Kiểm soát tốt tín dụng tạo đà phát triển thị trường BĐS

04/09/2017 07:30 AM | Kinh doanh

Ngay từ đầu năm 2017, ngân hàng nhà nước đã ban hành Chỉ thị số 01, yêu cầu các ngân hàng thương mại thường xuyên rà soát, đánh giá việc cho vay trong lĩnh vực BĐS, cho vay có bảo đảm bằng BĐS, tín dụng đối với nhóm khách hàng lớn… để bảo đảm an toàn, hiệu quả trong hoạt động. Song song với đó là việc hướng tín dụng BĐS vào các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại đáp ứng nhu cầu thực của người dân.

Tín dụng BĐS phát triển

Thị trường BĐS trong 2 năm trở lại đây đã có nhiều khởi sắc, các dự án được tiếp tục triển khai và khởi công mới nên nguồn vốn rót vào thị trường có gia tăng. Tuy nhiên, so với giai đoạn trước thì việc rót vốn của nhiều ngân hàng đã có sự thận trọng hơn.

Hiện nay ngân hàng thường hướng tới các dự án có nhiều ưu thế như có vị trí tốt, có hạ tầng vùng hoàn thiện, tính thanh khoản cao, hoặc đang trong giai đoạn hoàn thiện để đầu tư. Đối với những khách hàng lẻ, ngân hàng chú trọng cho vay để mua, sửa chữa nhà cửa... qua kênh tín dụng tiêu dùng. Các khoản tín dụng này thường được đảm bảo trả nợ bằng tiền lương, bằng thu nhập thường xuyên, ổn định nên ít có khả năng làm tăng nợ xấu.

Việc kiểm soát chặt tín dụng từ các ngân hàng đã tác động đến nhiều doanh nghiệp kinh doanh BĐS. Nhiều doanh nghiệp trong quá trình triển khai dự án đã hướng tới những khách hàng có nhu cầu thực với các dòng sản phẩm có mức giá hợp lý. Đối tượng khách hàng được nhiều chủ đầu tư "khoanh vùng" là những gia đình trẻ có nhu cầu cao về nhà ở. Sản phẩm thực đến với nhu cầu thực là điều kiện thuận lợi để dự án nhận được sự hỗ trợ từ các ngân hàng.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc dòng vốn tín dụng của nhiều ngân hàng tiếp tục đổ vào thị trường BĐS là một hiện tượng bình thường của cung cầu tín dụng. Khi thị trường BĐS ngày càng hướng về người có nhu cầu thực, đưa ra được những sản phẩm có tính thanh khoản cao thì dòng tiền của ngân hàng rót vào BĐS sẽ là một kênh đầu tư tốt.

Dòng tiền của các ngân hàng đầu tư vào BĐS cũng đã được kiểm soát chặt chẽ và nhất là ngành ngân hàng đang thực hiện những gói cho tín dụng chính sách, hướng tới người có nhu cầu mua nhà thực sự và có nguồn thu nhập ổn định thì rõ ràng sẽ kiềm chế được hiện tượng nợ xấu phát sinh từ các dự án BĐS kém hiệu quả.

Gia tăng các chỉ số tại thị trường BĐS TP.HCM

Theo thống kê của Hiệp Hội bất động sản TP. HCM (HoREA), trong 2 quý đầu năm 2017, tín dụng bất động sản có mức tăng trưởng khá cao 6,35%. Tín dụng tăng trưởng nhưng lãi suất đã được nhiều ngân hàng giữ ở mức ổn định và khá hợp lý, hiện tại lãi suất vay mua nhà xã hội giữ ở mức 4,8%. Toàn thành phố huy động được khoảng 1,8 triệu tỷ đồng, tăng 4,5% so với cuối năm 2016. Dư nợ tín dụng đạt 1,6 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 10%. Đặc biệt, dư nợ cho vay BĐS không có nhiều biến động, luôn chiếm khoảng 10% tổng dư nợ.

Cùng kỳ, số doanh nghiệp bất động sản đăng ký thành lập mới cũng tăng mạnh và chiếm tỷ lệ lớn trong số doanh nghiệp mới thành lập. Trong 18.000 doanh nghiệp được thành lập trên địa bàn thì chiếm 1/3 trong số đó là doanh nghiệp bất động sản. Thị trường khởi sắc khiến các hoạt động M&A diễn ra sôi động. Hàng loạt các thương vụ đã được các "đại gia" trong nước và nước ngoài triển khai nhằm thâu tóm các quỹ đất "vàng" để triển khai các dự án cao cấp và hạng sang. Theo thống kê của Savills Việt Nam, chỉ tính đến hết quý 2 TP.HCM đã chiếm tới 40,9 vốn FDI vào BĐS cả nước.


 

D’Edge Thảo Điền – Dự án mới của đại gia ngoại CapitaLand tại quận 2

D’Edge Thảo Điền – Dự án mới của "đại gia" ngoại CapitaLand tại quận 2

Liên quan đến các phân khúc sản phẩm, thị trường ghi nhận đã có sự chuyển dịch tương đối. Theo đó, tỷ lệ căn hộ hạng trung và bình dân chiếm khoảng 68,7% tổng số căn hộ đưa ra thị trường trong 6 tháng đầu năm.

Các dự án cao cấp và hạng sang tuy không chiếm tỷ lệ cao nhưng vẫn có tính thanh khoản khá tốt bởi các dự án này thường chiếm lợi thế về vị trí và hệ thống tiện ích đi kèm. Đáng chú ý, trong khi nhà ở bình dân tại TP. Hồ chí Minh có xu hướng tăng nhanh, với tỷ lệ tăng 1,9 lần so với cùng kỳ năm 2016, thì nhà thuộc phân khúc trung bình đang suy giảm.

Theo thống kê của HoREA, nhiều doanh nghiệp lớn chuyên phát triển nhà trung cấp, nhưng trong 6 tháng đầu năm, các doanh nghiệp này không cung cấp sản phẩm nào ra ngoài thị trường.

Thùy Linh

Cùng chuyên mục
XEM