Nghề nhặt đào quất rác sau Tết kiếm bộn

24/02/2013 09:44 AM |

Chỉ vài tuần nhặt nhạnh, trung bình mỗi người gom nhặt kiếm cả chục triệu đồng.

Sau Tết, trên đường phố Hà Nội xuất hiện đội quân đi thu gom đào quất thế bị bỏ đi trên hè phố hoặc công sở gọi đến thu dọn. Chỉ vài tuần nhặt nhạnh, trung bình mỗi người gom nhặt kiếm cả chục triệu đồng.

Với những người trồng đào, quất ở Nhật Tân, Xuân La, Thường Tín…, sau Tết là “cơ hội vàng” để họ đi thu gom lại các cây đã bán trước Tết. Ngoài những cây đào dáng thế cổ thụ mà chủ vườn thường cho thuê và sẽ đòi lại gốc sau Tết, thì tất tật các gốc đào non, các gốc đào mua đứt bán đoạn, nhà vườn đều kết hợp với đội quân thu gom quất, đào tỏa vào nội thành để “kiếm ăn”.

Anh Nguyễn Ngọc  Kiên, năm nào cũng vậy, cứ ngày mùng 7 Tết hay những ngày công sở làm việc là anh cùng chiếc xe máy cà tàng, phía sau có hai cái sắt thồ cùng một đống dây chằng lên đường gom đào quất rác.

Ngoài những địa chỉ gia đình mua cây quất, đào thế trị giá cả chục triệu mà anh chở đến trước Tết, sau Tết anh đến nhận lại gốc, thì thỉnh thoảng có người quen alo cho anh nhờ anh đến mang “của nợ” cho đỡ chật nhà vì hết Tết rồi. Chính vì vậy mà những ngày này công việc của anh Kiên lúc nào cũng bận rộn…

Từ những địa chỉ có trước Tết, anh Kiên kết hợp với các chủ vườn đào quất ở Quảng Bá, Nhật Tân, Thường Tín… chở đào quất thế bán lại cho chủ vườn. Mỗi cây quất, đào tùy vào dáng, thế mà chủ vườn thu mua từ 100 đến 200.000 đồng/cây. Một ngày anh Kiên chạy 5 – 6 chuyến đổ lại cho chủ vườn, tính sơ cũng bỏ túi bạc triệu…

Theo anh Kiên, năm ngoái anh gom được gần chục triệu tiền bán gốc đào. "Để được ngần ấy tiền, tôi phải làm việc cật lực trong vòng gần 1 tháng trời, mỗi ngày rong ruổi cả trăm cây số. Năm nay, hy vọng cũng kiếm được chừng đó, bõ công vất vả mưa nắng", anh kể.

Anh Kiên cũng tiết lộ, ngoài ra, kiêm luôn cả chậu cảnh trồng hoa để dành bán cho mùa Tết tới… Năm nay, riêng tiền bán chậu cảnh thu được hơn 5 triệu. Vì thế năm nay, đã vào phố là gặp đào, quất, chậu cảnh… cái gì anh cũng gom, miễn là bán ra tiền…

Đội quân thu gom đào, quất làm không hết việc

Còn trường hợp chị Lành (Hoài Đức – Hà Nội) cho biết, từ mùng 7 hai vợ chồng chị mỗi người một chiếc xe máy rong ruổi khắp phố để thu gom đào, quất, chậu cảnh... Miễn là thứ gì sau Tết người ta bỏ đi, mà chị cảm thấy kiếm được tiền là nhặt về. Chị Lành cho biết, những cây quất, đào nào còn tươi, còn bầu đất, hai vợ chồng lại mang về vườn nhà ở quê trồng, chăm bẵm để bán mùa Tết tới.

Chị Lành kể, năm trước, nhờ việc thu gom quất, đào thế về nhà chăm bẵm, mà năm nay, chỉ riêng việc bán quất giống, quất thế, chị kiếm lời vài chục triệu đồng, chậu cảnh cũng kiếm cỡ gần chục triệu đồng… sau khi trừ các loại chi phí.

Chị Lành tính toán, những ngày này, mình chịu khó bỏ chút tiền xăng xe, công sức, ăn uống… ra để lang thang ở Hà Nội thu gom đào, quất. Một ngày làm việc của anh chị từ 6h sáng đến 9 – 10h đêm mới được nghỉ ngơi. Có hôm nhiều đào quất, chở không hết, chị thuê luôn cả xe ba bánh. Rồi để đến cuối năm chính những cây đào quất  này sẽ trả mình một cục tiền…


Sau Tết, với những người chơi đào, quất trở thành… rác, có nhu cầu vứt bỏ.  Thì những “đội quân” thu gom đào, quất Tết như anh Kiên, chị Lành càng có nhiều việc làm. Có gia đình đội quân thu gom đào quất phải trả 50 – 100 ngàn để được thu dọn, vì thế cây đáng “đồng tiền”, ngược lại nhiều gia đình còn cho luôn, không lấy tiền, vì có người xin được “dọn rác” hộ.

Chính vì sự nhặt được cái “không của người biến thành cái có của mình” trúng đậm, nên khá nhiều người ở quê ngoại thành ngày này xung vào đội quân đi nhặt, thu gom đào, quất, chậu cảnh… Mỗi người một mục đích khách nhau, người thì nhặt bán cho chủ vườn hoặc chủ vườn thuê, người thì nhặt mang về trồng, chăm bẵm để năm sau cho thu hoạch. Có gia đình kéo ba, bốn người cùng tham gia.

Theo Nguyễn Hiếu
Infonet

tanhoa

Cùng chuyên mục
XEM