Cận cảnh đường dây chuyển bia lậu ở Lao Bảo
Lượng bia ngoại nhập lậu đường bộ vào Việt Nam chủ yếu đến từ các cửa khẩu tiếp giáp Lào và Campuchia, đặc biệt là tại Lao Bảo (Quảng Trị), Tịnh Biên (An Giang), Móng Cái (Quảng Ninh).
Theo tài liệu giao ban công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại quý I/2013, bia là mặt hàng buôn lậu đang nổi lên trong thời gian. Bên cạnh nguồn hàng đựơc chuyển về nước qua đường biển, một phần rất lớn số bia lậu này được chuyển qua các cửa khẩu trên toàn bộ tuyến biên giới đất liền.
Tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2013 đã bắt giữ 187.280 chai, lon bia các loại tại Nghệ An, 21.109 chai lọn tại Hà Tĩnh, 98.445 chai lon tại Quảng Trị và 10.600 chai lon tại Kon Tum. Thậm chí, đã phát hiện và xử lý 117.475 chai, lon được nhập lậu chuyển qua đường hàng không.
Riêng tại Hà Nội, trong ngày 15/5, Chi cục quản lý thị trường Hà Nội đã tiến hành một chiến dịch kiểm tra đồng loạt nhiều cơ sở kinh doanh bia, rượu trên địa bàn thành phố để xác minh đường dây tiêu thụ bia nhập lậu.
Lực lượng chức năng kiểm tra tại các cửa hàng bán bia rượu. |
Riêng tại phường Hàng Buồm, với kết quả kiểm tra đột xuất tại 3 cửa hàng thuộc các phố Đào Duy Từ và Hàng Giày, các đội công tác đã thu giữ hơn 40 thùng bia Heineken loại lon thân cao 500 ml và chai nhỏ 250 ml. Mỗi thùng bia này có từ 12- 24 lon hoặc chai bia và có giá bán cao gấp rưỡi so với sản phẩm Heineken được sản xuất tại Việt Nam.
Theo đại diện các đội công tác, những thùng bia bị thu giữ đều không có đủ hoá đơn, chứng từ hợp lý hoặc thiếu nhãn phụ trên sản phẩm. Một số thùng bia Heineken khác tại cửa hàng có dán tem ghi rõ đơn vị nhập khẩu là một số công ty thương mại tại Lao Bảo, Quảng Trị, Trong thời gian trước mắt, Cục quản lý thị trường sẽ tiến hành đối chiếu và điều tra về tính hợp pháp của số hoá đơn, chứng từ cho các thùng bia này.
"Đây không phải là lần đầu chúng tôi gặp trường hợp như vậy. Và việc điều tra về nguồn gốc của các thùng bia ngoại bị nghi ngờ nhập lậu luôn gặp khó khăn". Ông Nguyễn Công San, Phó Cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, cho biết.
Bia ngoại bán tràn lan nhưng đa số giấy tờ không rõ ràng. |
Cụ thể, theo Nghị định 89/2006 của Bộ Công thương về nhãn hàng hoá, các sản phẩm bia ngoại nhập khẩu vào VN chỉ phải dán tem trên vỏ thùng bên ngoài. Bởi vậy, so với việc dán tem cho rượu ngoại, việc tìm hiểu tính hợp pháp của các lon hoặc chai bia bị tách khỏi thùng khi bán lẻ là rất khó khăn.
" Thậm chí, nhãn phụ cũng không có giá trị pháp lý nếu không đi kèm với hoá đơn chứng từ chứng tỏ nguồn gốc nhập bia. Bởi vậy, cá nhân hay tổ chức nào cũng có thể làm nhãn phụ và dán vào sản phẩm. Các đơn vị bán hàng lậuthường tìm cách hợp thức hoá bằng việc sử dụng những bộ hoá đơn chứng từ quay vòng". Ông San nói thêm.
Với tâm lý chuộng ngoại và sức tiêu thụ bia rất mạnh ở Việt Nam lượng bia có nguồn gốc từ nước ngoài được bán khá tốt tại các cửa hàng kinh doanh hoặc nhà hàng lớn. Thậm chí, bên cạnh những loại bia xuất xứ từ Tiệp, Mexico, Đức, Bỉ như Corona, Budweiser, Bit Burger, Leffe Brown…, một số loại bia có cơ sở sản xuất tại Việt Nam nhưng vẫn được người tiêu dùng tìm kiếm nguồn hàng "ngoại nhập", mà trường hợp Heineken là điển hình.
Theo điều tra sơ bộ, lượng bia ngoại nhập lậu đường bộ vào Việt Nam chủ yếu đến từ các cửa khẩu tiếp giáp Lào và Campuchia, đặc biệt là tại Lao Bảo (Quảng Trị), Tịnh Biên (An Giang), Móng Cái (Quảng Ninh).
Tại Lao Bảo, số lượng bia lậu thường đuợc vận chuyển bằng thuyền qua sông Sepôn, tập kết vào các kho bí mật rồi dùng phương tiện cơ giới chuyển về chợ Đông Hà. Các đối tượng buôn lậu sau đó mua giấy tờ nhập khẩu giả hoặc đặt lẫn cùng các loại hàng vận chuyển hợp pháp để đưa về Đà Nẵng, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Một con đường khác để tuồn bia lậu vào Việt Nam là mua gom tiêu chuẩn mua hàng miễn thuế của những nguời qua lại khu vực Lao Bảo để từ đó đưa ra thị trường.
Thống kê năm 2010 cho biết lượng bia tiêu thụ trung bình mỗi năm tại Việt Nam thời gian qua vào khoảng 2,4 tỷ lít, đứng thứ 3 Châu Á asu Trung Quốc và Nhật Bản. Ước tính con số này đã lên hơn 3 tỉ lít và dự kiến sẽ lên tới 4 tỷ lít vào năm 2015.
Nếu không có biện pháp tích cực để quản lý và giám sát, Việt Nam sẽ tiếp tục là thị trường “lý tưởng” thu hút các sản phẩm bia nhập lậu từ nước ngoài. Trong vài năm qua, một số chuyên gia đã nhắc tới việc tiến hành dán tem trực tiếp cho từng sản phẩm chai hoặc lon bia như dán tem với rượu để đối phó với tình trạng bia lậu tràn lan hiện nay.
Các đối tượng buôn lậu sau đó mua giấy tờ nhập khẩu giả hoặc đặt lẫn cùng các loại hàng vận chuyển hợp pháp để đưa về Đà Nẵng, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Một con đường khác để tuồn bia lậu vào Việt Nam là mua gom tiêu chuẩn mua hàng miễn thuế của những nguời qua lại khu vực Lao Bảo để từ đó đưa ra thị trường.
Theo Ngọc Sơn