn Indonesia
6,3% không phải là mức tăng trưởng GDP cao so với những thành tựu của Việt Nam trong quá khứ. Tuy nhiên, Kinh tế trưởng khối Nghiên cứu Kinh tế châu Á của Ngân hàng HSBC nhận định mức tăng trưởng này là “rất đáng ngưỡng mộ”. Vì sao vậy?
Ông Frederic Neumann - Kinh tế trưởng khối Nghiên cứu Kinh tế châu Á Ngân hàng HSBC - vừa có buổi chia sẻ những nghiên cứu của mình về triển vọng kinh tế châu Á và Việt Nam năm 2023 và những năm tiếp theo.
Những thông tin về Việt Nam chiếm 200 slides trên tổng số 400 slides ông Frederic chuẩn bị. Ông gọi đây là nền kinh tế nổi trội trong khu vực, thuộc top các quốc gia hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhiều nhất trong khu vực, với chi phí tiền lương cạnh tranh cùng thị trường tiêu dùng hấp dẫn.
Ngôi sao sáng về hút vốn đầu tư, chi phí nhân công rẻ
“Năm ngoái, vốn đầu tư FDI vào ASEAN tăng kỷ lục, lên gần 230 tỷ USD. Số vốn này đổ vào đâu? Đổ vào Singapore, Malaysia và Việt Nam, một ít vào Indonesia và Thái Lan, và rất ít vào Philippines”, ông Frederic cho biết.
Trong bối cảnh chi phí tiền lương ở Trung Quốc tăng mạnh, tại Malaysia, Thái Lan, Philippines - những quốc gia chi phí tiền lương từng cao hơn Trung Quốc hồi năm 2009, nay chi phí này cũng trở nên rất cạnh tranh. “Đối thủ tiền lương” của Trung Quốc hiện là Malaysia, với chi phí tiền lương chỉ bằng 70% so với Trung Quốc.
Trong khối 6 nước ASEAN, Việt Nam là nước có chi phí tiền lương thấp nhất.
“Chi phí tiền lương ở 6 nước này không chỉ ảnh hưởng tới quyết định đầu tư của các công ty Mỹ, Nhật hay châu Âu, mà còn ảnh hưởng tới cả các công ty Trung Quốc khi so sánh với việc đầu tư ở quốc gia sở tại. Có rất nhiều dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc sang các quốc gia khác do chi phí tiền lương cạnh tranh”.
“Các công ty Trung Quốc đầu tư vào các quốc gia bên ngoài, như Việt Nam chẳng hạn, sẽ lắp ráp ở đây rồi xuất khẩu sang Hoa Kỳ, thúc đẩy gia tăng đầu tư sản xuất của Trung Quốc ở ASEAN. Việt Nam có thể có lợi thế này”, Kinh tế trưởng khối Nghiên cứu Kinh tế châu Á Ngân hàng HSBC cho biết.
Một lợi thế nữa của nền kinh tế Việt Nam là tầng lớp trung lưu tăng trưởng mạnh mẽ. Khi nói đến đầu tư nước ngoài, thì câu chuyện không chỉ ở việc tăng đầu tư vào sản xuất mà còn nhìn vào thị trường tiêu dùng, hướng tới những người trưởng thành có tài sản cao. Việt Nam hiện đang đi đầu về mức tăng số hộ gia đình có tài sản trên 250.000 USD, theo số liệu từ HSBC.
Những thách thức ngắn hạn và dự báo tăng trưởng ở mức “đáng ngưỡng mộ”
Ông Frederic cho biết Việt Nam sẽ đối diện với những thách thức trong ngắn hạn như FED tăng lãi suất, đồng USD mạnh, xuất khẩu giảm. Trong tương lai, tăng trưởng kinh tế ở Hoa Kỳ - một nước xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam - chậm lại, xuất khẩu sang Châu Âu cũng không có khả năng tăng mạnh.
Tuy nhiên, mức xuất khẩu sang Trung Quốc đang tăng, mặc dù sản phẩm xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu là nông sản.
Một trong những động lực cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là ngành du lịch, hiện đã hồi phục được khoảng 80% so với cột mốc trước đại dịch Covid – năm 2019. Du lịch Việt Nam đã có rất nhiều cải thiện, đặc biệt với chính sách nới lỏng visa. Phía HSBC cho rằng Việt Nam có thể kỳ vọng đạt được sự phục hồi 100% trong những tháng cuối năm với sự trở lại của khách Trung Quốc.
HSBC dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2023 ở mức 5%, một mức mà ông Frederic gọi là “thấp”, nhưng “thể hiện sức chống chịu tuyệt vời” trong bối cảnh GDP toàn cầu dự báo ở mức 2,5%, và một quốc gia từng tăng trưởng phi mã như Trung Quốc (chỉ tính Trung Quốc đại lục) chỉ dự báo tăng trưởng ở mức 4,9%, thấp hơn cả Việt Nam.
Năm 2024, ước tính Việt Nam tăng trưởng 6,3%. “Tốt hơn rất nhiều mức tăng trưởng của các quốc gia khác trên thế giới. 6,3% là con số rất đáng ngưỡng mộ, và đây mới chỉ là sự khởi đầu” , ông Frederic nói.
HSBC dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 ở mức 2,3%, tăng trưởng GDP của Trung Quốc dự báo ở mức 4,6%, tăng trưởng của Mỹ ở mức 1,4%, Indonesia tăng trưởng 5%...