Kiếm tiền quá kỳ dị trên TikTok: Từ ăn xin online đến bán “vía” quay lại bồ cũ, đáng sợ nhất là không ít người bị thôi miên và sẵn sàng “móc ví”
Vì nội dung hấp dẫn, ngay cả khi theo cách độc hại, người xem vẫn sẵn sàng "cúng tiền" cho các TikToker.
TikTok với số người dùng toàn cầu đã lên đến tỷ người đang là mạng xã hội dẫn đầu thế giới. Để kiếm tiền trên TikTok hiện có rất nhiều cách, trong đó cách phổ biến nhất là bán hàng online và thu tiền donate của người xem. Để tăng tương tác, thu hút nhiều khách hàng trong hàng tỷ người dùng, các TikToker vì thế đã tạo ra rất nhiều phương thức độc lạ, đôi khi phạm pháp và độc hại để kiếm tiền.
Ăn xin online
Nạn ăn xin online trên TikTok đã trở thành một hiện tượng phổ biến ở Indonesia đến nỗi vào tháng 2 vừa qua, Chính phủ nước này buộc phải vào cuộc để kiểm soát. Chính quyền lên tiếng kêu gọi công chúng nỗ lực ngừng “ăn xin và xin tiền, hàng hóa miễn phí”. Đây là hành vi bị đánh giá là “hạ thấp danh dự con người” và bị cấm trong đạo Hồi.
Nền tảng chia sẻ video phổ biến của ByteDance cho phép những người sáng tạo có ít nhất 1.000 người theo dõi nhận được quà tặng ảo từ những người theo dõi và những món quà sau đó có thể được chuyển đổi thành tiền thật. Đây là một tính năng có sẵn trên một loạt nền tảng mạng xã hội khác, nhưng sự phổ biến của TikTok rõ ràng đã khiến nó trở nên hoàn hảo đối với những người ăn xin.
Thay vì xin vài đồng lẻ từng người ngoài đường, những người ăn xin trên TikTok chỉ cần quay video họ thực hiện một số hành vi gợi lòng thương hại, đăng lên mạng xã hội và nhìn tiền bắt đầu chảy vào.
Một xu hướng phổ biến là những người ăn xin, đặc biệt là phụ nữ lớn tuổi, kêu gọi lòng hảo tâm của người xem bằng cách đổ nước bùn lên mình. Một số màn livestream tắm bùn này có thể diễn ra trong nhiều giờ và dường như mang lại lợi nhuận khá cao so vì rất viral. Chính phủ Indonesia hiện đã yêu cầu nền tảng TikTok phải xóa và cấm các video “tắm bùn” như thế.
Bất chấp những nỗ lực của Chính phủ Indonesia nhằm hạn chế sự phổ biến của nạn ăn xin trên TikTok, các chuyên gia cho rằng xu hướng này có thể sẽ bùng nổ, miễn là mọi người tiếp tục tin rằng họ đang làm điều tốt.
Bán “vía” học giỏi, may mắn, quay lại với người yêu cũ
Không khó để bạn bắt gặp những cửa hàng bán sản phẩm được giới thiệu là “tâm linh” trên TikTok hay các mạng xã hội tương tự Instagram, Facebook. Các mặt hàng như vòng đeo tay, mặt đá, hương tinh dầu hay que nhang được quảng cáo là có năng lực tâm linh đem đến vận may cho người dùng. Dù khách hàng muốn “xin vía” học giỏi, thành công trong sự nghiệp hay chi tiết hơn là quyến rũ người yêu cũ quay lại, hấp dẫn đối tượng hẹn hò hay đậu phỏng vấn xin việc sắp tới cũng có sản phẩm phục vụ.
Các video của người bán thường làm nội dung giải thích công dụng của sản phẩm và feedback của người dùng mà không ai rõ là thật hay tự dựng lên. Điều đáng nói là giá của những sản phẩm tâm linh này không hề rẻ, có thể lên đến hàng triệu đồng. Đến nay, các sản phẩm tâm linh như vậy chưa được chứng minh về mặt khoa học và mang màu sắc mê tín dị đoan.
Ăn đồ vật, làm trò điên khùng để thu tiền donate
Mukbang đã là một xu hướng bị bão hòa trên mạng xã hội từ lâu khi người người nhà nhà đều mukbang. Để thu hút người xem và “nổi bật trong đám đông” hơn, các TikToker giờ đây phải tìm đến các nội dung độc lạ, giật gân và gây sốc hơn.
Sự “sáng tạo” của các TikToker ngày càng gia tăng và người xem khó có thể đoán trước được. Họ đã chuyển từ ăn món ăn lạ sang đồ không ăn được từ lâu. Ví dụ như Jin Su, một vlogger đến từ Campuchia đã nổi tiếng xuyên biên giới nhờ clip ăn dép chấm ớt, ăn vỏ sầu riêng,...
Ở Mỹ, chính quyền từng phải lên tiếng ngăn chặn trend TikTok “Thử thách Kia”. Đây là một trend mà người quay clip cố gắng khởi động xe ô tô hãng Kia của người lạ trên đường mà không cần chìa khóa. Đôi khi nó dẫn đến cả nạn ăn cắp. Rất nhiều xu hướng độc hại đã bị các nhà chức trách lên tiếng cảnh báo, nhưng sau khi một trend lắng xuống, trên TikTok sẽ lại có xu hướng khác mọc lên.
Nguồn: Sanook, Oddity Central