Trịnh Châu - thành phố trung tâm đang nguội dần vì kinh tế Trung Quốc giảm tốc
Trong thập kỷ qua, thành phố Trịnh Châu đã trở thành biểu tượng của giấc mơ Trung Quốc. Được thúc đẩy bởi các khoản đầu tư, gồm những gói trợ cấp lớn từ chính phủ Trung Quốc, thủ phủ của tỉnh Hà Nam từng chuyển mình ngoạn mục.
Từng là thành phố nghèo với 10 triệu dân nằm giữa sông Hoàng Hà và Dương Tử, Trịnh Châu giờ đây tự hào với đường chân trời lấp lánh quanh khu trung tâm và một loạt đường cao tốc. Hệ thống đường sắt được nâng cấp, một phần của dự án Vành đai và Con đường, giúp thành phố trở thành nút giao vận tải, đưa các chuyến hàng từ Trung Quốc sang châu Âu.
Nhà cung cấp của Apple, Foxconn đã xây dựng nhà máy iPhone lớn nhất thế giới ở Trịnh Châu.
Với nhiều người ở Hà Nam, một tỉnh gồm 100 triệu dân, Trịnh Châu đã trở thành biểu tượng của thành công và cơ hội tại trung tâm lục địa Trung Quốc – một thỏi nam châm thu hút người nông dân khỏi trang trại lợn và đồng lúa mỳ để tìm kiếm cuộc sống tốt đẹp hơn.
Thu nhập cá nhân ở Trịnh Châu trong thập kỷ qua nhìn chung đã tăng gấp đôi, đạt 33.105 CNY (4.791 USD) vào năm ngoái. Điều này giúp nhiều người lần đầu trải nghiệm lối sống của tầng lớp trung lưu, sở hữu các mặt hàng tiêu dùng, hàng hóa và căn hộ sang trọng riêng.
Các nhà sản xuất xe máy như GM, Honda và Nissan, cùng các thương hiệu thời trang như Chirstian Dior và Cartier, tin chắc rằng mức tăng thu thập tại các thành phố như Trịnh Châu sẽ mở ra những thị trường mới đầy tiềm năng cho họ.
Nhưng đợt kinh tế giảm tốc từ cuối năm 2018 có vẻ đã khiến thành phố lộ ra nhiều bất ổn. Với đà giảm tốc trên các lĩnh vực từ bất động sản đến tiêu dùng và công nghệ, vài người dân ở đây đã cảm nhận được cơ hội nâng cao địa vị xã hội phai nhạt dần khi chi phí sinh hoạt vượt xa tăng trưởng thu nhập. Cơ hội giờ đây cững không còn nhiều.
Phóng viên Reuters đã tới Trịnh Châu hồi cuối năm 2018, đầu 2019 để phỏng vấn hàng loạt chủ doanh nghiệp, người tiêu dùng và người dân đang hy vọng mua nhà. Nhiều người bày tỏ nỗi lo lắng, liệu họ còn có thể tin vào hay đạt được giấc mơ thịnh vượng mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã hứa.
Dưới đây là 3 câu chuyện của người dân, cho thấy Trung Quốc sẽ phải vất vả thế nào để xây dựng một nền móng mới cho kinh tế tương lai của các tỉnh nội địa như Hà Nam, và là bài kiểm tra thực tế đối với những nhà bán lẻ toàn cầu tìm kiếm thị trường tiềm năng.
Một góc thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, năm 2016. Ảnh: Reuters.
Doanh nhân
Đã từ rất lâu, Gong Tao không mong muốn gì hơn ngoài việc được trở thành một doanh nhân giống cha.
Nhờ việc buôn bán bút thư pháp kiểu Trung Quốc, cha anh đã nuôi sống cả nhà, đồng thời dạy cho Gong biết giá trị của làm việc chăm chỉ.
Vừa mới ra trường, Gong đã mở công ty tại Trịnh Châu năm 2014, chuyên khắc ảnh kỹ thuật số lên kim loại cho khách hàng muốn kỷ niệm những dịp đặc biệt.
2 năm sau, ở tuổi 24, anh gia nhập vào nền kinh tế trực tuyến đang bùng nổ, xây dựng một công ty khởi nghiệp giúp khách hàng thiết kế chương trình cho WeChat, một nền tảng truyền thông xã hội phổ biến ở Trung Quốc.
Công việc kinh doanh diễn ra thuận lợi, được hỗ trợ bởi nền công nghệ phát triển và chính sách hỗ trợ của chính phủ dành cho doanh nhân, Gong mở rộng nhanh chóng, chuyển sang cải tạo văn phòng và bán nội thất mới. Anh thuê tới 70 nhân công. Nhưng khi nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc vào năm ngoái, hàng loạt đối thủ với giá rẻ hơn cũng theo đó mà xuất hiện.
“Chúng tôi không ngờ thị trường lại lao dốc như thế này”, Gong, hiện 26 tuổi, nói tại một quán ăn nhanh ở trung tâm Trịnh Châu. Anh phải hạn chế tối đa việc chi tiêu cho quần áo và đi ăn ngoài.
“Trong cả năm 2017, kinh doanh rất thuận lợi, mọi thứ đều tốt đẹp, rồi bất ngờ sang năm 2018 tất cả lại chìm xuống”, anh nói.
Tháng 10 năm ngoái, Gong nghe theo lời khuyên của một người hướng dẫn, tạm ngừng việc kinh doanh và chờ đến khi đợt suy thoái này kết thúc. Anh được nhận công việc bán hàng tại một chi nhánh chỉa công ty thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc, nhưng nhanh chóng bị vỡ mộng bởi sự tẻ nhạt và mức lương thấp. Anh quyết định sẽ trở lại làm việc sau Tết Nguyên đán vào tháng 2.
Gong tiếc nuối vì đã không mua một căn hộ trước khi giá tăng đột biến vào 3 năm trước, mặc dù giá cả đã xuống thấp hơn gần đây, và sự thật là mối quan hệ của anh với bạn gái cũng tồi tệ như công việc kinh doanh.
Anh vẫn chưa từ bỏ ước mơ cả đời là được tự tay điều hành một doanh nghiệp, nhưng cũng biết phải thực tế và đang cố gắng chấp nhận một công việc văn phòng bình thường.
“Hiện thực rất tàn nhẫn”, anh nói.
Người vừa tốt nghiệp
Với tấm bằng viễn thông từ một trường đại học hàng đầu ở Bắc Kinh, một chỗ đứng trong thị trường bất động sản của Trịnh Châu và hôn lễ đang tới gần, tất cả ở tuổi 26, Wu Shuang có thể được coi là thành công trong mắt vô số người Trung Quốc.
Nhưng trong một buổi phỏng vấn, Wu thổ lộ nỗi lo lắng không ngừng đè nặng lên anh và các đồng nghiệp ở Trịnh Châu.
Căn hộ 2 triệu CNY Wu mua năm 2017 đã làm cạn kiệt phần lớn tiền tiết kiệm của gia đình, và Wu cũng phải trả 8.000 CNY tiền nhà đất mỗi tháng.
Sau khi bỏ công việc văn phòng “nhàm chán và lương thấp” tại một công ty nhà nước năm ngoái, anh cũng phải tạm gác kế hoạch mở quán bar ở Trịnh Châu sau khi đối tác của anh rút lui khi nhận ra mức tiêu dùng ở thành phố ngày càng giảm.
“Không chỉ là tiền nhà, không chỉ là khó xin việc”, Wu nói, mắt nhìn xa xăm. “Có cảm giác như bây giờ, vì nền kinh tế đang giảm tốc, các cơ hội cũng ít đi theo”.
Với nhiều người trẻ tuổi, giấc mơ Trung Quốc về việc tìm được một công việc có tiếng, kết hôn vào một tuổi nhất định và mua nhà đã vuột khỏi tầm tay, anh nói.
Khi giá nhà đất đang tăng, nhiều người buộc phải dựa vào tiền của cha mẹ rất lâu sau khi trưởng thành, anh nói, một hiện tượng được gọi là kenlao, hay “ăn bám người già”.
Wu nói cha mẹ anh đã giúp với số tiền đặt cọc và tiền lãi vay mỗi tháng của căn hộ, một sự sắp đặt khiến anh không thoải mái, đặt biệt khi cha mẹ anh cũng không khá giả gì.
“Rất nhiều người cảm thấy bất lực vì những người đang tận hưởng cuộc sống tốt đẹp, họ làm vậy không phải vì bản thân, mà là vì gia đình họ”, Wu nói bên ly cà phê tại một quán cà phê nhộn nhịp ở Trịnh Đông, khu thương mại mới của Trịnh Châu.
“Tiền lương của bạn có thể không khác biệt quá nhiều, nhưng vì hoàn cảnh gia đình có thể bạn sẽ có ít sự lựa chọn hơn trong cuộc sống”.
Ngư dân
Xuống thêm bước nữa trong nấc thang xã hội Trung Quốc, nhiều người cảm thấy bị tụt lại đằng sau và không thể cải thiện cuộc sống chỉ bằng cách làm việc chăm chỉ.
Trong nhiều thế hệ, nhà Sun đã dong thuyền đánh cá khắp sông Hoài và sông Hoàng Hà, sống nhờ vào việc đánh bắt qua ngày. Như ông nội và cha của họ, anh em Sun Genxi, 44 tuổi, và Sun Lianxi, 32 tuổi, được sinh ra trên chiếc thuyền chài.
Ngư dân Sun Lianxi. Ảnh: Reuters.
Chứng kiến nền kinh tế Trung Quốc đi lên là điều không dễ dàng gì với 2 anh em. Từ điểm đỗ thuyền trên sông Hoàng Hà, khoảng 1 giờ lái xe về phía bắc trung tâm Trịnh Châu, họ có thể thấy được sự phát triển nhanh chóng của vùng đô thị.
“Những tòa nhà cao tầng ấy không liên quan đến tôi. Chúng dành cho những người khác, không phải tôi”. Lianxi nói. “Chúng tôi không có phần nào trong đó”.
Anh em nhà Sun không có nơi ở cố định trong phần lớn cuộc đời mình, thả neo ở bất cứ nơi nào dòng sông đưa họ đi. Khoảng 10 năm trước, họ định cư bên sông Hoàng Hà ở phía bắc Trịnh Châu, để con gái lớn của Genxi có thể đi học.
Họ muốn con cái hoàn thành chương trình học, trở thành những người đầu tiên thoát khỏi nghề chài lưới trong gia đình.
“Nếu con không cố gắng học hành, hiện tại của cha sẽ là tương lai của con”, Genxi, một người không biết chữ, nói với người con gái sắp hoàn thành bậc trung học.
Nhà Sun sở hữu một chiếc thuyền lớn, đủ để chứa 4 thế hệ cùng chung sống. Chiếc thuyền cũng là một nhà hàng nổi, phục vụ món cá tươi vừa chế biến cho những người đi tham quan trên sông Hoàng Hà ở ngoại ô Trịnh Châu.
Nhưng chính quyền địa phương năm 2017 đã tịch thu con thuyền của họ dưới danh nghĩa giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước và đánh bắt quá mức, trong một chiến dịch môi trường trên diện rộng.
Nhà Sun hiện sống trong túp lều bằng bạt và nhựa, cạnh một cây cầu nổi trên bờ sông Hoàng Hà, chuyển sang câu cá trên 1 chiếc xuồng nhỏ.
“Giấc mơ của tôi là tìm được nơi để sống. Cả gia đình tôi có thể sống chung một căn nhà và tôi có thể đi làm thuê và ngừng đánh cá”, Sun Lianxi nói.
“Bây giờ cuộc sống như vậy cũng là một điều xa xỉ”.