Cụ thể, trên đó niêm yết công khai giá các loại nội tạng lợn cùng giá thủ lợn, tai, đuôi, sụn... Chẳng hạn, lưỡi lợn có giá 420 yên/chiếc (tương đương 85.000 đồng), chân lợn dồi trường 1.500 yên/kg (khoảng 300.000 đồng/kg), cổ họng 600 yên/kg (khoảng 120.000 đồng)...
Ảnh chụp bảng giá bằng tiếng Nhật tại một siêu thị ở Nagaoka, Nhật Bản. |
Phạm Vũ Hải (du học sinh Việt Nam tại Nagaoka, Nhật Bản) cho biết, thỉnh thoảng nhóm sinh viên người Việt như Hải đi mua đồ tại siêu thị này, nhưng họ rất bất ngờ với bảng báo giá bằng tiếng Việt trên. Từ bất ngờ, họ cảm thấy thú vị và hào hứng khi ở xứ người lại bắt gặp tiếng mẹ đẻ ở nơi công cộng.
Sở dĩ siêu thị này có bảng giá bằng tiếng Việt là do nội tạng lợn chủ yếu bán cho khách hàng Việt Nam. “Người Nhật không ăn mấy món lục phủ ngũ tạng này. Khách hàng thân quen chủ yếu là người Việt”, Hải chia sẻ.
Anh Quốc Tuấn (Nagaoka, Nhật Bản) nhận xét, siêu thị làm như vậy rất tiện cho sinh viên Việt Nam tại thành phố Nagaoka này khi đi chợ. Nhiều người theo học tại đây bằng tiếng Anh nên không biết tiếng Nhật. Hơn nữa, những món như lòng lợn, tai lợn, chân giò... lại là món khoái khẩu của người Việt, trong khi người Nhật gần như không sử dụng những nguyên liệu này để chế biến món ăn.
Một cựu sinh viên đại học Nagaoka cũng cho hay, trước đây, để tìm mua dạ dày, lòng lợn hay cuống họng tại Nhật rất khó khăn, nhiều khi phải liên hệ trực tiếp với lò mổ để xin giữ lại. Thấy vậy, họ đều tròn mắt ngạc nhiên, không hiểu mình đặt hàng đó để làm gì. Mặc dù vậy, họ vẫn rất nhiệt tình giữ lại và bán cho mình với giá rẻ.
Đơn cử như món thịt chó. Phần lớn người nước ngoài đều lắc đầu quầy quậy khi nhắc đến món ăn này, trong khi đối với các du học sinh hay những người Việt sống ở nước ngoài lâu năm, khi được người nhà sang thăm và hỏi thích mang theo thứ gì làm quà thì câu trả lời luôn là thịt chó.Không chỉ lòng, dạ dày lợn mà người Việt khi đi sang nước ngoài mang theo không ít thói quen ăn uống khiến người nước ngoài cảm thấy vô cùng lạ lẫm.
Thế nên, khi sang thăm con trai và con dâu đang làm nghiên cứu sinh tại Đức, trong va li của bà Hương (Láng Hạ, Hà Nội) ngoài một vài bộ quần áo thì toàn là thịt chó. Tuấn Minh (du học sinh Việt Nam tại Anh) tâm sự, nhiều khi Minh chỉ mong có người nhà sang chơi để gửi mang theo ít thịt chó hay lòng lợn để ăn cho đỡ thèm và đỡ nhớ nhà.
>> Thịt chó - từ lò giết mổ đến quán nhậu
Theo Nhị Anh