Điều gì sẽ giúp ngân hàng truyền thống cạnh tranh sòng phẳng với Fintech?

03/10/2019 14:45 PM | Kinh tế vĩ mô

Dữ liệu, công nghệ và chính sách đang được dự đoán là những tác nhân sẽ tạo ra các thay đổi lớn trong ngành ngân hàng thời gian tới.

Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra đã có tác động tới tất cả các ngành, lĩnh vực trong đời sống. Ngành ngân hàng , tài chính cũng sẽ phải đi theo xu hướng này.

Trước đây có những dịch vụ chỉ có ngân hàng hay các tổ chức tín dụng cung cấp như cho vay thì nay đã có những startup Fintech cạnh tranh. Điều này khiến cho những ngân hàng cần có sự thay đổi để cạnh tranh tốt hơn.

Tại hội thảo chuyên đề: “Thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng” trong khuôn khổ Diễn đàn Cấp cao về Công nghiệp 4.0 được tổ chức ngày 2 và 3/10 tại Hà Nội, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực đã chia sẻ ý kiến của mình.

Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương: “Tiềm năng để phát triển chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng ở Việt Nam là rất lớn. Chúng ta có cơ hội, chúng ta có tiềm năng, chúng ta đã có định hướng phát triển của Đảng và nhà nước. Vấn đề là làm thế nào để biến các tiềm năng và cơ hội đó thành hiện thực”.

Ông Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, ngành Ngân hàng đang đứng trước những cơ hội và thách thức lớn, đòi hỏi sự chuyển đổi sang mô hình kinh doanh mới tích hợp công nghệ trong các hoạt động và số hóa trong các quy trình nghiệp vụ theo hướng tự động, thông minh, giúp ngân hàng có thể tiến hành kinh doanh cung ứng sản phẩm dễ dàng trên nền tảng số, khai thác các dữ liệu hiệu quả để gia tăng trải nghiệm và gắn kết khách hàng.

Theo ông Bruce Delteil, Phó Chủ tịch McKinsey & Company, sẽ có 2 yếu tố chính tạo ra thay đổi của ngành tài chính, ngân hàng trong giai đoạn 4.0 này. Đó là Công nghệ - Dữ liệu và Chính sách.

Điều gì sẽ giúp ngân hàng truyền thống cạnh tranh sòng phẳng với Fintech? - Ảnh 1.

Ông Bruce Delteil, Phó Chủ tịch McKinsey & Company.

Với yếu tố Công nghệ - Dữ liệu, trong thời đại hiện nay số lượng các dữ liệu ngày càng lớn. Công nghệ để khai thác, xử lý các dữ liệu này cũng phát triển đầy đủ với trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây.

Ngoài ra những công nghệ mới ra đời cũng mang tới những mô hình kinh doanh mới. Những mô hình kinh doanh này sẽ có sự tham gia của cả các tổ chức tài chính. Sự kết hợp này sẽ đem lại những thay đổi đột phá trong thị trường.

Từ phía chính sách, những thay đổi trong mảng này đến từ xu hướng minh bạch hoá mọi hoạt động. Ví dụ như các ngân hàng sẽ công khai rõ ràng hơn về các loại phí hay cho phép nhiều bên hơn truy cập vào các dữ liệu khách hàng.

Càng nhiều sự thay đổi theo hướng minh bạch sẽ khiến cho cạnh tranh giữa ngân hàng, tổ chức tài chính kiểu cũ với những mô hình tài chính mới như ngân hàng số, các công ty Fintech trở nên cân bằng.

Việt Nam cũng đang có sự thay đổi mạnh mẽ trong ngành tài chính. Sự thay đổi đến từ việc người tiêu dùng đã sẵn sàng với những dịch vụ mới; Công nghệ và hệ sinh thái trong ngành cũng đã sẵn sàng. Cùng với đó là sự thay đổi tích cực từ chính sách nhà nước.

Theo khảo sát năm 2017 của McKinsey Asia, mỗi người dùng ở Việt Nam thường dùng từ 2 đến 3 dịch vụ mà ngân hàng cung cấp. Tỷ lệ người dùng thực hiện các giao dịch trực tuyến cũng cao hơn nhờ chất lượng kết nối Internet tốt và người dùng vẫn tin vào việc các tổ chức thanh toán, ngân hàng có thể đảm bảo an toàn cho giao dịch.

Riêng với các hoạt động thanh toán không qua ngân hàng mà qua các dịch vụ thanh toán thu hộ, ví điện tử, đã chiếm 16%. Chủ yếu nằm ở hoạt động thanh toán hoá đơn và mua sắm.

Và để tận dụng được cơ hội, tiếp tục phát triển trong thời gian tới, các ngân hàng cần có sự thay đổi. Việc thay đổi này có thể là tự tổ chức lại bản thân thành các nền tảng. Những nền tảng này có thể độc lập trong kinh doanh, độc lập về công nghệ, nhân lực và quản trị để phục vụ khách hàng.

Khi mỗi nền tảng trở nên độc lập, việc phát triển từng nền tảng có thể thực hiện ở tốc độ rất nhanh với quy mô lớn.

Bên cạnh đó các ngân hàng cũng cần có sự đầu tư cho việc tuyển dụng, đào tạo nhân lực, nhất là trong vấn đề công nghệ và dữ liệu. Việc quản lý dữ liệu cũng cần được thực hiện nghiêm túc, hướng đến sự ổn định và có khả năng đáp ứng mọi yêu cầu.

Cuối cùng là cần tăng cường hợp tác, tạo ra các liên minh, hệ sinh thái cả trong và ngoài ngành để có thể tận dụng các ưu điểm của kinh tế chia sẻ.

Theo TÙNG LINH

Cùng chuyên mục
XEM