Kiếm tới 30 tỷ USD lợi nhuận từ kinh doanh vaccine, tại sao tứ đại gia ngành dược lại hờ hững với việc chế tạo vaccine chống virus Corona?

13/02/2020 09:41 AM | Kinh doanh

Câu trả lời duy nhất nằm ở vấn đề lợi nhuận.

Pfizer, Merck, GlaxoSmithKline và Sanofi là 4 ông lớn ngành dược đang thống trị thị trường vaccine thế giới. Năm ngoái, 4 tên tuổi này bỏ túi tới 30 tỷ USD lợi nhuận từ việc kinh doanh vaccine.

Tuy nhiên đầu năm nay, khi đại dịch viêm phổi cấp do virus Corona thế hệ mới (2019-nCoV) bùng phát tại Trung Quốc và nhanh chóng lan ra toàn cầu, cả 4 ông lớn này đều bình chân như vại. Không ai trong số họ nghĩ đến chuyện chế tạo một loại vaccine mới hay có động thái phản ứng kịp thời để góp phần ngăn chặn sự lây lan của đại dịch.

Coalition for Epidemic Preparedness Innovations, một tổ chức từ thiện do chính phủ Mỹ tài trợ, mới là lực lượng dẫn đầu nỗ lực tìm vaccine ngừa virus. Hiện họ đã tài trợ cho hai công ty tại San Diego và một công ty khác tại Massachusetts để phát triển vaccine phòng 2019-nCoV.

Theo tiết lộ từ tờ Barrons, các chủng virus mới như Corona không phải mối quan tâm của các công ty dược. Họ biết cách kiếm tiền dựa trên những căn bệnh lạ và hiếm gặp, nhưng vaccine ngừa Corona thì không. Đơn giản vì việc chế tạo vaccine cho một chủng virus mới thường rất đắt đỏ, nhu cầu cũng khó dự đoán trước trong khi thị trường tiềm năng lại là những nơi người bệnh hầu như có rất ít khả năng chi trả.

"Các công ty dược tư nhân sẽ hướng về những mảng miếng có lợi nhuận lớn nhất, và tất nhiên tập trung cải thiện sức khỏe cộng đồng không thể mang lại cho họ điều đó", nhà phân tích Peter Bach bình luận.

Kiếm tới 30 tỷ USD lợi nhuận từ kinh doanh vaccine, tại sao các đại gia ngành dược lại hờ hững với việc chế tạo vaccine chống virus Corona? - Ảnh 1.

Ngoài vấn đề kinh doanh, giả sử các đại gia ngành dược vẫn quyết tâm tìm ra loại vaccine mới phòng Corona, thì họ có khả năng cao sẽ phải đối diện với kịch bản sau: Đến lúc chế tạo thành công, dịch bệnh đã chấm dứt.

Theo các chuyên gia y tế quốc tế từng khẳng định, việc phát triển, thử nghiệm và đánh giá một loại vaccine mới là rất tốn thời gian. Có thể mất hàng tháng, thậm chí hàng năm trời.

Nếu nhìn từ các dịch bệnh trong quá khứ, có thể thấy vaccine đóng vai trò rất nhỏ trong thời gian dịch bùng phát. Các hãng dược mất hơn một năm để tạo ra vaccine chống SARS, loại virus nguy hiểm xuất hiện từ tháng 11/2002 và giết chết gần 800 người trên phạm vi toàn cầu.

Khi vaccine SARS chuẩn bị được đưa thử nghiệm trên người, cộng đồng quốc tế đã khống chế thành công đại dịch. Từ năm 2004 đến nay, chưa có thêm ca nhiễm SARS nào được ghi nhận.

Tương tự, với dịch MERS năm 2012, các loại vaccine được phát triển còn chưa kết thúc giai đoạn thử nghiệm thì dịch đã dần kết thúc.

Đối với dịch Ebola, các loại vaccine được nghiên cứu từ năm 2014, và khi dịch bệnh bùng phát năm 2018 thì phải tới cuối năm 2019 loại vaccine đầu tiên mới được cấp phép tiêm cho người.

"Với chủng virus Corona mới này, tôi nghĩ tối thiểu phải mất 2 năm để chế tạo ra loại vaccine phù hợp với phần đông dân số", tiến sĩ Standley Plotkin, giáo sư tại Đại học Pennsylvania nhận định với Business Insider.

Vậy nếu không trực tiếp ngăn ngừa đại dịch, vaccine sẽ có vai trò gì?

Mặc dù vaccine phòng 2019-nCoV không trực tiếp ngừa đại dịch lần này, nhưng thực tế có thể mang tới tác động phòng bệnh lâu dài, với tầm nhìn hàng chục năm. Cùng với dịch SARS và MERS, đây đã là lần thứ 3 mà các chủng virus Corona gây ra đại dịch trong vòng 20 năm qua. Các chuyên gia tin rằng lần bùng nổ tiếp theo sẽ chỉ nằm ở vấn đề thời gian.

"Sẽ thật ngớ ngẩn nếu nghĩ một đại dịch như vậy không xảy ra lần nữa. Lịch sử cho thấy chắc chắn sẽ lại có một dịch bệnh tương tự", tiến sĩ Gregory Poland, giám đốc nhóm nghiên cứu vaccine của Mayo Clinic cho biết.

Trước tình hình dịch bệnh do 2019-nCoV bùng phát như hiện nay, vị chuyên gia này đưa ra hai khả năng: Một là sẽ giống SARS, chỉ bùng nổ trong một khoảng thời gian ngắn và tự động biến mất. Hướng thứ hai, tệ hơn, dịch bệnh có thể trở thành đại dịch toàn cầu với thiệt hại rất lớn.

Xem thêm toàn bộ các tin liên quan tại đây.

Kiếm tới 30 tỷ USD lợi nhuận từ kinh doanh vaccine, tại sao các đại gia ngành dược lại hờ hững với việc chế tạo vaccine chống virus Corona? - Ảnh 3.

Nhật Anh

Cùng chuyên mục
XEM