“Kinh tế toàn cầu sẽ suy thoái nếu chiến tranh thương mại leo thang thêm”
Giới đầu tư bị cho là đang xem nhẹ ảnh hưởng tiềm tàng của chiến tranh thương mại đối với kinh tế toàn cầu...
Giới đầu tư đang có phần xem nhẹ nguy cơ mà cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đặt ra đối với nền kinh tế toàn cầu, ngân hàng Mỹ Morgan Stanley nhận định ngày 2/6. Theo báo cáo này, nếu có thêm bước leo thang mới, chiến tranh thương mại có thể đẩy kinh tế thế giới rơi vào một cuộc suy thoái sau chưa đầy một năm.
"Các nhà đầu tư nhìn chung đang cho rằng chiến tranh thương mại có thể kéo dài hơn, nhưng dường như họ xem nhẹ ảnh hưởng tiềm tàng của cuộc chiến này với triển vọng kinh tế vĩ mô toàn cầu", hãng tin Reuters dẫn lời chuyên gia kinh tế trưởng của Morgan Stanley, ông Chetan Ahya.
Tháng 5 vừa qua, Tổng thống Donald Trump đã nâng thuế quan bổ sung từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, đồng thời dọa sẽ áp thuế 25% lên thêm khoảng 300 tỷ USD hàng Trung Quốc nữa.
Theo vị chuyên gia, ở thời điểm này, hệ quả của chiến tranh thương mại "là điều rất khó đoán định", nhưng cảnh báo rằng nếu Mỹ thực hiện lời đe dọa áp thuế quan 25% lên 300 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc thì "kinh tế toàn cầu sẽ rơi vào một cuộc suy thoái sau 3 quý".
Morgan Stanley nhấn mạnh rằng giới đầu tư chưa đánh giá đầy đủ về ảnh hưởng của việc các công ty cắt giảm đầu tư cơ bản, một vấn đề gây suy giảm nhu cầu toàn cầu.
Nếu kinh tế Mỹ nói riêng và toàn cầu nói chung suy giảm mạnh vào đầu năm 2020, thì khả năng tái đắc cử Tổng thống Mỹ của ông Trump có thể giảm theo. Trong chiến dịch tranh cử năm 2016, ông Trump đã vận động sự ủng hộ của cử tri bằng lời hứa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giảm lạm phát, đồng thời luôn đề cao khả năng thương thảo của một vị doanh nhân.
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tiếp theo sẽ diễn ra vào tháng 11/2020, và ông Trump hiện đang tự tin sẽ giành thêm một nhiệm kỳ nữa ở Nhà Trắng.
Chuyên gia Ahya cho rằng các nhà hoạch định chính sách nhiều khả năng sẽ tung ra biện pháp để hạn chế ảnh hưởng của chiến tranh thương mại, nhưng các chính sách luôn có độ trễ về hiệu ứng đối với hoạt động kinh tế thực, nên "một đợt suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu dường như là điều tất yếu".
Đàm phán thương mại Mỹ-Trung đã rơi vào bế tắc, khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới những ngày gần đây liên tục đưa ra những phát biểu cứng rắn và dọa có thêm những đòn "ăn miếng trả miếng".
Ngày 2/6, Chính phủ Trung Quốc đã công bố một sách trắng về chiến tranh thương mại, trong đó cáo buộc Mỹ là đối tác đàm phán không đáng tin cậy. Sách trắng cũng cảnh báo về những ảnh hưởng toàn cầu của xung đột này.
Trước đó, vào hôm thứ Bảy, hãng thông tấn Trung Quốc Tân Hoa Xã cho biết cơ quan chức năng nước này đang tiến hành điều tra hãng vận chuyển và giao nhận khổng lồ Mỹ FedEx. Động thái này diễn ra không lâu sau khi chính quyền ông Trump cấm hãng thiết bị viễn thông Trung Quốc Huawei mua linh kiện và công nghệ Mỹ.
Thị trường chứng khoán toàn cầu, trong đó có Mỹ, đã giảm mạnh trong tháng 5 do nỗi lo chiến tranh thương mại dâng cao. Chỉ số S&P 500 của chứng khoán Mỹ đã giảm 6% trong tháng 5, trong khi chỉ số Dow Jones có tuần giảm thứ 6 liên tiếp, đánh dấu chuỗi giảm dài nhất 8 năm.
Mối lo về xung đột thương mại càng lớn hơn khi ông Trump trong tuần trước dọa áp thuế quan bổ sung 5% lên toàn bộ hàng hóa Mexico nếu nước này không có biện pháp ngăn dòng người di cư từ Trung Mỹ vượt biên trái phép vào Mỹ. Theo dự kiến, việc áp thuế này sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 10/6.
Tình hình chiến tranh thương mại sắp tới sẽ phụ thuộc nhiều vào kết quả cuộc gặp giữa ông Trump với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản vào cuối tháng 6.