Hà Nội: Cá bán tại chợ đầu mối ở đâu mà ra?
Với giá gốc khi nhập chỉ 100.000 đồng/kg, nhưng khi về tới Việt Nam, cá tầm nhập lậu từ Trung Quốc ‘đội’ giá bán lên gấp 4 lần (400.000 đồng/kg), và khi tới tay người tiêu dùng thì lên đến 550.000 đồng/kg (tăng 550%!).
"Hàng gì mà chả là của Trung Quốc"
Có mặt tại chợ cá làng Yên Sở Thượng (thường được gọi tắt là chợ cá Yên Sở, thuộc phường Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội) vào lúc 23h, điều chúng tôi cảm nhận được là dường như càng về khuya thì hoạt động trao đổi, buôn bán cá tại chợ đầu mối này càng có vẻ tấp nập hơn, khác với các chợ đầu mối khác của Hà Nội thường chỉ tấp nập vào lúc rạng sáng.
Chỉ không đầy 10 phút đã có tới 5 – 6 xe tải các loại (từ 3,5 – 5 tấn) chở cá đông lạnh đến đổ hàng. Sau 30 phút, những thùng hàng trên xe được đội ngũ bốc vác đông đảo tại đây dỡ xuống, xếp ngay ngắn chờ các tiểu thương bán cá từ khắp các nơi đổ về mua và chuyển đi đến các chợ để bán lẻ.
Qua khảo sát, giá cá (cùng các loại thủy – hải sản khác) bán ở chợ cá đầu mối Yên Sở thấp hơn rất nhiều so với giá bán lẻ tại các chợ, có khi mức giá chênh lệch gấp ba, bốn lần.
Cụ thể: cá rô phi (loại từ 0,7 – 1,2 kg) bán tại chợ Yên Sở là 15.000 đồng/kg (trong khi giá bán tại các chợ trên địa bàn Hà Nội dao động từ 38 – 45.000 đồng/kg), cá trắm (loại từ 1kg – 4kg) bán với giá 18 – 20.000 đồng/kg (giá bán tại các chợ là 50 – 55.000 đồng/kg), cá quả (loại từ 0,8 – 2kg) giá bán là 30.000 đồng/kg (trong khi giá tại các chợ dao động từ 80 – 110.000 đồng/kg), cá mè còn bán với giá thấp hơn nữa: loại từ 1 – 3kg được bán với giá 8,5 – 11.000 đồng/kg (giá bán lẻ tại các chợ là 18 – 25.000 đồng/kg),…
Càng ngạc nhiên hơn nữa ngay cả khi một tài xế chở cá tầm nhập lậu từ Trung Quốc về chợ đầu mối Yên Sở tiêu thụ vừa bị các cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện, tịch thu và xử lý cách đây vài ngày thì tình hình buôn bán cá ở đây vẫn không vì thế mà trầm lắng xuống, cá tầm đông lạnh vẫn được các xe chở về và bày bán công khai, dù không rõ nguồn gốc.
Khi được hỏi cá tầm này nhập từ đâu về, người đàn ông trung niên tên Hùng – chủ một cửa hàng bán cá ở chợ Yên Sở nhìn chúng tôi vẻ nghi ngờ: “Ông hỏi làm gì?” .
Rồi vừa kiểm tra lại các thùng cá mới xếp từ xe xuống, ông Hùng vừa thủng thẳng: “Các ông lại nghi ngờ cá tầm này nhập lậu từ Trung Quốc về chứ gì? Nói thật nhá, bây giờ hàng gì mà chả là của Trung Quốc, kể từ cái kim sợi chỉ, đâu phải chỉ cá tầm của chúng tôi. Buôn bán thì phải có lãi, không lãi thì đi buôn làm gì…”!
Trong khi đó, một tài xế chở cá khác (tài xế xe tải mang BKS 34L-6640) thì tiết lộ: “Hầu hết các mặt hàng thủy – hải sản bán ở chợ đầu mối Yên Sở đều nhập từ Trung Quốc về, đâu phải bây giờ mới có mà đã diễn ra từ hàng chục năm nay rồi. Các ông xem, trong nước thì lấy đâu ra hàng giá rẻ như thế. Có cầu thì phải có cung thôi…”.
Phải siết chặt quản lý nhập khẩu thủy hải sản
Trao đổi với PV về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Việt Thắng (nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT) – Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam (VINAFIS) cho biết: “Tình trạng các loại thủy – hải sản có nguồn gốc từ Trung Quốc nhập lậu vào thị trường nước ta không phải bây giờ mới xảy ra mà đã diễn ra từ lâu lắm rồi, đây là một vấn đề khá nhức nhối và vẫn chưa có biện pháp giải quyết triệt để.
Vụ cá tầm nhập lậu vừa qua chỉ là một trong số những mặt hàng thủy sản nhập lậu từ Trung Quốc được các cơ quan chức năng phát hiện.
Tình trạng thủy hải sản Trung Quốc nhập lậu tràn lan vào nước ta đã gây những thiệt hại to lớn cho cả phía Nhà nước lẫn người dân – cụ thể là người nuôi cá lẫn người tiêu dùng trong nước.
Vì thủy hải sản nhập lậu mà Nhà nước thất thu thuế, còn người nuôi cá trong nước thì điêu đứng vì sản phẩm của mình làm ra nhưng không đủ sức cạnh tranh về giá dẫn đến thua lỗ, thậm chí phá sản.
Trong khi người tiêu dùng thì bị lừa vì mất tiền mà phải mua phải hàng giả, hàng nhập lậu, không đảm bảo các tiêu chuẩn về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm”.
“Vụ cá tầm Trung Quốc nhập lậu vào Việt Nam vừa bị các cơ quan chức năng phát hiện và xử lý gần đây là dấu hiệu rất đáng báo động, vì đây là mặt hàng thủy sản có giá trị lớn, nếu không kiểm soát chặt thì chúng ta sẽ bị tổn thất kinh tế rất nặng nề.
Ngay sau khi có thông tin về vụ việc trên, Hội Nghề cá Việt Nam và Hội nuôi cá nước lạnh Lâm Đồng cũng đã lên tiếng.
Một mặt Hội đã khuyến cáo người tiêu dung thận trọng hơn trong việc mua sản phẩm cá tầm, mặt khác cũng đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường hơn nữa các biện pháp để siết chặt vấn đề nhập khẩu cá tầm vào nội địa, bảo vệ lợi ích chính đáng của người nuôi cá tầm và người tiêu dùng trong nước”, TS Nguyễn Việt Thắng nói.
TS Nguyễn Việt Thắng cho rằng: “Tuy nhiên, siết chặt quản lý việc nhập khẩu cá tầm nói riêng và các loại mặt hàng thủy hải sản nói chung cũng chỉ là biện pháp trước mắt. Chúng ta đã gia nhập WTO thì phải chấp nhận ‘luật chơi’ của ‘sân chơi’ mới này.
Điều đó nghĩa là không thể sử dụng các biện pháp hạn chế nhập khẩu được, quan trọng là phải có các công cụ và biện pháp quản lý thật hữu hiệu để đảm bảo việc nhập khẩu thủy – hải sản vào Việt Nam phải thông qua bằng đường chính ngạch, đảm bảo các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm và trên mẫu mã sản phẩm phải ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng…, không thể nhập nhằng như hiện nay được.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải nâng cao sức cạnh tranh cho những cá nhân, doanh nghiệp nuôi cá tầm trong nước thông qua việc quảng bá thương hiệu không chỉ ở thị trường trong nước mà còn cả thị trường ở nước ngoài”.
Số lượng cá tầm Trung Quốc nhập lậu ‘không đáng kể’? Nằm sát đường vành đai 3 (thuộc địa bàn phường Yên Sở, quận Hoàng Mai), chợ cá Yên Sở có diện tích gần 10.000m2, được xem là chợ cá đầu mối lớn nhất ở Hà Nội. Chợ này có đến hàng trăm hộ chủ yếu là người dân địa phương (ở phường Yên Sở) tham gia kinh doanh cá nước ngọt và nước mặn... Hoạt động của chợ luôn nhộn nhịp, diễn ra 24/24. Giờ “cao điểm” thường bắt đầu từ 8h đến 10h sáng và từ 19h đến 3h sáng hôm sau). Theo thống kê của nhà quản lý, mỗi ngày, tại chợ cá Yên Sở diễn ra các giao dịch với số lượng hàng trăm tấn cá. Cá chủ yếu được các lái buôn đem về từ các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Ninh Bình, Nam Định... sau đó được đưa vào các chợ trong nội thành hoặc xuất đi các tỉnh khác như Lạng Sơn, Lào Cai, Yên Bái... Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tình trạng cá và các loại mặt hàng thủy, hải sản nhập lậu từ Trung Quốc cũng được đưa về tiêu thụ tại đây. Về vấn đề này, đại diện phường Yên Sở (Hoàng Mai, Hà Nội) xác nhận, thông tin cá nhập từ Trung Quốc bán ở chợ Yên Sở là có thật, nhưng chỉ với số lượng rất ít, không đáng kể và chủ yếu là cá quả, cá tầm... Qua các đợt kiểm tra về môi trường cho thấy, các chủ đầu mối cá từ các tỉnh về đây đều có giấy chứng nhận VSATTP. Phường Yên Sở cũng đã có kiến nghị với cơ quan chức năng đối với việc nhập khẩu cá từ Trung Quốc về, các ngành chức năng phải có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn. Còn khi đã vào nội địa rồi lan tỏa đi thì kiểm tra rất khó.
Theo Hoàng Sơn