Kinh tế Internet của Đông Nam Á sẽ cán mốc 100 tỷ USD trong năm nay, Việt Nam dẫn đầu về kinh tế kỹ thuật số
Nền kinh tế Internet của Đông Nam Á dự kiến sẽ vượt 100 tỷ USD trong năm nay và tăng gấp 3 vào năm 2025. Việt Nam nổi lên như một nền kinh tế kỹ thuật số nhất trong các quốc gia Đông Nam Á.
Dân số trẻ với tỷ lệ phổ cập điện thoại thông minh cao, Đông Nam Á đang là thị trường trực tuyến bùng nổ nhanh nhất thế giới. Giao dịch trực tuyến trong các lĩnh vực từ bán lẻ đến gọi xe sẽ đạt 300 tỷ USD vào năm 2025 nhờ tiềm năng lớn từ 360 triệu người dùng trong khu vực. Hết năm nay, con số sẽ là 100 tỷ USD.
Đông Nam Á là nơi ra đời của 2 start-up nổi tiếng là Grab và Lazada. Hiện tại, Alibaba của Trung Quốc đã nắm quyền sở hữu Lazada, động thái được cho là dọn đường để tập đoàn do Jack Ma sáng lập có thể bước ra thị trường nước ngoài. Đông Nam Á cũng là nơi mà người dùng dành thời gian online nhiều hàng đầu thế giới.
Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, có dân số 264 triệu người sẽ đóng vai trò lớn trong việc thúc đẩy thương mại điện tử trong khu vực. Việt Nam, Singapore và các quốc gia khác cũng liên tiếp góp sức để đưa Đông Nam Á trở thành thị trường trực tuyến hàng đầu thế giới.
Bản báo cáo về kinh tế Internet của Đông Nam Á được công bố bởi Google and Temasek. Nó tính giá trị thông qua giao dịch thương mại điện tử, gọi xe, truyền thông trực truyến, du lịch trực truyến…. Bản báo cáo đã trở thành tài liệu tham khảo đáng tin cậy cho ngành công nghiệp Internet của khu vực.
Indonesia được coi là nước có đóng góp lớn nhất cho tăng trưởng kinh tế Internet ở Đông Nam Á. Thương mại điện tử vẫn là điểm sáng trong kinh tế khu vực. Nó được thúc đẩy bằng hàng loạt chương trình giảm giá, khuyến mại hay khả năng giao hàng nhanh hơn. Điều đó giúp thương mại điện tử có thể tăng gấp 4 lần từ 38,2 tỷ USD trong năm 2019 lên 153 tỷ USD vào năm 2025. Ở Indonesia, tăng trưởng của thương mại điện tử được dự báo sẽ tăng từ 21 tỷ USD lên 82 tỷ USD.
Thị trường gọi xe trong khu vực cũng dự kiến đạt 40 tỷ USD vào năm 2025 từ 12,7 tỷ USD trong năm 2019. Đó sẽ là sự thúc đẩy mạnh mẽ cho cả Grab và Gojek. Cả hai công ty đều xem giao thực phẩm là động lực chính của tăng trưởng và lợi nhuận. Sẽ có sự cạnh tranh khốc liệt trong lĩnh vực này trước những công ty chuyên giao thực phẩm như Foodpanda and Deliveroo.
Việt Nam nổi lên như một nền kinh tế kỹ thuật số nhất trong các quốc gia Đông Nam Á. Tổng giá trị mua bán trên Internet của Việt Nam dự kiến sẽ đạt hơn 5% GDP của đất nước vào năm 2019. Con số này cao hơn so với trung bình 3,7% của Đông Nam Á.
Thương mại điện tử dường như là động lực quan trọng cho sự bùng nổ của Việt Nam. Nhiều công ty thương mại điện tử đang cùng cạnh tranh trên thị trường gần 100 triệu dân, bao gồm những thương hiệu nội địa và quốc tế. Sendo, Tiki, Lazada hay Shopee là những cái tên không hề xa lạ với người dân Việt Nam.
Thanh toán kỹ thuật số cũng đang bùng nổ và dự kiến sẽ vượt 1 nghìn tỷ USD vào năm 2025. Trong số 400 triệu người lớn ở Đông Nam Á, có 98 triệu người chưa từng tiếp cận các dịch vụ ngân hàng và 198 triệu người khác ít có khả năng tiếp cận việc vay vốn. Thậm chí, có ¾ số người lớn ở Đông Nam Á không có cơ hội tiếp cận với đầy đủ các dịch vụ tài chính đang có. Đó là một mảnh đất màu mỡ cho thanh toán kỹ thuật số.
Kỳ vọng về sự tăng trưởng mạnh mẽ khiến nhiều nhà đầu tư sẵn sàng đổ tiền cho lĩnh vực này. Nghiên cứu cho thấy, các công ty Internet ở Đông Nam Á có thể huy động được 7,6 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm và 7,1 tỷ USD trong một năm trước đó. Các công ty như Grab và Gojek đã huy động được hơn 14 tỷ USD trong 4 năm qua trong khi các công ty thương mại điện tử thu hút được gần 10 tỷ USD.