Kinh tế Ấn Độ: Đóng để mở?
Không chào đón người có tư tưởng cấp tiến trong khi nỗ lực mở cửa kinh tế nhằm thu hút đầu tư nước ngoài là hướng đi mới của Chính phủ Ấn Độ do ông Narendra Modi lãnh đạo.
Sự ra đi của Thống đốc Raghuram Rajan...
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm 20/6 đã tuyên bố nới lỏng hàng loạt quy định đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài trong nỗ lực mở cửa và thu hút vốn đầu tư. Tuy nhiên, theo New York Times, giới quan sát cho rằng động thái trên chủ yếu nhằm trấn an các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt từ Phố Wall, trước việc Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI) Raghuram Rajan bất ngờ tuyên bố sẽ từ chức vào tháng 9 tới để tập trung vào nghiên cứu học thuật.
Ben You Ang và David Marshall, hai chuyên gia tư vấn của Creditsigns Inc. nhận định: "Sự ra đi của Rajan như một đòn giáng mạnh vào tiến trình cải cách ngân hàng tại Ấn Độ”. Còn theo nhà kinh tế học Deepali Bhargava của Credit Suisse AG, tuyên bố từ chức của ông Rajan chịu nhiều áp lực chính trị và về lâu dài, các chính sách tiền tệ mới của người kế nhiệm có thể ảnh hưởng đến mục tiêu giảm tỷ lệ lạm phát của Ấn Độ, chưa kể đến việc tăng nguy cơ bất ổn của đồng rupee do sự lo lắng của giới đầu tư nước ngoài.
Bloomberg đã đưa ra ba nguyên nhân sự ra đi của Rajan, trong đó nhấn mạnh "tư tưởng của ông không hoàn toàn Ấn Độ”, theo lời của nhà lập pháp thuộc đảng cầm quyền Bharatiya Janata (BJP). Được biết, Rajan từng là chuyên gia kinh tế trưởng tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và chuyên gia kinh tế tại Đại học Chicago (Mỹ) trước khi được Thủ tưởng Ấn Độ Manmohan Singh trước đây mời về làm cố vấn kinh tế.
Ông cũng là một trong hai "ngôi sao" (cùng Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh Mark Carney) trong giới tài chính khi dự báo được trước cơn khủng hoảng kinh tế toàn cầu vào năm 2008.
Nguyên nhân thứ hai là sự ra đi của Rajan (bằng cách nào đó) có liên quan đến động cơ "làm sạch" bảng cân đối kế toán của các ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước Ấn Độ - nơi mà các quyết định tài chính thường được can thiệp bởi những toan tính chính trị.
Cuối cùng, do ông Rajan quá cứng rắn trong chính sách lãi suất. Trong nhiệm kỳ ba năm, ông Rajan đã hạ lãi suất xuống mức thấp nhất từ năm 2011. Tuy nhiên, hành động này vẫn hứng chịu nhiều chỉ trích từ phía BJP của Thủ tướng Modi khi đảng này mong muốn lãi suất được giảm sâu hơn nữa.
AFP đánh giá, kể từ khi được bổ nhiệm làm Thống đốc RBI vào tháng 9/2013, ông Rajan đã thành công trong việc đưa tỷ lệ lạm phát giảm từ mức hai con số xuống còn 5,8% như hiện nay. Kinh tế Ấn Độ cũng tăng trưởng 7,9% trong quý IV/2015 - mức tăng trưởng cao nhất trong số các nền kinh tế mới nổi trên thế giới.
Dù vậy, theo giới đầu tư, Chính phủ Ấn Độ vẫn chưa mạnh mẽ triển khai các cải cách lớn để thúc đẩy đầu tư và tạo việc làm theo như những gì Thủ tưởng Modi cam kết kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2014.
... Và chính sách mở
Harsh V.Pant, giáo sư Trường Đại học King (London) chia sẻ trên New York Times: "Điều mà chính quyền Modi cần làm bây giờ là phát tín hiệu cho thấy nền kinh tế Ấn Độ đang thực hiện những cải cách kinh tế mà không cần đến Rajan".
Trong bối cảnh nền kinh tế nước này vẫn còn bị kìm hãm bởi sự thiếu hụt cơ sở hạ tầng cùng chế độ quan liêu, những thay đổi sâu rộng của Thủ tướng Modi hôm 20/6 dự kiến giúp Ấn Độ đón đầu làn sóng đầu tư nước ngoài, mở đường cho các "người khổng lồ” như Apple, Ikea tiến quân vào thị trường sôi động bậc nhất Nam Á này.
Cụ thể, Chính phủ Ấn Độ quyết định sẽ nới lỏng 9 khu vực kinh tế bao gồm cho phép công ty nước ngoài sở hữu toàn bộ các hãng hàng không địa phương, đồng thời mở rộng các quy định về đầu tư xây dựng và hiện đại hóa sân bay của Ấn Độ.
Về đầu tư vào quốc phòng, mức trần vốn đầu tư nước ngoài được tăng lên 100% so với mức 49% như trước đây, cho phép Ấn Độ tiếp cận công nghệ hiện đại.
Riêng tại thị trường bán lẻ, Ấn Độ đã nới lỏng chính sách bằng cách cho phép các nhà bán lẻ chỉ có một thương hiệu (như Apple, Ikea...) có thời hạn ba năm để kinh doanh trước khi phải tuân thủ yêu cầu có ít nhất 30% nguồn hàng từ địa phương. Những công ty kinh doanh các tác phẩm nghệ thuật hay công nghệ tiên tiến có thể được hưởng lợi từ chính sách này thêm 5 năm nữa.
Trong tuyên bố mới đây, Thủ tướng Modi không giấu tham vọng rằng những biện pháp cải cách trên sẽ giúp Ấn Độ trở thành "nền kinh tế mở cửa nhất trên thế giới về FDI", qua đó tạo việc làm cho hàng chục triệu người dân trong độ tuổi lao động.
Từ báo cáo việc làm mới nhất của Ấn Độ trong quý IV/2015, các chuyên gia nhận định, những cải cách mới này sẽ nhận được sự ủng hộ của đông đảo người lao động, đặc biệt khi số lượng người dân tìm được việc làm ngày càng giảm so với một năm trước đó.