Kinh tế Mỹ chính thức suy thoái, Châu Âu cũng nối gót với GDP quý II giảm kỷ lục vì Covid-19
GDP của nền kinh tế số 1 Châu Âu là Đức đã giảm 10,1% trong quý II/2020, của Italy là giảm 12,4%, Pháp giảm 13,8% còn Tây Ban Nha giảm tới 18,5%.
Theo lý thuyết, nền kinh tế Mỹ đã chính thức suy thoái kỹ thuật khi sụt giảm GDP 2 quý liên tiếp, với mức giảm kỷ lục 32,9% trong quý II/2020. Tuy nhiên điều tồi tệ là tại phía bên kia Đại Tây Dương, kinh tế Châu Âu cũng đang nối gót.
Báo cáo mới nhất vừa được công bố cho thấy GDP của khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) đã giảm 12,1% trong quý II/2020 so với quý trước đó. Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ khi số liệu được thu thập từ năm 1995.
Kinh tế Mỹ chính thức suy thoái kỹ thuật sau 2 quý GDP tăng trưởng âm liên tiếp
Nguyên nhân chính của sự suy giảm này cũng tương tự như Mỹ khi nền kinh tế Châu Âu bị tổn thương do lệnh giãn cách nhằm chống dịch Covid-19. GDP của nền kinh tế số 1 Châu Âu là Đức đã giảm 10,1% trong quý II/2020, của Italy là giảm 12,4%, Pháp giảm 13,8% còn Tây Ban Nha giảm tới 18,5%.
Trước đó vào quý I/2020, nền kinh tế Eurozone đã giảm 3,6% GDP. Riêng Tây Ban Nha, Italy và Pháp đã giảm hơn 5% cùng kỳ.
Như vậy với 2 quý suy giảm GDP liên tiếp, nền kinh tế Eurozone đã chính thức rơi vào suy thoái kỹ thuật, tương tự như những gì đang diễn ra ở Nhật Bản và Mỹ.
Hiện Châu Âu cũng nối gót suy thoái kỹ thuật
Hiện tại, tình hình dịch bệnh tại Châu Âu diễn ra vô cùng phức tạp khi nhiều nước vẫn báo cáo những trường hợp nhiễm Sars nCov2 mới trong các tuần gần đây.
Vào tháng 6/2020, Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) đã dự báo mức giảm 7,8% GDP của cả năm cho nền kinh tế khu vực. ECB cũng dự đoán hoạt động kinh tế của Châu Âu sẽ dần hồi phục trong quý III/2020.
Tổ chức tư vấn Eurostat cho biết lạm phát tại Châu Âu đứng ở mức 0,4% trong tháng 7/2020, thấp hơn mục tiêu 2% bất chấp mức lãi suất âm và hàng loạt chính sách nới lỏng tiền tệ cứu trợ nền kinh tế mới được thông qua.
Hiện chính phủ các thành viên Châu Âu có những phản ứng rất khác nhau về việc chống dịch. Nhiều quốc gia tuyên bố sẽ không đóng cửa hoàn toàn nền kinh tế để chống dịch nữa. Tuy nhiên, các quan chức cũng cho biết họ sẽ sẵn sàng áp thêm các quy định chặt chẽ nhằm giãn cách xã hội nếu làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 2 bùng phát.